1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tai nạn thảm khốc ở Kon Tum do đường thiết kế không chuẩn?

Theo kết luận của công an Kon Tum, nguyên nhân tai nạn hoàn toàn do lái xe và xe. Song, nhiều cán bộ khoa học về cầu đường cho rằng, yếu tố đường sá có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn.

Việc xem xét, thẩm định yếu tố đường sá liên quan đến TNGT hay không, có nhiều chỉ tiêu kỹ thuật, yếu tố hình học khác và công trình phòng hộ... Cụ thể tại quãng đường đèo Lò Xo xảy ra vụ TNGT có độ dốc dọc thẳng xuống 10%. Bên phải dốc có ta - luy dương (vách núi); bên trái dốc là ta - luy âm xuống vực sâu. Cuối đoạn đường dốc là “khúc cua”  bán kính hẹp, kiểu “cua tay áo” R= 60 m.

 

Lưng “khúc cua” này ở bên bờ vực thẳm, ô tô xuống dốc tốc độ cao sẽ bị lực ly tâm đẩy ra phía lưng đường cong, rồi có thể bị lao xuống vực. Để khắc phục lực ly tâm khi ô tô đi vào đoạn đường “ cua” hẹp, ôm núi ( R= 60 m ) này, hồ sơ thiết kế quy định thi công siêu cao isc= 6%.

 

Siêu cao là độ nghiêng mặt cắt ngang đường, từ mép ta luy âm (phía vực thẳm) dốc xuống mép ta luy dương (vách núi) để hạn chế tác động của lực ly tâm, giữ cho phương tiện giao thông được an toàn. Nhưng thực tế thi công, siêu cao tại “cua” này chỉ đạt isc trên 3% ở làn xe ngoài.

 

Mặt đường đoạn “chêm” - (thuật ngữ chuyên môn, chỉ đoạn đường chuyển tiếp giữa đường thẳng và đường cong), phải thi công đủ siêu cao, nhưng lại có xu hướng hơi bị dốc ra ngoài vực...

 

Về phòng hộ, đoạn đường dốc đứng, vực thẳm có cua hẹp nguy hiểm thế này lẽ ra phải thiết kế tường hộ lan, hay ít ra là lan can rào ray ở phía ta-luy âm toàn bộ đoạn dốc thẳng và lưng đường cong bên bờ vực. Nhưng ở đây, công trình phòng hộ chỉ là hàng cọc tiêu.

 

Kết quả điều tra số 77/PC14 của công an tỉnh Kon Tum xác định nguyên nhân chính, chủ yếu dẫn đến xe 29M 6472 gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 31 người chết, 2 người bị thương tại km 442+346 đường Hồ Chí Minh trên đèo Lò Xo ngày 21/4/2005 là do lái xe Nguyễn Việt Hùng xử lý tình huống kém, đạp nhả phanh liên tục làm cho hệ thống phanh chính mất hiệu lực.

Hiện tại lưng đường cong cũng chỉ có lan can rào ray nửa vời, phần đường cong nguy hiểm còn lại chỉ trồng cọc tiêu sơ sài. Bỏ tường phòng hộ quãng đường đèo Lò Xo này là tước bỏ cơ may cuối cùng cứu giúp người và phương tiện hạn chế thiệt hại khi lâm nạn.

 

Nhân dân địa phương và công nhân ở đây cho biết, ô tô 29M 6472 bị lao xuống vực tại đoạn đường “cua” (đánh dấu X trong ảnh), chứ không phải ở trên đoạn dốc đường thẳng.

 

Như vậy đã rõ, thiết kế công trình phòng hộ bằng cọc tiêu bên ta - luy âm là không phù hợp, việc bớt siêu cao khi thi công khiến đoạn đường này không bảo đảm ATGT, đặc biệt đối với những trường hợp phương tiện lưu thông gặp sự cố khi đổ đèo. Đây chính là “điểm đen” về ATGT và có thể là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến vụ TNGT thảm khốc làm chết 31 người.

 

Căn cứ theo Luật hình sự và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đường Hồ Chí Minh, cộng với tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô TCVN 4054 - 85... đề nghị các cơ quan chức năng: Viện Kiểm sát, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Hội đồng nghiệm thu nhà nước về cầu đường kiểm tra, xác minh, đo đạc hiện trường vụ TNGT, thẩm định lại một cách khách quan, toàn diện các yếu tố đường sá có liên quan TNGT, kịp thời khắc phục những thiếu sót, khiếm khuyết để bảo đảm ATGT, phù hợp với ý nghĩa phục vụ của tuyến đường Hồ Chí Minh.

 

Theo Tiền phong