Hà Nội
Tai nạn và ùn tắc xảy ra như “cơm bữa” trên cây cầu huyết mạch Thanh Trì
(Dân trí) - Sau gần 14 năm đưa vào sử dụng, đến nay, mặt cầu Thanh Trì (Hà Nội) đã hư hỏng, xuống cấp và trở thành “điểm đen” ùn tắc, tai nạn giao thông.
Cầu Thanh Trì nằm trên trục Vành đai 3, là tuyến giao thông huyết mạch kết nối các phương tiện giao thông từ QL1A, QL5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nên có mật độ giao thông rất cao. Cầu được Bộ GTVT thiết kế, xây dựng và bàn giao cho TP Hà Nội quản lý từ năm 2013. Chiều dài 3km, mặt cắt ngang rộng 33m, được chia thành hai chiều riêng biệt bằng dải phân cách cứng.
Mỗi ngày, cầu Thanh Trì đang phải “cõng” phần lớn lượng phương tiện từ các tỉnh phía Nam ra, phía Tây Bắc vào và qua Hà Nội. Hiện mặt đường hư hỏng, hằn lún vệt bánh xe, hệ thống dải phân cách cứng của cầu Thanh Trì cũng đang xuống cấp nghiêm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan và công tác đảm bảo an toàn trên cây cầu trọng điểm của Thủ đô.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đại, làm nghề xe ôm ở khu vực chân cầu Thanh Trì cho biết, tình trạng xe tải hạng nặng, xe ôtô chở khách… thường xuyên chạy vào làn hỗn hợp của cầu Thanh Trì.
“Nhất là vào giờ cao điểm, làn dành riêng cho ôtô chật kín các phương tiện ôtô từ cỡ lớn đến cỡ nhỏ. Còn trong làn hỗn hợp cả ôtô và xe máy thì các phương tiện di chuyển rất lộn xộn, mạnh ai nấy đi. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra ở trong làn hỗn hợp trên cây cầu huyết mạch này”, ông Đại chia sẻ thêm.
Một số người tham gia giao thông thì cho rằng, muốn hóa giải tai nạn giao thông trên cầu Thanh Trì thì chỉ có cách thu hẹp làn dành riêng cho xe máy là hợp lý nhất, chỉ đủ xe máy đi thôi thì sẽ an toàn hơn là làn hỗn hợp như hiện tại.
Hiện tại, cơ quan chức năng đang tổ chức giao thông trên cầu 2 làn dành riêng cho ôtô lưu thông với tốc độ tối đa 80km/h và 1 làn hỗn hợp cho ôtô con và xe máy lưu thông hỗn hợp với tốc độ tối đa 50km/h.
Để giảm tải cho cầu Thanh Trì, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nút giao thông cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Vành đai 3. Khi hoàn thiện, phương tiện từ nút giao này có thể đi thẳng về đường Cổ Linh hướng về cầu Vĩnh Tuy.
Trao đổi với PV về vấn đề này, Trung tá Lê Quang Hòa – Trưởng phòng hướng dẫn điều khiển giao thông và dẫn đoàn - Cục CSGT cho biết, từ năm 2018 đến nay, đã xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 19 vụ tai nạn giao thông xảy ra trong làn hỗn hợp giữa ôtô và xe máy, chiếm đến 58% trong tổng số vụ tai nạn trên cầu Thanh Trì. Bên cạnh nguyên nhân về phương tiện và con người thì nguyên nhân về tổ chức làn giao thông hỗn hợp đã dẫn đến tai nạn giao thông.
Để hóa giải "nút thắt" giao thông tại cầu Thanh Trì, Cục CSGT đã đề xuất điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì. Cụ thể phân lại làn đường: bố trí mặt cầu thành 3 làn đường dành cho xe ôtô và 1 làn đường dành cho xe mô-tô, có dải phân cách mềm giữa làn xe ôtô và xe mô-tô; điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép tại làn xe ô tô từ 80km/h xuống 60km/h; điều chỉnh hệ thống vạch kẻ đường, biển báo hiệu cho phù hợp; thường xuyên tiến hành duy tu, bảo trì mặt cầu, khe co giãn, hệ thống đèn chiếu sáng, camera giám sát và tăng cường xử phạt…