Tách dự án sân bay Long Thành mới đẩy nhanh việc “giải cứu” Tân Sơn Nhất
(Dân trí) - Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, quyết định tách riêng dự án giải phóng mặt bằng tái định cư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành lúc này là hợp lý, như vậy mới đẩy nhanh việc xây dựng sân bay để “giải cứu” cho Tân Sơn Nhất.
Chiều ngày 1/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Dù băn khoăn về phương án vốn nhưng đại biểu Nguyễn Hữu Quang (đoàn Thanh Hóa) cũng đồng ý việc tách dự án thành phần này với lưu ý phải có sự gắn kết giữa việc bồi thường GPMB tái định cư với việc triển khai dự án.
“Nếu tách ra rồi, giải phóng mặt bằng xong rồi không làm thì đó là một sự lãng phí lớn. Chúng ta đã có bài học điện hạt nhân Ninh Thuận, hơn 2.000 tỷ đồng chi ra rồi lại dừng. Với dự án này, số tiền là 23.000 tỷ, thiệt hại lớn hơn nhiều nếu phải dừng dự án” - ông Quang cảnh báo.
Ngoài ra, ông Quang cũng cảnh báo, kể cả đến năm 2019, báo cáo khả thi dự án có được Quốc hội thông qua thì yếu tố quyết định để việc sân bay có được xây hay không nằm ở tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế được tính toán tại thời điểm đó.
“Chúng ta cần hơn 16 tỷ USD để đầu tư cho toàn bộ dự án. Bây giờ, nếu Quốc hội đồng ý bỏ ra 23.000 tỷ đồng để làm trước việc giải phóng mặt bằng thì cũng còn 15 tỷ USD vốn cần huy động chưa biết lấy đâu ra. Lúc đó, bài toán phải tính là lưu lượng hành khách, hàng hóa qua cảng sẽ thế nào, giá dịch vụ có thể áp là bao nhiêu… Nếu lúc đó, thấy lưu lượng người và hàng chưa đủ thì dự án có thể không còn khả thi nữa” - ông Quang nói và một lần nữa dẫn chứng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để so sánh.
Khi Quốc hội thông qua chủ trương làm điện hạt nhân, tổng mức đầu tư xác định là 14 tỷ USD để có 4000MW điện. Sau này, số vốn dự tính lên đến 23 tỷ USD, sản lượng điện vẫn thế, dự án không còn khả thi, hiệu quả nữa.
“Không phải tôi bi quan đâu nhưng tôi nghĩ khó có chuyện giải phóng mặt bằng xong có thể triển khai dự án này được. Có những vấn đề phải lường trước như vậy” – ông Quang thẳng thắn.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi ủng hộ việc tách khâu giải phóng mặt bằng thành một tiểu dự án với lập luận, việc này giúp đẩy mạnh hơn tiến độ làm Long Thành. Ông Lợi than, sân bay Tân Sơn Nhất giờ ách tắc quá lớn, khó tháo gỡ rồi. “Tôi mấy lần ngồi xe của văn phòng Quốc hội ra sân bay mà phải xách ba lô xuống xe chạy bộ vào sân bay cho kịp vì tắc quá, sợ trễ chuyến” - ông Lợi bày tỏ tin tưởng là dự án sân bay Long Thành chắc chắn phải làm, không có đường lùi, không phải lo giải phóng mặt bằng xong rồi lại dừng, bỏ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nghe về dự án này và cũng rất băn khoăn. Quốc hội khóa XIII đã thông qua chủ trương đầu tư, lúc đó quyết định chia dự án làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn phải có báo cáo khả thi riêng, lúc đó cũng có ý kiến đặt vấn đề nên thu hồi đất một hay nhiều lần. Quốc hội sau đó đã bàn rất kỹ và quyết định là phải thu hồi đất một lần.
Theo kế hoạch, để báo cáo khả thi thông qua được thì sớm nhất cũng phải 2019 mới có thể bắt đầu khởi công dự án. Nếu lúc đó mới bắt đầu giải phóng mặt bằng, tiến độ dự án còn chậm nữa.
Vậy nên theo Phó Chủ tịch Quốc hội, quyết định tách riêng dự án giải phóng mặt bằng tái định cư lúc này là hợp lý, như vậy mới đẩy nhanh việc xây dựng sân bay để “giải cứu” cho Tân Sơn Nhất được.
Vấn đề vốn thực hiện giải phóng mặt bằng, ông Lưu chỉ rõ, Chính phủ có báo cáo nói trong hơn 5000 ha phải giải tỏa có khu vực thương mại, dịch vụ, thì có thể thu hút các phương thức đầu tư PPP, đấu giá đất. Mặt khác, có thể trích ngân sách, lấy từ nguồn dự phòng 200.000 tỷ của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Cũng có thể sẽ phải phát hành trái phiếu Chính phủ để thực hiện công trình này. Làm giai đoạn này rõ ràng là có lợi hơn 2 , 3 năm sau, vì giá đất sẽ khác đi.
Tại tổ TP Hà Nội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai băn khoăn với việc “đột ngột phát sinh” việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. “Khi xây dựng dự án thì phải hình dung ra được lộ trình, cách thức thực hiện. Thế nhưng chủ trương dự án đã được thông qua giờ mới tách ra như vậy thì phải rút kinh nghiệm”, đại biểu Mai nói.
Liên quan đến tính khả thi khi thực hiện dự án, bà Mai băn khoăn với việc mới được bố trí 5.000 tỷ đồng trong khi tờ trình cần 23.000 tỷ đồng. “Vậy 18.000 tỷ đồng chúng ta lấy từ đâu? Có thể lấy nguồn thu từ đất đai nhưng phải có phương án cụ thể chứ không thể làm đến đâu hay đến đó. Theo quy trình tôi thấy có điểm chưa hợp lý. Bài học là nhà máy điện Ninh Thuận, đã triển khai, giải phóng mặt bằng rồi nhưng lại phải dừng lại”, bà Mai băn khoăn.
Đồng quan điểm tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Dương Quang Thành (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, về kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cần tách ra dự án phân kỳ đầu tư, kể cả đối với việc thu hồi đất đảm bảo quản lý sử dụng đất hợp lý và cân đối vốn. Bên cạnh đó, cần ban hành Nghị quyết riêng, đề nghị bổ sung thêm cho phép thu hồi đất trước khi phê duyệt dự án.
Phương Thảo - Quang Phong