1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bình Dương:

Sư đoàn không quân 370 thị sát “máy bay tự chế” của một thương binh

(Dân trí) - Ngày 30/3, đoàn cán bộ kỹ thuật thuộc Sư đoàn không quân 370 quản lý sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương do Thượng tá Nguyễn Văn Dũng dẫn đầu đã đến thị sát “máy bay trực thăng tự chế” của ông Nguyễn Bùi Hiển.

Sư đoàn không quân 370 thị sát “máy bay tự chế” của một thương binh - 1

Toàn cảnh chiếc máy bay tự chế (Ảnh: Tương Bình - Năng lượng mới)
 
Tại đây, sau khi kiểm tra từng chi tiết chiếc “trực thăng” của ông Hiển (58 tuổi, kỹ sư ngành ô tô ở phường An Thạnh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), đoàn thị sát Sư đoàn không quân 370 đưa ra nhận định bước đầu “máy bay trực thăng” của ông Nguyễn Bùi Hiển gồm một bộ khung sườn có gắn động cơ, hai cánh quạt khi điều khiển nâng lên được khỏi mặt đất cao hơn 1 mét thì được gọi “phương tiện bay”, chứ chưa thể gọi là chế tạo thành một chiếc máy bay như một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin.

 

Đoàn khảo sát đánh giá: ông Nguyễn Bùi Hiển có nghiên cứu tài liệu các nguyên lý, thông số kỹ thuật và các mẫu máy bay trên mạng internet, có am hiểu về hàng không, về độ nâng của cánh quạt và dùng một số trang thiết bị tự chế để lắp ráp thành công một phương tiện bay. “Tuy nhiên để phương tiện bay của ông Hiển phát triển thành một chiếc máy bay còn cần một quá trình nghiên cứu, chế tạo để đạt các điều kiện thông số kỹ thuật vô cùng ngặt nghèo”, Thượng tá Dũng cho biết.

 

Theo Thượng tá Dũng: Chế tạo thì không thể dùng một loại máy của một loại phương tiện khác để lắp ghép thành chiếc máy bay. Tất cả máy móc của máy bay cũng phải chế tạo riêng, sử dụng loại xăng riêng và có nhiều yếu tố, thông số kỹ thuật.
 
Sư đoàn không quân 370 thị sát “máy bay tự chế” của một thương binh - 2
Kỹ sư Bùi Hiển thử nghiệm máy bay bên trong garage (Ảnh: Tương Bình - Năng lượng mới)

 

“Đoàn ghi nhận sự đam mê và công sức nghiên cứu, lao động lắp ráp thành công phương tiện bay của kỹ sư ô tô Nguyễn Bùi Hiển. Tuy nhiên, việc bay trong khu nhà xưởng (như trong phòng thí nghiệm) thì được phép, chứ tuyệt đối không đưa phương tiện bay ra ngoài trời để bay, bởi còn vướng mắc nhiều yếu tố pháp lý, tác động của ngoại cảnh (về lực gió, về yếu tố tâm lý…) đối với một người chưa từng có kinh nghiệm lái và chưa nắm vững kỹ thuật học lái máy bay thì hết sức nguy hiểm”, Thượng tá Dũng khuyến cáo.

 

Theo đoàn khảo sát Sư đoàn không quân 370: Việc phát triển thành công “phương tiện bay” của ông Nguyễn Bùi Hiển còn phải thông qua hội đồng khoa học đánh giá và có kết luận.

 

Chiều cùng ngày, ông Thượng Văn Hiếu, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương cũng đến kiểm tra “phương tiện bay” và đã ghi nhận sự đam mê nghiên cứu sáng tạo của ông Nguyễn Bùi Hiển. Tuy nhiên, Sở chưa có ý kiến kết luận về “phương tiện bay” do ông Hiển tự chế.

 

Để làm được “phương tiện bay” trên, ông Nguyễn Bùi Hiển, kỹ sư chuyên ngành cơ khí ô tô đã mất gần 3 năm nghiên cứu, mày mò tự chế, lắp ráp và thử nghiệm bay nhiều lần thành công bên trong khu xưởng của mình.
 
Sư đoàn không quân 370 thị sát “máy bay tự chế” của một thương binh - 3
Kỹ sư Nguyễn Bùi Hiển bên cạnh động cơ máy bay do anh dày công mày mò chế tạo (Ảnh: Tương Bình - Năng lượng mới)

 

Một vài thông số kỹ thuật do ông Hiển cung cấp:

Trọng lượng của “phương tiện bay” là 250 kg, dài 2,95 m, rộng 1,2 m, cao 2,4 m.

Công suất máy 106 mã lực, 2 tầng cánh, đường kính cánh quạt 4,52 m (quay ngược chiều nhau).

Trọng lượng của phương tiện bay khi có người lái cất cánh có thể lên đến 375 kg. Tiêu tốn nhiên liệu khi bay khoảng 15 lít xăng/giờ.

 

Dương Chí Tưởng

 TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm