1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sương khói Mù Cang Chải

(Dân trí) - Đoạn đường từ Yên Bái lên Nghĩa Lộ dài hơn trăm cây số, từ Nghĩa Lộ lên Mù Cang Chải dài hơn trăm cây nữa. Đường dốc bắt đầu trở nên khúc khuỷu, cua tay áo liên tục. Trời mùa đông, đèo Khau Phạ lờ mờ trong mây mù, gió thổi rét như dao cứa.

Đường lên Mù Cang Chải cứ hun hút, qua hết rừng thông này tới rừng thông khác, càng đi càng thấy xa. Xưa kia bản làng chìm ngập trong khói thuốc phiện, xác xơ tiêu điều. Còn giờ đây cuộc sống nơi này  đã gần như lột xác.

Buổi sáng, sương mù xuống phố huyện dày đặc. Những chuyến xe khách sớm đi lại nườm nượp trên con đường đã được mở rộng và trải nhựa thẳng tắp. Nắng lên. Không khí ở chợ huyện huyên náo và hao hao giống chợ Sa Pa, cũng một con dốc dài, những gã xe ôm xếp xe máy thành hàng dài và đứng tụm vào một chỗ nhún nhảy chuyện trò tào lao cho đỡ rét.

Những người Mông cần mẫn gùi nông sản vào chợ. Anh Lộc -  một người gốc Nam Định lên làm ăn ở phố huyện gần chục năm nay - cho biết: “Hai năm nay, khu vực thị trấn Mù Cang Chải thay đổi chóng mặt. Bây giờ ở đây bắt đầu có nhà nghỉ, khách sạn, có đủ các loại hình dịch vụ. Sóng điện thoại Vinaphone cũng có, điện thoại bao giờ cũng báo căng đầy”.

Hơn 10 năm trước, Mù Cang Chải vẫn là một "vựa thuốc phiện” lớn nhất nhì miền Bắc. Lần này đến, tôi mong được vào một vùng thật sâu thật xa, nơi vẫn có người lén lút trồng những vạt hoa anh túc ra hoa tím ma quái. Thế nhưng ý định ấy nhanh chóng tiêu tan. Anh Hoàng Xuân Tuyên- Phó Chánh văn phòng UBND huyện khẳng định: “Tới thời điểm này thì ở các bản làng sâu xa nhất cũng không còn một cây nào nữa”.

Dé Xu Phình và La Pán Tẩn là hai xã trước kia có diện tích cây thuốc phiện và số người nghiện đứng hàng đầu trong huyện. Khói thuốc phiện ở đây tỏa lên ngào ngạt quanh năm suốt tháng. Thứ ma tuý chết người này từng là niềm vui sống của bà con.

Từ La Pán Tẩn xuống ngã ba Kim (một thị tứ cách trung tâm huyện 20km) cách khoảng 5-6 km, còn từ Dé Xu Phình xuống ngã ba này chỉ độ 3km. Bà con chỉ việc mang một nhúm thuốc phiện đi, để rồi gùi về nhà những muối, gạo, dầu, quần áo... Thuốc phiện đã được ngầm định như một thứ tiền tệ. Thứ khói phù dung đặc quánh ấy bám riết lấy số phận những con người nơi đây.

“Nhưng đó là những chuyện của quá khứ!” Vàng A Páo vừa đi rất nhanh vừa kể tiếp câu chuyện đang dở dang. Páo là một thanh niên mới tốt nghiệp PTTH được xã Dé Xu Phình nhận về làm hợp đồng, cán bộ chuyên trách mảng tư pháp. Nghe giới thiệu tôi xuýt bật cười. Trông Páo còn quá trẻ, nhưng cậu đã phải giải quyết nhiều chuyện liên quan tới kết hôn, ly hôn, khai sinh, khai tử...

Tôi lang thang suốt buổi chiều ở xã Dé Xu Phình. Tôi chưa bao giờ trông thấy những ngôi nhà lợp mái gỗ kỳ lạ như ở đây. Páo nói: “Mái gỗ pơmu đấy, tuổi thọ được vài chục năm”. Chúng tôi đi lòng vòng trong bản. Hầu như trước cửa nhà ai cũng có một chiếc xe máy Win Trung Quốc và một chiếc máy khâu, cũng của Trung Quốc. Những thiếu nữ Mông cắm cúi bên chiếc máy khâu. Gần cổng UB xã, bốn phụ nữ Mông đang vội vã bào mấy chiếc cột cho một ngôi nhà mới dựng. Thấy tôi, ai cũng cười hồn hậu.

Nơi tôi đang đứng là bên sườn dãy Hoàng Liên Sơn, cao tới 1.000m. Tôi tự hỏi đã bao nhiêu mùa đông trôi qua, người dân chỉ biết tới sương mù và thứ khói thuốc trắng phù dung! Quá khứ ấy mới đây thôi mà đã trôi xa lắm, sẽ chẳng bao giờ còn lặp lại nữa.

Dưới chân tôi là tầng tầng lớp lớp những ruộng bậc thang. Đám gia súc thủng thẳng trở về, tiếng mõ vọng lên lạch cạch giữa rừng chiều, khung cảnh thật thanh bình.

Và tôi biết, cuộc sống ở đây đã thay đổi, đã lột xác?!

Sương khói Mù Cang Chải - 1
 

Chẳng mấy ai còn thêu thùa bằng tay, tất cả đã chuyển sang khâu máy.

 

Sương khói Mù Cang Chải - 2
 

Đói khổ tăm tối đã lùi xa, nụ cười thân thiện luôn nở trên môi những phụ nữ ở đây.

 

Sương khói Mù Cang Chải - 3

Bể nước của UNICEF tài trợ giúp bà con có nước sạch sử dụng quanh năm.

Lê Bảo Trung