1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tai nạn lao động: Nỗi đau không ngừng tăng

(Dân trí) - Số vụ tai nạn lao động năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng trong năm 2012, số người chết và bị thương nặng do tai nạn lao động lên tới gần 2.000 người, gây thiệt hại trên 82 tỷ đồng về tài sản.

Theo báo cáo từ Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2012, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) và số nạn nhân được thống kê đều tăng so với năm 2011. Những vụ việc gây chết người hàng loạt vẫn diễn ra khắp các địa phương. Đơn cử như ngày 29/4/2012, vụ tai nạn do ngạt khí độc dưới hầm lò làm 4 người chết tại Công ty cổ phần Sinh Phát Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Hay vụ TNLĐ sáng ngày 21/5/2012 do sạt lở đá làm chết 3 người tại Công ty Tân Hoàng An, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Ngày 21/5/2012, vụ tai nạn do sét đánh gây nổ mìn tại khai trường của hợp tác xã Cường Thịnh, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng làm 6 người chết và 4 người bị thương. Ngày 30/1/2012, vụ tai nạn do cháy tại doanh nghiệp tư nhân Đức Tâm thuộc xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai làm 1 người chết, 20 người bị thương. Vụ TNLĐ do bục nước tại Xí nghiệp than Uông bí, Quảng Ninh gây xôn xao dư luận. Vụ tai nạn ngày 23/7/2012 làm 3 người chết và 4 người khác bị thương…

Hàng trăm vụ TNLĐ khác diễn ra trên toàn quốc mỗi ngày không chỉ cướp đi sinh mạng của những người vốn là trụ cột kinh tế trong gia đình mà còn kéo theo nhiều hệ lụy đau lòng, khiến nhiều gia đình tan nát  

Nhiều vụ TNLĐ thảm khốc liên tục diễn ra trên trên cả nước trong thời gian qua

Nhiều vụ TNLĐ thảm khốc liên tục diễn ra trên trên cả nước trong thời gian qua

Cũng theo báo cáo thống kê từ Cục An toàn lao động, riêng trong năm 2012, số vụ TNLĐ không hề giảm đi mà còn tăng thêm so với năm trước, với gần 7 nghìn vụ, làm hơn 600 người chết, gần 1.500 người bị thương nặng, gây thiệt hại về tài sản lên tới  82 đồng, tổng số ngày nghỉ do TNLĐ lên tới hơn 85.600 ngày. Trong đó, có 10 địa phương để xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người, dẫn đầu là TPHCM, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng và Bình Thuận. Trong đó, ngành nghề để xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng nhất vẫn là lao động giản đơn trong ngành khai thác mỏ, xây dựng, thợ gia công kim loại, thợ cơ khí…

Nguyên nhân hàng đầu để xảy ra những vụ tai nạn đó là do người sử dụng lao động không huấn luyện về an toàn lao động cho người lao động và người lao động vi phạm các quy trình, biện pháp về an toàn lao động. Cùng đó là tình trạng nhiều người lao động với tâm lý chủ quan đã bỏ qua hoặc không sử dụng thiết bị bảo hộ lao động đã được trang bị. Đến khi TNLĐ xảy ra thì hậu quả để lại đã nghiêm trọng.

Nhận định về tình hình, theo Cục trưởng Cục An toàn lao động (ATLĐ) Hà Tất Thắng, hiện các quy phạm pháp luật về ATLĐ đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra, xử lý của cơ quan nhà nước còn chưa triệt để, dẫn tới tình trạng nhiều người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm túc luật, cùng với tình hình TNLĐ gia tăng, tình trạng “trốn” báo cáo về tai nạn lao động đã ở mức báo động, lên tới gần 95% doanh nghiệp, tỷ lệ đó tương ứng với khoảng 19.300 doanh nghiệp, chủ yếu là nhỏ và vừa.

Trước tình hình TNLĐ ngày càng gia tăng theo chiều hướng đáng ngại, Bộ LĐ-TB-XH đã có công văn gửi đến các địa phương trên cả nước đề nghị các địa phương đốc thúc doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về ATLĐ; yêu cầu các Sở LĐ-TB-XH các địa phương tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra về ATLĐ, hướng tới phạt nặng những cơ sở cố tình không tuân thủ quy định.

Chuyên gia ngành lao động cũng đưa ra khuyến cáo với người lao động cần chú ý tuân thủ các quy định về ATLĐ để đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân mình. Trong trường hợp phát hiện chủ sử dụng lao động chưa thực hiện quy trình đảm bảo ATLĐ cần thiết phải cử đại diện công đoàn yêu cầu phía chủ sử dụng lao động thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi đối với người lao động.

Phạm Thanh