Sự cố đường sắt Cát Linh - Hà Đông: “Đá bóng” trách nhiệm?
(Dân trí) - “Trong thời gian dài từ năm 2009 đến nay, Tổng thầu EPC của Trung Quốc điều hành một cách chưa bài bản, khoa học. PMU Đường sắt đã chỉ đạo quyết liệt đối với Tổng thầu, mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chậm trễ…”.
Đó là những lời giải trình của lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt (PMU) vừa gửi lên lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải sau sự cố sập hệ thống sàn, đà giáo và sụt bê tông tại Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
“Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (EPC) - tổng thầu, là nhà thầu được chỉ định theo Hiệp định khung vay vốn của hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thầu này thiếu kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, công tác điều hành yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu, mặc dù đã được chỉ đạo và đôn đốc nhắc nhở nhiều lần” - lãnh đạo PMU Đường sắt cho biết.
Cũng theo PMU Đường sắt, “Trong thời gian dài từ năm 2009 đến nay, Tổng thầu điều hành một cách chưa bài bản, khoa học. Do vậy, thời gian qua PMU Đường sắt đã chỉ đạo quyết liệt Tổng thầu, mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chậm trễ”.
Chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm sau sự cố tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đôn !? (ảnh: Hữu Nghị)
Với nhà thầu là tư vấn giám sát, PMU Đường sắt nhận định rằng: Nhà thầu này điều hành chưa khoa học, chưa từng tham gia làm tư vấn giám sát đối với hợp đồng EPC, thiếu kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam.
Trong khi đó, tư vấn thiết kế là Công ty HH tập đoàn thiết kế xây dựng đô thị Bắc Kinh do Tổng thầu lựa chọn thì thời gian thực hiện việc thiết kế kéo dài. Lí do khách quan là Việt Nam chưa có quy trình đối với đường sắt trên cao, quy trình quy phạm của Việt Nam và Trung Quốc còn có sự khác nhau.
“Một số hồ sơ sau khi được Tư vấn thẩm tra có ý kiến nhưng Tư vấn thiết kế không chỉnh sửa, hoàn thiện đầy đủ dẫn đến hồ sơ phải làm đi làm lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian, mặc dù đã được PMU Đường sắt yêu cầu chỉ chỉnh sửa một lần theo ý kiến thẩm tra. Theo hợp đồng EPC thời gian thiết kế là 9 tháng nhưng đến năm 2015 mới cơ bản hàn thành thiết kế” - PMU Đường sắt nhấn mạnh.
Với nhà thầu phụ là Công ty CP tư vấn công nghệ và đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinacontech) - đơn vị trực tiếp thi công và xảy ra sự cố sập hệ thống sàn hôm 28/2, PMU Đường sắt cho biết nhà thầu này do Tổng thầu lựa chọn, được tư vấn giám sát thẩm tra và được Cục Đường sắt chấp thuận vào 17/7/2013.
Tuy nhiên, PMU Đường sắt đánh giá: “Vinacontech chưa có nhiều kinh nghiệm thi công cầu theo yếu kiến thẩm tra hồ sơ của tư vấn giám sát, năng lực yếu kém. Quá trình xử lý thi công, quá trình xử lý sự cố của nhà thầu cũng yếu kém, chậm chạp. Đặc biệt, qua sự cố sập giàn giáo ngày 28/12 đã có nhiều đơn vị trợ giúp nhưng sự hợp tác của thầu phụ Vinacontech chưa cao”.
Báo cáo giải trình của PMU Đường sắt cũng nhắc đến những chỉ đạo quan trọng của PMU này, trong đó hạng mục kết cấu phần trên của nhà ga bến xe Hà Đông được triển khai thi công từ ngày 6/8 cho tới ngày 15/12 thì PMU Đường sắt đã có 10 văn bản liên quan chỉ đạo nhà thầu trong việc đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Gần đây nhất là trong ngày 24/11 và 15/12 đã có 2 văn bản chỉ đạo nâng cao đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường trên công trường.
Theo đánh giá phân tích của PMU Đường sắt thì rõ ràng toàn bộ nhà thầu lớn nhỏ, thậm chí là Tổng thầu EPC và đội ngũ tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế tại Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đều yếu kém. Về nguyên tắc quản lý cũng yêu cầu triển khai dự án thực tế thì nhà thầu yếu kém phải thay, và với vai trò quản lý và giám sát dự án thì PMU Đường sắt có quyền được thực hiện các động tác thay thế nhà thầu vì các nhà thầu này không đủ năng lực.
Với PMU Đường sắt, đây là đơn vị thay mặt Bộ Giao thông Vận tải thực hiện quản lý và điều hành Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trong báo cáo giải trình sau sự cố gửi lên lãnh đạo Bộ chủ quản, PMU Đường sắt đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần về sự yếu kém của Tổng thầu và các thầu phụ, tuy nhiên vai trò quản lý và trách nhiệm xử lý của PMU này (đặc biệt là sau các sự cố) thì không thấy nhắc tới!?
Đã 3 ngày sau sự cố, phía Tổng thầu EPC và nhà thầu Vinacontech vẫn chưa một lần lên tiếng giải thích về sự việc, càng chưa thấy động thái xin lỗi sau những vi phạm hàng loạt đe dọa tới tính mạng con người, làm ảnh hưởng tới công trình trọng điểm của quốc gia. Còn người dân, đặc biệt là những người hàng ngày tham gia giao thông trên tuyến đường vẫn phải oằn mình đối diện với rủi ro do chính các đơn vị thi công gây ra.
Châu Như Quỳnh