1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Sự thật về tin đồn cả làng bị bỏ “thuốc độc” ở Nghệ An

Hàng trăm hộ dân làng Găng, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đang vô cùng bất an trước tin đồn cả làng bị một số người trong vùng bỏ bùa “thuốc độc”, làm cuộc sống bị đảo lộn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

 

Người dân làng Găng xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn đang hoang mang vì tin đồn thất thiệt.

Người dân làng Găng xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn đang hoang mang vì tin đồn thất thiệt.

Hoang mang vì bệnh “lạ”

Thời gian gần đây, bà Nguyễn H (47 tuổi, xã Nghĩa Hưng) bỗng nhiên bị ngứa mắt, da người nổi mụn đỏ, khó ngủ. Bà H đã đi khám nhiều nơi, thậm chí cả Hà Nội, nhưng cũng không phát hiện được nguyên nhân bệnh. Sau đó, bà H gặp một thầy lang ở địa phương, ông này yêu cầu bà nộp 100.000 đồng rồi giới thiệu bà đi gặp “thầy chữa thuốc độc” ở huyện Quỳ Hợp. Thầy phán, bà H bị bỏ “thuốc độc” và bốc cho vài thang thuốc lá về uống, sau bệnh tình mới thuyên giảm.

Nhiều người khác trong làng Găng, xã Nghĩa Hưng cũng đồng loạt xuất hiện một số triệu chứng lạ gây khó chịu và đều phải nhờ cậy đến “thầy chữa thuốc độc” ở Quỳ Hợp thì mới tạm ổn. Sau đó, chính những người này về làng túm năm tụm bảy, khiến thông tin lan truyền hết xóm trên làng dưới. Từ đó, xuất hiện tin đồn cho rằng, một số người dân tộc Thổ trên địa bàn đã bỏ “thuốc độc”, nên người dân trong vùng nghi kỵ lẫn nhau, sợ người lạ, sợ những thức ăn nước uống ngoài đường, tình đoàn kết xóm làng bị chia rẽ.

Khi được hỏi con “ma thuốc độc” hình thù ra sao, ông Hà (người xóm 15, làng Găng) cho biết: “Tôi sống bao nhiêu năm ở đây rồi nhưng có biết mặt ngang mũi dọc nó ra sao, tất cả chỉ là nghe nói, nghe kể mà thôi”. Theo những gì ông Hà nghe được, “thuốc độc” được sinh ra từ ria mép của con hổ cắm vào cây măng và được đem về nhà “nuôi”, hình thù giống như con sâu. Chủ nhân nuôi phải đầu độc người khác bằng cách lén bỏ chất thải của con sâu “thuốc độc” vào thức ăn hay nước uống. Người ăn phải sẽ bị ốm yếu mà không biết mắc bệnh gì, nếu không được thầy chuyên điều trị “thuốc độc” bốc thuốc cho thì sẽ chết. Nếu bỏ thuốc độc thành công, người nuôi sẽ giàu có, nếu không bỏ được thì người nuôi bị tai hoạ; do đó có khi “bí” quá phải bỏ cả người nhà (?!). Muốn chữa khỏi thì phải có “thầy” phát hiện (có thể “ngửi” qua áo gửi đến) và cho thuốc về điều trị, trong thời gian đó, kiêng hơi người chết và một số thức ăn như lươn, ếch…(?). Ông Hà khẳng định: “Đó chỉ là chuyện hoang đường, nhảm nhí, tôi không tin”.

Bị trúng “ma thuốc độc” từ Hàn Quốc?

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (xóm 15, làng Găng), người vừa bị thầy phán trúng “thuốc độc”, chia sẻ: “Tôi mới đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc về Việt Nam được một tháng, thấy người ngứa ngáy, đi thầy lang khám thì họ phán tôi đã bị bỏ “thuốc độc” cách đây 3 tháng! Do đó, tôi không tin những lời nhảm nhí của thầy lang và những tin đồn thất thiệt. Tôi nghĩ rằng, kẻ xấu tung tin này để làm mất tình đoàn kết xóm làng và trục lợi”. Chị Trương Thị Tuyết (xóm 12, làng Găng) cho biết: “Địa phương chúng tôi thời gian qua nắng mưa thất thường, nhiều khả năng các bụi phấn của mía, sâu bọ… bay vào làng rồi gây mẩn ngứa cho người dân, chứ chẳng có thuốc độc gì ở đây cả”. “Đây chỉ là thông tin đồn thổi để gây mất tình đoàn kết của người đồng bào dân tộc Thổ và người Kinh”, chị Tuyết quả quyết.

Ông Phan Phúc Vinh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng - cho biết: “Trên địa bàn có hai dân tộc Kinh và Thổ, bao nhiêu năm nay sinh sống đoàn kết, hài hòa, giao lưu trao đổi hàng hóa và tình cảm thân mật. Chúng tôi đang ra sức tuyên truyền đến tận bản, đến từng nhà dân để họ hiểu và sống theo khoa học”. Ông Vinh mong muốn, cơ quan chuyên môn vào cuộc nghiên cứu, xét nghiệm, đưa ra kết luận cuối cùng về sự việc để người dân yên tâm và trả lại sự bình yên cho vùng quê.

Mặc dù chỉ là tin đồn nhảm nhí, hoang đường, song chuyện "ma thuốc độc" cứ dai dẳng nhiều năm qua trên địa bàn Nghệ An - Hà Tĩnh và một số nơi khác, đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Nhiều người đã trở thành nạn nhân của tin đồn này đến mức phải bỏ xứ mà đi, nhiều người bị xóm làng xa lánh, nguyền rủa, phải chịu áp lực tinh thần hết sức nặng nề.

Theo Nguyễn Hồng Quân
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm