Sửa chữa xong sự cố nứt cầu Vàm Cống, dự kiến thông xe trong tháng 5
(Dân trí) - Việc sửa chữa vết nứt trụ neo cầu Vàm Cống đã hoàn tất. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đánh giá và kết luận công trình đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện để đưa vào khai thác sử dụng. Bộ GTVT đang xin ý kiến Chính phủ cho phép thông xe cầu Vàm Cống vào ngày 19/5.
Sự cố nứt dầm ngang trên trụ neo (CB6) cầu Vàm Cống nối TP. Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp được cho là hiếm gặp trên thế giới.
Kết quả nghiên cứu độc lập của Viện khoa học công nghệ giao thông vận tải (GTVT) và Tư vấn quốc tế ARUP đều đưa ra đánh giá nguyên nhân xảy ra nứt dầm ngang CB6 là do kết hợp của ba nhóm nguyên nhân: Ứng suất tập trung, ứng suất dư và chất lượng thi công đường hàn tại công trường.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, cả hai đơn vị độc lập đã thực hiện các thí nghiệm phân tích cơ học phá hủy vật liệu, phân tích kỹ thuật luyện kim kết hợp với các thí nghiệm đặc thù, chuyên sâu… kết quả các thí nghiệm, phân tích này cũng khá tương đồng. Cùng đó, tiến hành công tác kiểm định chất lượng các dầm CB6 sau sửa chữa và chất lượng toàn bộ công trình. Kết quả kiểm định cho thấy, chất lượng công trình đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn kết cấu, đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng.
Sau khi kiểm tra toàn bộ hiện trường và vị trí sự cố, nghe đánh giám, tổng hợp của các đơn vị liên quan, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã chấp thuận nghiệm thu kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư dự án và kết luận công trình cầu Vàm Cống đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện để đưa vào khai thác sử dụng.
Cầu Vàm Cống được khởi công từ năm 2013, đây là dự án thành phần 3 thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mekong, có tổng mức đầu tư gần 6.700 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án gồm cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu dài 2,97km, đường dẫn dài 5,88km nằm trên địa phận huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ).
Cầu được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450m, tĩnh không thông thuyền 37,5m. Trụ tháp cao 143,9 m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m bao gồm 4 làn xe ôtô và hai làn xe thô sơ. Đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80km/h.
Tháng 9/2017, dự án cầu Vàm Cống đã được hợp long. Tuy nhiên, giữa tháng 11/2017, trong quá trình thi công đã phát hiện vết nứt dầm trụ neo. Quá trình sửa chữa bị chậm trễ, theo kế hoạch ban đầu, cầu được sửa chữa và khánh thành vào cuối năm 2018 nhưng đã không thể đáp ứng được và kéo dài cho tới nay.
Hiện dự án đã hoàn thành và được các đơn vị tư vấn kiểm định trong nước, tư vấn độc lập quốc tế đánh giá đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn kết cấu.
Bộ GTVT đang báo cáo Chính hủ và dự kiến, sẽ thông cầu vào ngày 19/5 tới đây. Bộ GTVT cho biết việc hoàn thành để đưa công trình cầu Vàm Cống và đường dẫn đầu cầu vào khai thác sử dụng, kết hợp với dự án thành phần 1 (cầu Cao Lãnh) và dự án thành phần 2 (tuyến nối cầu Cao Lãnh - Vàm Cống) sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời đánh dấu mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Châu Như Quỳnh