1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tai nạn giao thông liên quan người nước ngoài được xử lý như thế nào?

(Dân trí) - Quy trình CSGT điều tra, giải quyết tai nạn giao thông liên quan đến người và phương tiện giao thông đường bộ của nước ngoài đang được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Theo dự thảo Thông tư Quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng CSGT vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến, khi xảy ra vụ tai nạn giao thông liên quan đến người và phương tiện giao thông đường bộ của nước ngoài thì CSGT tiến hành xác minh, thu thập, điều tra bước đầu nguyên nhân.

Đồng thời áp dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN-KS-NV-TP-NG ngày 08/9/1988 của VKSND Tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc điều tra, xử lý các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra hoặc áp dụng theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Cùng với việc tổ chức khám nghiệm hiện trường, các hoạt động ban đầu của cơ quan công an phải xác định tư cách pháp lý của người nước ngoài, quy chế pháp lý của phương tiện gây tai nạn, người bị nạn và tổn thất về tài sản...

Tai nạn giao thông liên quan người nước ngoài được xử lý như thế nào? - 1

(Ảnh minh hoạ)

Cơ quan công an có quyền yêu cầu người gây tai nạn phải xuất trình các giấy tờ tùy thân cần thiết và yêu cầu họ ký vào các biên bản điều tra tại hiện trường; trường hợp họ không ký thì ghi vào biên bản và có người chứng kiến.

Người có thân phận ngoại giao được quy định tại Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam thì việc tiếp nhận lời khai của họ với tư cách là nhân chứng chỉ được tiến hành với sự đồng ý rõ ràng của người đó. Nếu những yêu cầu nói trên bị từ chối thì cũng phải ghi rõ vào biên bản.

Việc xác minh lời khai người nước ngoài được tiến hành theo các thủ tục thông thường tại trụ sở cơ quan công an. Người nước ngoài có thể tự chọn phiên dịch hoặc cơ quan công an có thể mời người phiên dịch.

Trong trường hợp viên chức ngoại giao hoặc lãnh sự chấp thuận làm nhân chứng thì việc tiếp nhận bản khai hoặc xác minh lời khai của họ có thể được tiến hành tại nơi thuận tiện cho họ và họ đồng ý.

Đối với người nước ngoài không có thân phận ngoại giao (chuyên gia, các nhà kinh doanh, học sinh, thực tập sinh, khách du lịch tại Việt Nam...) có liên quan đến vụ tai nạn giao thông thì việc điều tra, giải quyết như đối với công dân Việt Nam. Tuy nhiên, khi xét thấy cần thiết phải tạm giữ người thì phải báo cáo Giám đốc công an cấp tỉnh (nếu lực lượng điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông thì báo cáo cho Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông) để trao đổi với cơ quan ngoại vụ thống nhất giải quyết.

Những khó khăn trở ngại trong quá trình điều tra vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến cá nhân thuộc cơ quan đại diện nước ngoài đều được thống nhất phối hợp giữa các cơ quan: Công an, VKSND và cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh thống nhất chỉ đạo biện pháp giải quyết; đồng thời, báo cáo lên cấp trên theo ngành dọc (Bộ Công an, VKSND Tối cao, Bộ Ngoại giao) để xin ý kiến giải quyết tiếp.

Giải quyết vụ việc liên quan đến người, phương tiện của Quân đội

Theo dự thảo thông tư, đối với vụ tai nạn giao thông xác định được ngay không có dấu hiệu tội phạm, liên quan đến người, phương tiện của Quân đội nhân dân thì lực lượng CSGT điều tra, giải quyết và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, thông báo cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền của Quân đội nhân dân biết.

Đối với những vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người, phương tiện của Quân đội nhân dân phải qua công tác điều tra, xác minh mới xác định được tính chất, mức độ của vụ tai nạn thì lực lượng CSGT tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh ban đầu như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, ghi lời khai những người có liên quan trong vụ tai nạn giao thông…theo quy định.

Đồng thời thông báo cho Cơ quan điều tra hình sự Quân đội nhân dân có thẩm quyền để phối hợp thực hiện các hoạt động điều tra ban đầu.

Trường hợp xác định vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm thì lực lượng CSGT bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn giao thông cho Cơ quan điều tra hình sự Quân đội nhân dân có thẩm quyền để giải quyết.

Thế Kha