1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

PTGĐ ngân hàng dí súng vào nữ tài xế taxi: Hành vi đe dọa giết người

(Dân trí) - Chỉ vì bất đồng nhỏ về chỗ đậu xe mà ông Trần Thái Hòa đã dùng súng bắn đạn cao su dí vào mặt người khác dọa bắn... Hành vi tùy tiện sử dụng súng như vậy là có dấu hiệu vi phạm Điều 233 Bộ luật hình sự - Luật sư Phan Vũ Tuấn đưa ra nhận định.

Vì một bất đồng nhỏ về chỗ đậu xe, ông Trần Thái Hòa - Phó Tổng giám đốc ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á đã dùng súng bắn đạn cao su dí vào mặt và dọa bắn chị Huỳnh Thị Thanh Vy – Nhân viên điều hành taxi của Công ty Mai Linh. Nhờ sự kêu cứu kịp thời của chị Vy, người dân xung quanh đã can thiệp và chuyển giao cho cơ quan chức năng giải quyết.

Luật
sư Phan Vũ Tuấn
Luật sư Phan Vũ Tuấn

Khẩu súng bắn đạn cao su nhãn hiệu GR.88 số RC 120606000 do Đức sản xuất mà ông Hòa dùng để dọa bắn chị Vy, theo quy định pháp luật, là một dạng công cụ hỗ trợ mà doanh nghiệp được phép trang bị để phục vụ cho hoạt động chung của chính doanh nghiệp đó và phải được cơ quan chức năng cấp giấy phép sử dụng. Theo những giấy tờ thu giữ được từ ông Hòa, thì khẩu súng này đã được Công an tỉnh An Giang cấp Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ cho Chi nhánh An Giang – Ngân hàng TMCP Việt Á, và theo thông tin ông Hòa cung cấp thì đại diện chi nhánh An Giang đã có biên bản bàn giao cho ông Hòa sử dụng.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây, đó là hành vi tùy tiện sử dụng súng của ông Hòa có dấu hiệu vi phạm Điều 233 Bộ luật hình sự về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ; đồng thời, hành vi dùng súng có đạn bên trong (3 viên) dí vào mặt và dọa bắn chị Huỳnh Thị Thanh Vy của ông Hòa là hành vi đe dọa giết người của Tội đe dọa giết người theo Điều 103 Bộ luật Hình sự.

Theo nội dung Điều 103 BLHS, hành vi của một người được xác định là hành vi đe dọa giết người, nếu hành vi đó làm cho người khác lo sợ rằng mình sẽ bị giết. Tính chất của hành vi đe dọa không phải để thực hiện việc giết người, mà chỉ nhằm làm cho người bị đe dọa tưởng thật hoặc thật sự tin rằng hành vi đe dọa đó sẽ được thực hiện. Trong bối cảnh thời gian 8 giờ tối, tại nơi ít người qua lại và giữa ông Hòa và chị Vy lại đang xảy ra việc tranh cãi về chỗ đậu xe thì việc ông Hòa dùng súng dí sát vào mặt chị Vy và dọa bắn, làm cho chị hoảng sợ là có dấu hiệu của hành vi đe dọa giết người theo Khoản 1 Điều 103 BLHS, “Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”.      

Khẩu súng mà ông Hòa sử dụng để đe dọa chị Vy
Khẩu súng mà ông Hòa sử dụng để đe dọa chị Vy

Ngoài ra, đối với hành vi sử dụng súng bắn đạn cao su sai mục đích, lạm dụng để uy hiếp tinh thần, đe dọa xâm hại tính mạng chị Vy của ông Hòa thì tùy theo mức độ và tính chất sai phạm mà ông Hòa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội danh quy định tại Điều 233 BLHS (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ) hoặc bị xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ, vận chuyển và sử dụng công cụ hỗ trợ trái phép.

Tuy nhiên, để có thêm cơ sở xác định rõ ràng và chính xác hành vi của ông Hòa để vị phó tổng giám đốc này có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 233 BLHS hay bị xử phạt hành chính, thì cần phải làm rõ thêm ông Hòa có đúng là đối tượng và đủ điều kiện để được Chi nhánh An Giang giao quản lý và sử dụng súng hay không? Ngoài ra, cũng cần làm rõ ông Hòa đã từng bị xử lý hành chính hay hình sự về hành vi theo Điều 233 BLHS này chưa, đã được hay chưa được xóa án tích?

Khẩu súng mà ông Hòa sử dụng để đe dọa chị Vy
Chiếc xe mà ông Hòa sử dụng và đậu tại khu vực thuộc quyền khai thác của hãng taxi Mai Linh rồi dẫn đến cự cãi 

Cũng cần nói thêm rằng, đại diện chi nhánh An Giang – Ngân hàng TMCP Việt Á có thể cũng sẽ chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp vừa nêu. Bởi lẽ, người đại diện chi nhánh An Giang – Ngân hàng TMCP Việt Á có trách nhiệm phải quản lý và điều phối người có chuyên môn sử dụng hợp lý và an toàn súng bắn đạn cao su theo quy định pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Pháp luật hoàn toàn nghiêm cấm việc giao công cụ hỗ trợ cho người chưa qua đào tạo về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và nghiêm trọng hơn lại sử dụng nó sai mục đích và lạm dụng để uy hiếp tinh thần, đe dọa xâm hại tính mạng người khác. 

Việt Khuê

(lược ghi theo ý kiến của Luật sư Phan Vũ Tuấn)