1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sự việc ở Đồng Tâm: "Đối thoại với dân mới tìm ra cách tháo gỡ"

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp dân Trung ương - ủng hộ quan điểm của các đại biểu Quốc hội về việc Chủ tịch Hà Nội cần sớm đối thoại với người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức để giải toả những tâm tư, bức xúc mấy ngày qua.

Ông Nguyễn Hồng Điệp.
Ông Nguyễn Hồng Điệp.

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, năm 2015-2016, Ban Tiếp dân Trung ương đã 4 lần tiếp các đoàn khiếu nại, tố cáo của xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội xung quanh các vấn đề liên quan đến đất quốc phòng, xây dựng lò gạch trên đất trồng lúa và cán bộ xã chiếm đất trường học.

“Lần gần nhất người dân Đồng Tâm tới khiếu nại tố cáo ở Ban Tiếp dân Trung ương là vào cuối năm 2016. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội giải quyết dứt điểm, trả lời người dân”- ông Điệp nói.

- Theo dõi diễn biến sự việc xảy ra ở xã Đồng Tâm những ngày qua, ông nhìn nhận như thế nào?

- Tôi thấy sự việc để quá lâu rồi, bức xúc lâu rồi, cấp ngành của Hà Nội giải quyết rồi nhưng chưa triệt để, sự đồng thuận trong bà con chưa cao. Điều đó cho thấy công tác tuyên truyền, vận động chưa hiệu quả, đẩy người dân tới hành động như vậy. Tôi thấy cần thiết phải xem lại trách nhiệm của chính quyền địa phương, phải xử lý cán bộ, không thể để mọi thứ như thế được.

- Nhiều đại biểu Quốc hội như ông Lê Thanh Vân - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách, ông Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc đều cho rằng Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nên sớm đối thoại với người dân xã Đồng Tâm để tìm ra “tiếng nói chung” giải quyết vấn đề. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

- Đúng là như vậy. Nên đối thoại trực tiếp với người dân thì mới tìm ra cách tháo gỡ, giải quyết vấn đề hiện nay.

Nếu đối thoại công khai, cần thiết có thể thanh tra, công khai dự án, quy hoạch đất đai, ranh giới, không chỉ thôn Hoành, xã Đồng Tâm đó, mà có thể cho tất cả mọi người, đại biểu Quốc hội hiểu được.

Việc thanh tra có thể do Thanh tra Bộ Quốc phòng thực hiện, hoặc có thể Thủ tướng thành lập đoàn thanh tra liên ngành cũng được. Quan trọng nhất là phải làm rõ được mục đích sử dụng đất, công khai ranh giới, kể cả điều chỉnh quy hoạch với người dân địa phương.

Một trong những lối vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm (Ảnh chụp sáng 17/4)
Một trong những lối vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm (Ảnh chụp sáng 17/4)

- Ông đánh giá thế nào về khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai và sắp tới sửa đổi Luật Đất đai thì vấn đề nào cần được đặc biệt quan tâm?

- Đa số khiếu nại tố cáo liên quan đến đền bù đất đai. Chính vì thế tôi cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai quan trọng nhất là sửa đổi cơ chế chính sách đền bù. Nếu không làm tốt, không có cơ chế nhà nước trưng thu đất, mà chỉ có cơ chế đền bù như hiện nay, nhà nước quyết định giá thì người dân sẽ còn khiếu kiện gay gắt.

Đa số người dân ủng hộ các dự án phục vụ mục đích an ninh quốc phòng, trừ việc thu hồi đất liên quan đến kinh doanh thì người dân khiếu kiện gay gắt. Nhiều nơi khi phê duyệt dự án không hỏi dân, có nơi công khai hình thức.

Nhưng cái gốc của nó nằm ở chỗ hậu thu hồi đất, đời sống của người dân bị thu hồi đất thì như thế nào phải bằng quy định pháp luật. Thử đánh giá lại hết xem cuộc sống của người dân bị mất đất được bao nhiêu phần trăm so với ban đầu. Đất là nguồn sinh sống, tư liệu sản xuất của họ nhưng mà hiện nay việc giải quyết việc làm sau thu hồi đất không hiệu quả. Những điều này cần tính toán kỹ lưỡng khi sửa Luật Đất đai sắp tới.

- Xin cảm ơn ông!

Như Dân trí đã phản ánh, đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc thẳng thắn: “Phải đối thoại để xem cái gì mình sai thì sửa, ai làm sai thì xử lý. Trong quá trình quản lý có sơ hở gây bức xúc thì phải tìm cách tháo gỡ. Chúng ta phải học câu nói của các cụ, “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, tức là phải xem lại mình trước đã, xem trong quá trình thực hiện có những vấn đề gì đặt ra. Tất nhiên một số người sai đã bị xử lý rồi nhưng hậu quả vẫn còn đó, lòng tin của người dân chưa tin thì bây giờ phải tạo lòng tin đã. Mà lòng tin không gì tốt hơn là đối thoại với người dân”.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đặt câu hỏi: “Một dự án xây dựng sân bay quân sự được lập ra từ năm 1980 đến nay, vì mục đích quốc phòng an ninh, được giao đi, giao lại nhiều lần, để lãng phí việc sử dụng đất nông nghiệp mấy chục năm qua. Tại sao?

Nhân dân Đồng Tâm có yêu cầu chính đáng là được đối thoại với Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhưng đến nay chưa được đáp ứng. Tại sao?...”.

Theo ông Vân, là người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cần triển khai sớm việc đối thoại với nhân dân Đồng Tâm và phải trực tiếp giải quyết ngay những vấn đề nóng thuộc thẩm quyền của mình.

Thế Kha (thực hiện)