1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Sử dụng súng bắn đạn cao su vào mục đích cá nhân là sai”

(Dân trí) - Đó là khẳng định của Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), về việc ông Trần Thái Hòa - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á, dí khẩu súng cao su bên trong có 3 viên đạn vào mặt chị Huỳnh Thị Thanh Vy dọa bắn.

“Sử dụng súng bắn đạn cao su vào mục đích cá nhân là sai”
Khẩu súng mà ông Trần Thái Hòa đã dí vào mặt chị Huỳnh Thị Thanh Vy dọa bắn (Ảnh: Đình Thảo)

Trao đổi với PV Dân trí sáng ngày 13/4, Thiếu tướng Trần Văn Vệ khẳng định việc sử dụng công cụ hỗ trợ là súng bắn đạn cao su vào mục đích cá nhân là sai quy định.

Một chuyên gia về quản lý công cụ hỗ trợ thuộc Tổng cục Cảnh sát cho biết Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định rõ về việc công cụ hỗ trợ chỉ được trang bị cho cơ quan, tổ chức trong khi thi hành nhiệm vụ.

“Nếu thực hiện nhiệm vụ thì đúng, còn sử dụng mục đích riêng là sai. Kể cả thực hiện nhiệm vụ của ngân hàng nhưng không trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì cũng là vi phạm”- vị này nói.

Theo Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, người được giao công cụ hỗ trợ phải sử dụng đúng mục đích, quy định; bàn giao lại công cụ hỗ trợ cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao.

Đặc biệt, khi mang, sử dụng công cụ hỗ trợ phải mang giấy phép sử dụng theo quy định của pháp luật. Người được giao bảo quản công cụ hỗ trợ, ngoài phải có phẩm chất, đạo đức tốt, đủ sức khoẻ phù hợp với công việc được giao thì phải có chứng chỉ chuyên môn về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ và nắm vững nội quy, chế độ quản lý, bảo quản công cụ hỗ trợ.

Theo Điều 33 của Pháp lệnh nói trên, người được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ được sử dụng trong các trường hợp: Ngăn chặn người đang có hành vi đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người khác; bắt giữ người theo quy định của pháp luật; thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.

“Chính vì thế công an địa phương sẽ phải điều tra, xem xét người sử dụng súng bắn đạn cao su đó có được phép sử dụng, có nghiệp vụ và được tập huấn về việc sử dụng công cụ hỗ trợ hay không ?. Việc xem xét xử lý trách nhiệm hình sự hay không còn phải dựa vào các quy định liên quan khác, trong đó có việc đánh giá mức độ vi phạm đó đã tới mức gây hậu quả nghiêm trọng hay chưa ?”- vị chuyên gia của Tổng cục Cảnh sát nói.

Truy trách nhiệm đơn vị được cấp phép dùng súng bắn đạn cao su

Như Dân trí đã phản ánh, khoảng 20 giờ tối 10/4, chị Huỳnh Thị Thanh Vy (25 tuổi, ngụ phường 10, quận 4) đang điều hành taxi của hãng Mai Linh tại khu vực trước chung cư Sky Garden 2 (khu Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7). Lúc này ông Trần Thái Hòa (47 tuổi, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á) điều khiển xe ô tô Lexus BKS 51A - 810.21 tới và đỗ tại khu vực đậu xe của hãng Mai Linh. Thấy vậy, chị Vy đã đến nhắc nhở thì hai bên xảy ra cự cãi.

Bất ngờ ông Hòa chạy tới xe lấy ra 1 khẩu súng cao su nhãn hiệu GR 88 số RC 12060600 (bên trong có 3 viên đạn) dí vào mặt chị Vy dọa bắn. Nghe chị Vy tri hô, nhiều tài xế taxi Mai Linh gần đó đã chạy lại phối hợp với bảo vệ Phú Mỹ Hưng hỗ trợ bắt giữ ông Hòa cùng tang vật giao công an xử lý.

Tại cơ quan công an, ông Hòa khai nhận khẩu súng này được Công an tỉnh An Giang cấp phép cho một chi nhánh của Ngân hàng TMCP Việt Á ở An Giang sử dụng. Sau đó đại diện chi nhánh ngân hàng Việt Á ở An Giang đã có biên bản bàn giao cho ông Hòa sử dụng.

Chị Huỳnh Thị Thanh Vy kể lại sự việc với các phóng viên (Ảnh: Đình Thảo).
Chị Huỳnh Thị Thanh Vy kể lại sự việc với các phóng viên (Ảnh: Đình Thảo).

Theo vị chuyên gia của Tổng cục Cảnh sát, Nghị định 167/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, quy định phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối một trong các hành vi: Cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp công cụ hỗ trợ; sử dụng các loại công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả; giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng…

Đồng thời với mức xử phạt trên, Nghị định 167/2013 còn quy định hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi và tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ trong thời hạn từ 3-12 tháng.

Ngoài ra, Thông tư số 50/2014 của Bộ Công an về cấp, đổi, cấp lại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (có hiệu lực từ ngày 15/12/2014) cũng quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được cấp giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải có trách nhiệm quản lý, sử dụng giấy phép, giấy xác nhận theo đúng quy định và xuất trình khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

Chính vì thế, ngoài việc xem xét tịch thu khẩu súng bắn đạn cao su nhãn hiệu GR 88 số RC 12060600 nêu trên, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm của chi nhánh Ngân hàng TMCP Việt Á ở An Giang trong việc bàn giao khẩu súng cho ông Trần Thái Hòa sử dụng.

Thế Kha