"Sốt xình xịch" vì giá xăng tăng kỷ lục, học phí tăng... vô lý
(Dân trí) - "Tôi lo lắm! Nếu để giá xăng tiếp tục tăng sẽ tác động đời sống người dân, nếu lạm phát ở mức cao thì là căn bệnh nguy hiểm" - đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
"Phải kìm hãm ngay giá xăng dầu"
Chiều 23/5, trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) nêu những lo ngại về tình hình tăng giá xăng dầu và lạm phát.
"Lạm phát là căn bệnh, nếu ở mức độ thấp thì là cảm cúm bình thường nhưng nếu ở mức cao thì là căn bệnh nguy hiểm" - ông Ngân nói và cho biết, từ khi đất nước đổi mới đến nay có nhiều bài học kinh nghiệm và phải trả giá cho vấn đề này.
Theo ông Ngân, những năm lạm phát cao như 1986, 1987-1988 là thời điểm Việt Nam mới chuyển sang nền kinh tế thị trường, hạch toán kinh doanh, quy định tỷ giá sát thị trường chấp nhận một cơ chế giá thị trường nên lạm phát cao lên. Nhưng bài học nhìn được gần nhất là năm 2008, lúc đó biến động xăng dầu trên thế giới tăng tới 141 USD/thùng, cộng với giá lương thực thực phẩm tăng nên lạm phát tại Việt Nam lên tới 23%, lúc đó tất cả các chi phí giá cả hàng hóa đều tăng và đời sống người dân vô cùng khó khăn.
"Khi lạm phát cao ở mức độ 2 con số, liều thuốc người ta buộc phải chọn là lãi suất, thắt chặt tiền tệ, chính sách tiền tệ. Hay nói cách khác, khi lạm phát cao thì phải "uống thuốc" liều cao" - ông Ngân cho biết và dẫn chứng: Việt Nam có lúc lãi suất thị trường lên tới trên 20%, nền kinh tế lúc đó đang tăng trưởng 7,5-8,4% giảm còn 6%, nặng nhất 2011-2012.
Ở Mỹ lạm phát hiện đang ở mức hơn 8,3%, tăng cao gấp 4 lần châu Âu, đây là mức cao nhất trong 30 năm qua. Theo ông Ngân, Việt Nam đang có cơ hội để kìm tốc độ tăng của lạm phát thì phải sử dụng, nếu cứ điều chỉnh giá xăng dầu liên tục thì sẽ tác động tới tất cả các ngành hàng hóa và khi đó sẽ khó kiềm chế kiểm soát lạm phát, tới khi phải dùng công cụ lãi suất.
Đại biểu đoàn TPHCM cho biết, ngay trong kỳ họp này ông sẽ đề xuất Quốc hội về vấn đề lạm phát, đề nghị tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường và kìm hãm ngay giá xăng dầu.
"Nếu để giá xăng tiếp tục tăng sẽ tác động đời sống người dân. Đời sống người dân sau 2 năm dịch đã khó khăn, giờ gặp bão giá thì càng khó khăn; với doanh nghiệp, chi phí tăng sẽ rất khó khăn" - ông Ngân cho hay và khẳng định: "Chúng ta phải hành động gấp để bệnh lạm phát không tăng lên, bệnh nặng sẽ phải dùng liều thuốc nặng".
Học phí phải tăng theo lộ trình
Mới đây, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội ra dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026. Mức học phí dự kiến trong 5 năm tới có thể tăng gấp 4-5 lần.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 23/5 về chủ trương tăng học phí của Hà Nội, ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - cho biết, việc tăng các loại phí, thuế, trong đó có cả học phí là áp lực khách quan. Ông Vân cũng phân tích về các khía cạnh cụ thể và việc chia sẻ rủi ro 2 chiều.
"Chỉ số giá tiêu dùng tăng hơn với trước rất nhiều, đây là tình hình chung khi các nước cũng chịu áp lực lạm phát, vấn đề khủng hoảng về địa chính trị Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Mặc dù nguồn cung không khan hiếm nhưng đứt gãy chuỗi cung ứng, dịch vụ cung cấp ngừng trệ dẫn đến chi phí cho giá thành và hàng hóa tăng lên, chỉ số giá tiêu cùng cũng tăng lên. Khi chi phí cho tất cả các hoạt động quản lý, sinh hoạt tăng, khi tăng thì phải có nguồn bù đắp nên phải tăng thuế, tăng phí" - ông Vân nói.
Tuy nhiên, vị đại biểu cho rằng phân tích trên là xét trên góc độ của người sử dụng quản lý và dịch vụ, còn người bị tác động là người phải đóng thuế, phí thì họ lấy nguồn đâu ra? Ở đây phải có sự công bằng trong ứng xử, phải có sự chia sẻ rủi ro như nhau. Một bên muốn tăng phí vì những tác động khách quan, nhưng bên nộp phí cũng cần được chia sẻ, người đóng phí cũng chịu tác động bởi khách quan. Tuy nhiên, phải có lộ trình, phải có mức tăng hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay; cần có sự chia sẻ rủi ro cho cả đôi bên.
Về chủ trương Hà Nội tăng 5 lần học phí, ông Vân khẳng định: "Tăng 5 lần là vô lý. Tăng như thế nào phải tương ứng với tăng chỉ số giá tiêu dùng. Người đóng phí cũng chịu các tác động ngoại cảnh, là rủi ro chung nên phải có sự chia sẻ. Mức tăng học phí phải thể hiện được tính nhân văn, chia sẻ cả 2 chiều. Tôi cho rằng hiện các dấu hiệu phục hồi kinh tế đã xuất hiện, khi có cơ sở bền vững thì tăng và tăng có lộ trình".