1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xác định nguyên nhân, trách nhiệm sự cố nứt dầm cầu Vàm Cống

(Dân trí) - Kết quả nghiên cứu độc lập của Viện Khoa học Công nghệ và Tư vấn quốc tế Arup xác định cầu Vàm Cống bị nứt dầm ngang có 3 nhóm nguyên nhân, các đơn vị thực hiện dự án đã nghiên cứu 11 phương án khắc phục. Tư vấn, nhà thầu Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm toàn diện về sự cố này.

Thông tin trên được ông Lê Kim Thành - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2018, diễn ra chiều 28/9.

Sự cố hi hữu trên thế giới

Theo ông Lê Kim Thành, cầu Vàm Cống thuộc Dự án kết nối Khu vực trung tâm đồng bằng Mekong, sử dụng vốn vay của Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam do Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án Hạ tầng Cửu Long quản lý dự án, được thực hiện bởi các nhà thầu Hàn Quốc. Cầu chính đã được hợp long ngày 29/9/2017, hiện chỉ còn một số hạng mục hoàn thiện thảm bê tông nhựa mặt cầu, lắp khe co giãn, sơn kẻ đường, lắp biển báo an toàn giao thông, chiếu sáng.

Ngày 14/11/2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29, các đơn vị Tư vấn, Nhà thầu phát hiện dầm ngang CB6 bị nứt. Bộ GTVT khẳng định, Vàm Cống là cầu dây văng, sự cố nứt dầm treo trên đỉnh trụ là một sự cố rất hãn hữu trên thế giới.

Cầu Vàm Cống bị nứt dầm, đứt trụ neo (ảnh: Đăng Lê)
Cầu Vàm Cống bị nứt dầm, đứt trụ neo (ảnh: Đăng Lê)

“Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long, Tư vấn, Nhà thầu thực hiện ngay các biện pháp neo, đỡ cần thiết để đảm bảo ổn định công trình. Công tác quan trắc, theo dõi tình trạng kỹ thuật của cầu đã được tiến hành thực hiện thường xuyên, đến nay công trình vẫn đảm bảo trạng thái ổn định.” - ông Thành cho hay.

Cục trưởng Lê Kim Thành thông tin, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (Hội đồng NTNN) để tiến hành các công tác khắc phục theo quy định; đã chỉ định Viện khoa học Công nghệ GTVT (Viện KHCN) tiến hành kiểm định, đánh giá độc lập, đồng thời làm việc với Nhà tài trợ ADB huy động Tư vấn quốc tế Arup (đến từ nước thứ 3) tiến hành đánh giá độc lập để đảm bảo khách quan.

“Các kết quả nghiên cứu độc lập của Viện KHCN và Tư vấn quốc tế Arup đều đưa ra đánh giá nguyên nhân xảy ra nứt dầm ngang là do kết hợp của 3 nhóm nguyên nhân: Ứng suất tập trung, ứng suất dư và chất lượng thi công đường hàn tại công trường khi tổ hợp, lắp ráp dầm ngang. Để xác định rõ cơ chế gây nứt cần tiếp tục thực hiện một số thí nghiệm phân tích cơ học phá hủy vật liệu, phân tích kỹ thuật luyện kim kết hợp với các thí nghiệm đặc thù, chuyên sâu.” - ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, để thực hiện các thí nghiệm, phân tích nêu trên cần có thời gian và chỉ thực hiện được khi tiến hành tháo dỡ dầm ngang, do đó khi nghiên cứu lựa chọn phương án khắc phục đã cân nhắc lựa chọn phương án khắc phục được toàn bộ các nhóm nguyên nhân mà không phụ thuộc vào việc xác định cơ chế gây nứt.

Nhà thầu, tư vấn Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm toàn diện

Về phương án sửa chữa, khắc phục, Cục trưởng Lê Kim Thành cho biết, các đơn vị tư vấn, nhà thầu đã nghiên cứu 11 phương án khắc phục chia làm hai nhóm giải pháp: Thay thế toàn bộ dầm ngang và thay thế bán phần dầm ngang. Tuy nhiên, do cầu đã được hợp long, đổ bê tông bản mặt cầu nên việc thay thế mới toàn bộ dầm ngang sẽ rất phức tạp do phải tháo dỡ bản mặt cầu, tháo dỡ đốt hợp long và tiến hành thi công lại, thời gian thi công kéo dài và sẽ phát sinh các rủi ro rất khó lường trước ảnh hưởng đến ổn định công trình.

Ông Lê Kim Thành - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông
Ông Lê Kim Thành - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông

“Các bên đều thống nhất lựa chọn phương án thay thế bán phần dầm ngang, đồng thời do cầu dây văng có tính chất đối xứng, khi dầm trên đỉnh trụ neo P29 bị nứt đã ảnh hưởng đến dầm ngang trên đỉnh trụ P28, do đó việc khắc phục sẽ được tiến hành đồng thời với cả hai dầm ngang trên đỉnh trụ P28 và P29.

Bộ GTVT đã làm việc với Hội đồng NTNN về kết quả nghiên cứu, về cơ bản Hội đồng NTNN đã thống nhất với đánh giá nguyên nhân gây nứt và đánh giá giải pháp khắc phục được lựa chọn là khả thi, đã khắc phục được toàn bộ các nhóm nguyên nhân gây nứt, đảm bảo chất lượng, tuổi thọ công trình.”- ông Thành nhấn mạnh.

Nhà thầu đang triển khai công tác huy động vật liệu thép, thiết bị và nhân công có tay nghề cao từ Hàn Quốc với tiến độ thi công sửa chữa dự kiến đến hết tháng 12/2018. Tuy nhiên, hiện nay cũng đang gặp một số khó khăn về kỹ thuật như thi công trên cao, công địa thi công hẹp, vật liệu đặt hàng sản xuất khối lượng nhỏ với yêu cầu kỹ thuật cao, không đủ mẻ sản xuất và không có sẵn trên thị trường, đồng thời yếu tố thời tiết hiện nay bắt đầu vào mùa mưa cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Về chi phí khắc phục sự cố, dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc và được triển khai thực hiện bởi các đơn vị Tư vấn, Nhà thầu của Hàn Quốc, do dự án đang trong quá trình thi công chưa nghiệm thu hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư.

Ông Lê Kim Thành cho biết, theo quy định của hợp đồng, nhà thầu và tư vấn phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng công trình và phải thực hiện ngay công tác xử lý, khắc phục đảm bảo chất lượng, tuổi thọ công trình trước khi bàn giao cho chủ đầu tư.

“Mặc dù cho đến nay tại các báo cáo đánh giá của tư vấn độc lập đều không khẳng định lỗi do thiết kế, tuy nhiên do tính chất phức tạp về kỹ thuật nên cần tiếp tục thực hiện các thí nghiệm, phân tích chuyên sâu sẽ được thực hiện đồng thời trong quá trình thi công, tháo dỡ dầm ngang CB6 để xác định cơ chế gây nứt nhằm phân định rõ trách nhiệm tài chính giữa các bên.” - ông Thành khẳng định.

Châu Như Quỳnh