1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Sự cố Formosa “xếp đầu bảng” các vụ ô nhiễm môi trường nổi cộm năm 2016

(Dân trí) - Sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra vào tháng 4/2016 được Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp đầu bảng trong danh mục các vụ gây ô nhiễm môi trường nổi cộm năm 2016.

Cơ quan chức năng kiểm tra tại Formosa Hà Tĩnh.
Cơ quan chức năng kiểm tra tại Formosa Hà Tĩnh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cho biết, chiều 20/7 tới sẽ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 - chủ đề “Môi trường đô thị”, nhằm cung cấp bức tranh tổng quan về hiện trạng môi trường đô thị trong giai đoạn 2012-2016; đồng thời đề xuất những định hướng, giải pháp để bảo vệ môi trường đô thị trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tổng hợp một số sự cố môi trường nổi cộm trong năm 2016 để kịp thời cung cấp thông tin cho cộng đồng. Trong đó, sự việc Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) xếp đầu tiên trong danh mục các vụ gây ô nhiễm môi trường nổi cộm.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự cố môi trường do Formosa gây ra đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trưởng; trong đó chịu ảnh hưởng nặng nhất là ngành thủy sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch và đời sống sinh hoạt của ngư dân. Công ty Formosa đã nhận trách nhiệm, xin lỗi Chính phủ, nhân dân và bồi thường 500 triệu USD.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các vụ gây ô nhiễm nổi cộm khác trong năm 2016 gồm: Vụ gây ô nhiễm trên sông Bưởi (Thanh Hóa) do nhà máy mía đường Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường khiến cá sông và cá nuôi lồng bè chết hàng loạt; vụ gây ô nhiễm bước sông Cẩm Đàn, Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) được xác định do nước thải trong quá trình tuyển luyện khoáng sản có chứa bùn thải và nhiều chất độc của Công ty cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường chưa được xử lý;

Vụ cá chết diện rộng tại hồ Tây, Hà Nội xảy vào tháng 10/2016; sự cố vỡ cống thoát nước thải ngầm dưới dáy hồ chứa bùn thải từ nhà máy tuyển nổi chì kẽm của Công ty TNHH CKC tại Lạng Cá, thị trấn Pác Miêu, huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) làm khoảng 2.000m3 bùn thải thoát ra môi trường, chảy vào khu vực canh tác và chảy ra sông Gâm qua suối Bản Khun;

Vụ vỡ hồ chứa nước và bùn thải từ khai thác titan của công ty Tân Quang Cường, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) xảy ra tháng 6/2016…

Không chỉ thiệt hại về mặt kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn cho rằng những vụ việc, sự cố môi trường nêu trên còn gây tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, các hoạt động phát triển du lịch, kinh tế của cộng đồng dân cư khu vực lân cận, gây tâm lý bất ổn cho người dân.

Môi trường được xác định là một trong ba trụ cột của phát triển kinh tế bền vững bên cạnh kinh tế và xã hội nhưng những năm qua, nhiều địa phương đã quá coi trọng thu hút đầu tư, chưa quan tâm đúng mức tới bảo vệ môi trường.

Trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) mới đây, Thủ tướng Chính phủ cho biết tính đến ngày 10/5/2017, Formosa Hà Tĩnh đã hoàn thành các hạng mục công trình xử lý chất thải bổ sung, công trình giám sát, phòng ngừa sự cố môi trường, đã được lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động liên tục, có camera theo dõi, giám sát và truyền trực tiếp các số liệu quan trắc nước thải về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường để kiểm tra, giám sát.

Hệ thống phòng ngừa và ứng phó sự cố nước thải theo 3 cấp độ: Ứng phó sự cố ngay trong các công đoạn của trạm xử lý nước thải; Ứng phó sự cố đối với trạm xử lý nước thải; Ứng phó sự cố đối với hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học.

“Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì kết quả quan trắc online và giám sát hàng ngày cho thấy nước thải và khí thải phát sinh của Formosa đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi xả thải ra ngoài môi trường”- văn bản trả lời của Thủ tướng nêu rõ.

Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức khẳng định: “Đến nay có thể khẳng định biển miền Trung đã an toàn tuyệt đối về môi trường nước biển và về trầm tích đáy biển”

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm