Sửa Bộ luật Hình sự theo hướng tăng phạt tiền, giảm phạt tù
(Dân trí) - Đó là thông tin được ông Phạm Quý Tỵ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp - cho biết tại buổi tọa đàm với các chuyên gia tư pháp Nhật Bản về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự ngày 3/2.
Theo ông Phạm Quý Tỵ, trong số 7 hình phạt được Bộ luật Hình sự hiện hành quy định thì có 4 hình phạt không tước quyền tự do của công dân là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và trục xuất.
Ông Phạm Quý Tỵ trao đổi tại buổi tọa đàm.“Sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này, nhóm chuyên gia chúng tôi tập trung vào xem xét sửa đổi các điều luật về phạt cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ; thực tiễn vừa qua cho thấy hình phạt trục xuất không có gì vướng lớn nên không sửa đổi”- ông Tỵ nói.
Theo ông Tỵ, hình phạt bằng tiền rất được quan tâm trong lần sửa đổi bộ luật này. “Để tăng hình phạt tiền, chúng tôi có quy định mấy điểm mới so với quy định hiện hành. Cụ thể sẽ mở rộng loại tội được quy định có hình phạt tiền, không chỉ áp dụng với người phạm tội “ít nghiêm trọng” (cao nhất 3 năm tù) mà sẽ mở rộng cả với tội “nghiêm trọng” (cao nhất 7 năm tù). Ngoài ra, để khắc phục tình trạng tòa án tuyên phạt hình phạt tiền nhưng các bị cáo chây ì không nộp khoản tiền này, trong khi quy định chưa thật chặt chẽ về mặt pháp luật, dự thảo lần này sẽ đưa ra quy định trong một thời gian nhất định nào đó mà bị cáo không nộp tiền thì sẽ chuyển hình phạt tiền thành hình phạt tù”- ông Tỵ cho biết.
Mặc dù việc chuyển hình phạt tiền sang hình phạt tù đã được ban soạn thảo tham khảo pháp luật hình sự của một số nước, nhưng theo ông Phạm Quý Tỵ, đây là điểm mới đang tạo ra những luồng ý kiến khác nhau.
“Tòa án tuyên hình phạt tiền, người ta không chấp hành thì chuyển sang tù như trong dự thảo đang thể hiện thế. Nhưng chuyển từ tiền sang phạt tù thì phương thức chuyển thế nào, chúng tôi đang lúng túng chỗ này. Các nước trên thế giới quy định cách chuyển như thế này: Khi phạt tiền họ tính trên ngày công lao động, ngày thu nhập lao động nên khi chuyển từ tiền sang phạt tù thì thi hành được bao nhiêu, còn lại chuyển sang bấy nhiêu ngày tù. Như thế rất tiện. Nhưng ở Việt Nam thì khác bởi tính ngày công lao động ở Việt Nam thì rất khó khăn, kể cả tính theo lương tối thiểu cũng rất khó”- ông Tỵ phân tích.
Ngoài ra, ông Tỵ cho biết quá trình xây dựng dự thảo bộ luật, nhóm chuyên gia và tổ biên tập đã hướng tới việc tăng cường hình phạt cải tạo không giam giữ để hướng tới chính sách giảm hình phạt tù.
“Chúng tôi đã đề xuất mở rộng loại tội được áp dụng. Lần này mở rộng tới tội “rất nghiêm trọng” có mức án tới 15 năm tù. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ mà không có việc làm thì tuyên hình phạt tiếp theo là phạt lao động phục vụ tại cộng đồng; đối với người có việc làm thì phải nộp 5-20% thu nhập. Quy định điều này bởi vừa qua có thực tế người bị tuyên phạt cải tạo không giam giữ mà không có việc làm thì không chịu bất kỳ một tác động nào, nên lần này phải yêu cầu họ lao động tại cộng đồng. Nếu người được tuyên cải tạo không giam giữ mà không chấp hành thì chuyển sang hình phạt tù, với cách tính là 3 ngày cải tạo không giam giữ bằng 1 ngày ngồi tù. Đây là điều rất mới nhưng rất dễ thực hiện chứ không khó như hình phạt quy đổi bằng tiền phía trên”- ông Tỵ nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Lộc - nguyên thẩm phán TAND Tối cao (thành viên tổ soạn thảo) - cho biết quan điểm tăng hình phạt tiền, giảm hình phạt tù phù hợp với những chỉ đạo xuyên suốt về cải cách tư pháp và giảm bớt áp lực cho hệ thống giam giữ hiện nay.
Tuy nhiên, ông Lộc chia sẻ, điều này cũng đang gây ra nhiều tranh cãi. Ví dụ như một người đã chấp hành xong 1/2 thời gian ngồi tù rồi thì mới được áp dụng quy định ra tù trước thời hạn hay phải thi hành được 1/3 thời gian? Tại sao mấy loại tội về an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, nhân phẩm sức khỏe con người, cướp bóc, sản xuất mua bán trái phép chất ma túy,… không được xét tha tù trước thời hạn?
Ông Lộc cho rằng những điều này cần được thảo luận rất kỹ lưỡng và lắng nghe ý kiến nhiều chiều của các cơ quan, tổ chức liên quan.
Đại diện cơ quan nghiên cứu phía Nhật Bản cho biết nhiều bản án ở nước này cũng nói rõ nếu số tiền không trả được thì sẽ quy đổi bằng bao nhiêu ngày ngồi tù. Ví dụ, nếu hình phạt tiền là 100 triệu Yen, mỗi ngày là 1 triệu Yen, mà người đó không trả được ngày nào thì phải tính ra 100 ngày lao động. Cách tính này do thẩm phán khi xét xử quyết định.
“Nếu quy định tỷ lệ tiền tương ứng với số tiền cố định trong luật thì luật sẽ dễ phải thay đổi thường xuyên. Ở Nhật Bản có những hình phạt tiền rất lớn, ví dụ như có những hình phạt lên tới 500 triệu Yen. Đây là hình phạt tòa án áp dụng đối với tội vi phạm về chống độc quyền, vi phạm về gian lận chứng khoán, thu lợi trái phép. Ở Nhật Bản tội thu lời bất chính là một tội phạm nghiêm trọng và nếu nghiêm trọng thì mức tiền phạt là rất lớn. Rất ít vụ án chỉ có hình phạt là phạt tiền, mà thường thường thì hình phạt tiền kèm theo hình phạt tù. Phạt tiền chỉ là hình phạt bổ sung về mặt kinh tế. Vấn đề băn khoăn là có chuyển phạt tiền sang hình phạt tù hay không? Thẩm phán ra bản án bao giờ cũng nói rõ là nếu không trả khoản tiền đó thì sẽ có quy định rõ bao nhiêu tiền tương ứng một ngày tù. Như vậy các quy định này có tác dụng ở chỗ người đó không trả được tiền thì được đưa vào tù bằng vai trò của kiểm sát viên”- vị này cho biết.
Thế Kha