Thủ tướng:

Sự năng động, dám nghĩ dám làm của nông dân Việt làm nên kỳ tích!

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới, với giá trị hơn 48 tỷ USD năm 2021.

Tối 28/5, tại quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La diễn ra Lễ khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022. Đây là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi sự kiện hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân cả nước diễn ra sáng 29/5.

Sự năng động, dám nghĩ dám làm của nông dân Việt làm nên kỳ tích!  - 1

Quang cảnh buổi lễ khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP năm 2022, tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Nguyễn Chương).

Phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La khẳng định, Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện để tỉnh Sơn La và các địa phương trong cả nước gặp gỡ, trao đổi, quảng bá tiềm năng và cơ hội xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ trái cây và sản phẩm OCOP đến thị trường trong và ngoài nước, góp phần kích cầu thị trường, thu hút khách du lịch, tạo động lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Thông qua các hoạt động của Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam, tỉnh Sơn La mong muốn giới thiệu, quảng bá, cung cấp các thông tin cụ thể về sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ trái cây và sản phẩm OCOP của tỉnh tới các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước.

"Hoạt động này còn thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến, nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm, góp phần thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản của tỉnh, phấn đấu đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể" - ông Nguyễn Hữu Đông cho biết.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Sơn La phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các bộ, ngành, doanh nghiệp tổ chức Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022. Lễ hội là nơi quy tụ các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân gặp gỡ để giới thiệu, liên kết, xúc tiến, mở rộng thị trường phát triển du lịch và các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là trái cây và các sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Thủ tướng khẳng định, sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân được nâng lên.

Dịch bệnh Covid 19 trong hơn 2 năm qua đã ảnh hướng đến mọi mặt kinh tế- xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và an ninh lương thực của cả nước. Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới, với giá trị hơn 48 tỷ USD năm 2021. Thực tế tại các địa phương cho thấy tính hiệu quả của việc chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó Sơn La là một điểm sáng về phát triển cây ăn quả.

Sự năng động, dám nghĩ dám làm của nông dân Việt làm nên kỳ tích!  - 2

Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Nguyễn Chương).

Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018, với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương. Đến nay, cả nước đã có gần 7.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống tinh thần và vật chất.

Thủ tướng biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, sự năng động, sáng tạo vượt qua khó khăn, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của người nông dân để làm nên những thành công trên.

Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị ngành nông nghiệp nói chung và Sơn La nói riêng, Thủ tướng đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái trái cây, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ, giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc, và là một bước cụ thể hóa Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Sự năng động, dám nghĩ dám làm của nông dân Việt làm nên kỳ tích!  - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia vòng xòe đoàn kết cùng với đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La. (Ảnh: Lê Hiếu).

Để nông sản, trái cây, sản phẩm OCOP phát triển bền vững, Thủ tướng chỉ đạo cần giải quyết 5 vấn đề căn bản là: Xây dựng thương hiệu, quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu, phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực, đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công tư, phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Thủ tướng tin tưởng, với truyền thống cần cù, sáng tạo, tích cực chủ động hội nhập Quốc tế, với ý chí "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền" và tinh thần "bàn tay ta làm lên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm" của người nông dân Việt Nam, cùng với những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ phát triển ngày càng vươn xa.