1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Sứ giả của Trường Sa”

Có một con tàu mới tròn 6 tuổi, nhưng số lần “vượt biển” trong điều kiện sóng to, gió lớn thì thật đáng nể: gần 100 chuyến.

 

Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm sâu sắc, là đợt đối mặt với bao khó khăn, gian khổ, nhưng họ đều vượt qua để chở những chuyến hàng nặng nghĩa tình ra đảo.Thế nên con tàu được mệnh danh là “Sứ giả của Trường Sa”.
 
“Sứ giả của Trường Sa” - 1

Xứng đáng với danh hiệu “Sứ giả của Trường Sa”

 

16 giờ 30 phút ngày N – 1, Đại tá Lê Xuân Thủy – Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân hạ lệnh xuất phát, tàu Trường Sa – 22 nhổ neo, thẳng hướng ra biển lớn.

 

Vài chục phút sau, nhìn qua cửa sổ con tàu, tôi thấy ánh đèn trên quân cảng xa dần. Mưa bắt đầu rơi, sóng cấp 6, cấp 7, mặt biển xám xịt, con tàu tròng trành đè sóng lướt tới... Thay vì sự háo hức ban đầu, 25 anh chị em phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí bắt đầu chếnh choáng, chừng 30 phút sau thì say sóng rồi nằm bẹp xuống sàn tàu. Chỉ còn những thủy thủ là vẫn kiên cường chống chọi với sóng gió.

 

Con tàu Trường Sa – 22 đè sóng lướt trên mặt biển với tốc độ 6 – 8 hải lý/giờ. Những đợt sóng lớn chồm lên, mưa bắt đầu nặng hạt. Đêm, biển khơi hun hút, thăm thẳm, không ranh giới, không bến bờ. Giữa màn đêm mịt mù tít tắp ấy, tôi thấy tâm trạng mình bồi hồi khó tả. Những lúc trời quang, mây tạnh, mặt biển yên bình, thơ mộng. Còn lúc bão giông, mặt biển hung hãn, cuồn cuộn sóng. Và đương nhiên, những lúc ấy nhiệm vụ của người thủy thủ gian khổ đến vô cùng.

 

Nửa đêm, tình hình sức khỏe có vẻ khá hơn, tôi tranh thủ lên buồng hành trình “tác nghiệp”.

 

Trông thấy tôi, Thượng úy Trần Văn Huy, Chính trị viên tàu Trường Sa – 22 pha trò:

 

- Em tưởng bác cũng “A Kay” rồi chứ!

 

- Còn lâu! Ít ra tớ cũng 11 năm là lính thủy cơ mà!

 

Tôi hỏi lại Huy: Cứ lênh đênh hoài trên biển như vậy, chắc là nhớ vợ lắm phải không?

 

Thoáng chút ưu tư, Huy trả lời: - Cũng nhớ lắm anh ạ! Nhưng em đã làm công tác tư tưởng cho “bà xã” nhiều lần nên quen rồi. Với lại ra khơi canh giữ biển trời cho đất mẹ bình yên là nghĩa vụ và trách nhiệm của người thủy thủ!

 

Huy khiêm tốn nói vậy, nhưng tâm sự với anh tôi hiểu nỗi niềm của người chính trị viên tuy trẻ tuổi nhưng đã có “thâm niên” xa nhà trong những dịp Tết. Bao tháng ngày cùng con tàu lênh đênh trên biển, vợ anh là chị Nguyễn Thị Phương mong ngóng từng giờ, từng phút. Cưới nhau đã mấy năm mà Huy thì cứ đi xa biền biệt. Cách đây hơn 2 tháng anh mới chuyển chị từ Thanh Hóa vào xin làm hợp đồng tại Văn phòng UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Mải lo lắng công việc tập thể và thời gian gần nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay nên vợ chồng Huy chưa kịp có con.

 

Thuyền trưởng, Thượng úy Lê Minh Phúc là người có “duyên” xa nhà trong những dịp Tết. Gần 6 năm gắn bó với biển cả và con tàu thì có tới 5 cái Tết anh xa nhà. Ngày cô giáo Bùi Thị Hiền “vượt cạn”, thì anh còn lênh đênh trên biển. Khi về phép, con gái Lê Ngọc Oanh đã được 4 tháng. Phúc kể: “Vợ sinh con gái Lê Ngọc Oanh tròn 4 tháng em mới được về. Lần về phép năm ấy, nỗi buồn cứ nao nao bởi khi em hăm hở đưa tay định bế con gái, thì ánh mắt cháu lộ rõ sự sợ hãi rồi oà khóc. Thời gian về phép mới được 5 ngày, con vừa kịp quen hơi, bén tiếng bố thì tôi phải bịn rịn chia tay vợ con, khoác ba lô trở vào đơn vị thực hiện nhiệm vụ cứu nạn tàu cá bị nạn trên biển”.

 

Chuyến đi ấy tàu Trường Sa – 22 thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tàu cá ngư dân Bình Định bị nạn tại khu vực đảo Núi Le. Tuy sóng to, gió lớn nhưng Phúc đã bình tĩnh chỉ huy tàu kịp thời cứu sống 9 ngư dân thoát khỏi nguy hiểm. Năm 2009, Phúc chuẩn bị về phép thì lại nhận lệnh cứu hộ, cứu nạn. Sau gần một ngày đêm đối mặt sóng gió trên vùng biển động, cán bộ, thủy thủ tàu Trường Sa – 22 đã cứu 14 ngư dân bị nạn ở khu vực Tây Bắc đảo Song Tử Tây.

 

“Sứ giả của Trường Sa” - 2

Thả xuồng máy vận chuyển hàng lên đảo

 

Niềm vui của người thuyền trưởng dạn dày sóng gió chính là những chuyến ra khơi mang quà Tết và mùa xuân từ đất liền đến với những chiến sĩ canh giữ đảo xa; là những chuyến tuần tra bảo vệ chủ quyền lãnh hải, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Câu chuyện thêm phần sôi nổi khi Trung úy Đoàn Xuân Đức, Máy trưởng tàu Trường Sa – 22 chia sẻ: “Đi biển là nhiệm vụ thường xuyên, nhận lệnh là chúng tôi ra khơi. Mấy năm gần đây mặt biển chưa bình yên nên có lệnh là chúng tôi nhổ neo rời bến. Có lúc xuân trên biển không tránh khỏi những phút chạnh lòng, nhưng rồi chúng tôi cũng vượt qua được vì niềm vui của đồng đội và sau lưng mình là hậu phương, là thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc. Tuy phải thường xuyên chống chọi với sóng, gió nhưng đón xuân trên biển cũng có bánh chưng xanh, giò chả, mứt Tết, có băng đĩa để anh em ca hát…”.

 

Máy trưởng Đức có thời gian công tác trên tàu khá lâu nên quá quen với những chuyến ra khơi thực hiện nhiệm vụ đột xuất vào thời điểm trời đất giao hòa, chuyển giao năm cũ… Bao câu chuyện, lời tâm sự, chia sẻ và nỗi niềm của những người thủy thủ đã giúp tôi chống lại cơn say sóng chếnh choáng… Chẳng biết tự lúc nào, trong sâu thẳm trái tim, tôi khâm phục ý chí, nghị lực, lòng quả cảm và sức mạnh phi thường của những người thủy thủ trên con tàu được ví là “Sứ giả của Trường Sa”.

 

Trong chuyến “vượt biển” ra đảo xa lần này, hầu hết các thành viên trên tàu dù đó là lực lượng thay quân, hay cánh phóng viên báo chí đều ngả nghiêng, say mèm. Chỉ có cán bộ, thủy thủ tàu Trường Sa – 22 là vẫn “kiên cường bám trụ”. Sóng gió cấp 7, cấp 8 từng đợt hung hãn trùm lên mặt boong, vậy mà Thượng úy CN Nguyễn Duy Trình vẫn thức trắng đêm lo lắng chu toàn công việc “bếp núc” cho toàn tàu. Đến giờ cơm nước, cánh phóng viên và lính trẻ lần đầu ra đảo không thể ngóc đầu lên được, Trung úy Bùi Văn Diễn – Trưởng ngành Hàng hải dò dẫm từng bước trên con tàu chòng chành bê cơm, canh đến tận từng buồng cho anh chị em. Xuống khoang máy, tôi thấy la liệt hệ thống động cơ, đường ống dọc ngang, tiếng máy nổ rền vang, hơi nóng phả hầm hập. Các đồng chí thợ máy áo quần lấm lem dầu mỡ thường xuyên túc trực để kiểm tra các thông số kỹ thuật. Trung úy CN Đỗ Đức Đại, nhân viên hàng hải số 1 mặt lấm tấm mồ hôi. Anh đang bị chứng đau dạ dày hành hạ nhưng vẫn không rời vị trí...

 

Gần gũi với những thủy thủ trên tàu Trường Sa – 22, chúng tôi còn biết nhiều điều thú vị. Chính những chuyến đi biển dài ngày trong điều kiện sóng to, gió lớn đã giúp họ tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý giá. Xin nêu một vài “phát minh” độc đáo trong bảo quản lương thực, thực phẩm. Phát minh đầu tiên phải kể đến món rau muống luộc chín rồi đem phơi khô, sau đó đóng bao gói cho vào bảo quản trong tủ đá. Cách làm như vậy có thể để rau muống hàng tháng trời mà xào ăn vẫn rất tuyệt. Bộ phận hậu cần còn nghĩ ra cách cho cua vào cối giã lấy nước, rồi rót vào can nhựa để dành nấu canh ăn dần....Những “phát minh” này được đoàn kiểm tra của Cục Hậu cần Quân chủng đánh giá rất cao.

 

“Vượt sóng gió, kiên cường bám biển, bám đảo”, tự bao giờ câu khái quát của Đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó chính ủy Vùng 4 Hải quân tâm sự với tôi trước lúc con tàu xuất bến đã phần nào nói lên những chiến công thầm lặng của tập thể cán bộ, chiến sỹ tàu Trường Sa – 22 qua các thời kỳ. Vâng! Đúng như thế. Trong những năm qua, con tàu đã tổ chức hàng trăm chuyến ra khơi chở các đoàn cán bộ và chiến sĩ thay quân; vận chuyển hàng hóa chi viện cho các đảo, tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển, phục vụ huấn luyện chiến đấu và tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn…Phần thưởng lớn nhất dành cho con tàu mới 6 năm tuổi ấy là 4 năm đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”; 6 năm liên tục (2006 – 2011) chi bộ tàu được Đảng ủy cấp trên công nhận là chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu...

 

Ngày N. Biển bình yên trở lại. Mặt trời nhô lên, từng con sóng lấp lánh như dát bạc từng đợt vỗ mạn tàu.

 

Tiếng nữ phóng viên Hương Giang (Báo Tuổi trẻ) reo lên:

 

“Các anh ơi! Trường Sa kia rồi!

 

Nghe vậy, các phóng viên Thành Dũng, Xuân Trường, Đình Lâm, Ngọc Sơn... vội vàng xách máy ảnh lao ra mặt boong. Con tàu Trường Sa – 22 từ từ giảm tốc độ, thẳng hướng tiến vào cầu cảng. Trên đảo, rất nhiều những cánh tay vẫy chào. Vậy là cuối cùng chuyến hành trình “vượt biển” trong đợt áp thấp nhiệt đới với sóng gió cấp 7, cấp 8 của tàu Trường Sa – 22 đã đưa đoàn cán bộ, lực lượng thay quân và số phóng viên thông tấn, báo chí trong và ngoài quân đội mang quà Tết đã đến với cán bộ, chiến sĩ nhân dân huyện đảo Trường Sa thân yêu...

 

Theo Phan Tiến Dũng

Quân đội nhân dân