"Sống trong sợ hãi" tại chung cư nguy hiểm nhất Hà Nội
(Dân trí) - Mới đây, UBND TP Hà Nội đã điểm danh một loạt các tòa nhà nguy hiểm, trong đó tòa nhà G6A, tập thể Thành Công được đánh giá là 1 trong 2 tòa nhà nguy hiểm nhất thủ đô. Cư dân tại đây đang "sống trong sợ hãi" vì thông tin này.
UBND TP Hà Nội vừa cho công bố công khai kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của 42 chung cư ở 5 quận, huyện, trong đó có 39 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ C, 1 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ B, 2 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ D - cần phải di dân trong thời gian tới.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng tại văn bản số 370/SXD-PTN, ngày 14/1/2016, về “Xử lý kết quả kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng các nhà chung cư trên địa bàn Thành phố”.
Chắc nhiều người còn nhớ, cách đây 8 năm, vào đầu tháng 11/2008, cư dân chung cư C1 - tập thể Thành Công đã phải di dời khẩn cấp ngay trong đêm vì nguy cơ sập trong mưa bão.
Trở lại khu tập thể Thành Công sau khi văn bản của Thành phố ban hành, đến đơn nguyên 2 thuộc khu nhà G6A – tòa nhà xếp loại D, nguy hiểm nhất, chúng tôi gặp nhiều tâm trạng khác nhau của những cư dân sống tại đây.
Khe hở giữa hai đơn nguyên nhà G6A ngày càng rộng.
Khá lạc quan, ông Nghiêm Xuân Tuy, Đảng ủy viên, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường sở tại, tổ trưởng dân phố cho biết, hơn một trăm hộ dân đang sống tại đây có vẻ không lo lắng nhiều lắm về mức độ nguy hiểm được Thành phố công bố, “bên ngoài nhìn nhom nhem thế này nhưng bên trong thì sửa sang sáng loáng, lịch sự, mưa ngấm cũng chả ảnh hưởng gì”.
Khoảng tháng 6/2015, một tổ gồm 4 đồng chí ở “viện nghiên cứu gì đấy” qua phường đến gặp tổ dân phố, nhờ tổ trưởng dắt đến từng nhà một, đo đạc từng nhà một nhưng làm xong thì “các anh ấy tự rút đi, cũng chả thông báo gì nên bà con cũng hơi bức xúc”.
Ông Tuy nói, dù toàn bộ tòa nhà bị cải biến nhiều và nó lún đều như “cái bè”, người dân chỉ lo lắng một chút về vết nứt như cái “sợi chỉ” giữa hai đơn nguyên.
Ông Nguyễn Văn Thành, 61 tuổi, ở cùng vợ và con trai tại phòng G8 trên tầng 5 của khu nhà này thì lo lắng hơn nhiều, ông cho biết: Ông mới mua căn hộ 28 mét vuông này được hơn một năm mà đã phải chi ra khoảng 100 triệu đồng để sửa sang, trát lại vữa, bịt khe nứt và sơn sửa toàn bộ căn nhà. Nếu không, khi mưa “nhà không khác gì cái vũng nước”.
Thò tay qua cửa sổ, chỉ cho PV thấy khe giữa hai đơn nguyên của nhà G6A, ông Thành nói: “Tình trạng nghiêng rất khủng khiếp, nứt dột nhiều. Ở thì cũng cứ ở liều thế thôi chứ không có điều kiện đi chỗ khác”.
Quan sát cái “sợi chỉ” mà ông Tuy nói, chúng tôi thấy nó thực ra là khe hở giữa hai đơn nguyên của nhà G6A. Chưa cần máy móc đo đạc chuyên dụng, chỉ cần đứng từ bên ngoài tòa nhà quan sát thì nhìn khe hở này rất rõ, như một chữ V lớn chạy dài từ nền lên tận tầng trên cùng. Điều đó nghĩa là nó bị lún nghiêng sang một phía rất rõ.
Toàn bộ tòa nhà có nhiều mảng bong tróc, dùng tay vỗ nhẹ là vữa rơi cả mảng, nhiều vị trí là dầm của tòa nhà bị lở phần bê tông, lộ rõ cốt thép bị han rỉ nghiêm trọng. Giữa ban ngày nhưng hành lang không có nhiều ánh sáng, tối om, hệ thống dây điện cũ nát giăng đầy. Đặc biệt là hệ thống ống nước to nhỏ chằng chịt. Trèo lên mái tòa nhà G6A chúng tôi thấy hàng trăm bể nước to nhỏ khác nhau, cả loại bằng bồn inox lẫn bể gạch xây từ hàng chục năm trước. Từ đó, hàng trăm ống nước được người dân sống tại dây dẫn về căn hộ của mình.
Vào căn hộ của chị Loan ở phòng 206, chị Loan cho biết căn hộ của chị trên sổ đỏ chỉ có “31 mét vuông”. Nhưng khi chị mua nhà từ cách đây chục năm, chủ cũ đã tự cải tạo nới thêm được hẳn hai phòng, một phòng ngủ và một phòng bếp. Diện tích hiện nay ước tính phải rộng gấp đôi diện tích trên giấy. Ngoài ra, hai căn hộ phía trên và phía dưới của nhà chị cũng cải tạo, cơi nới ra y như vậy.
Một người dân từ chối cho biết tên nói, ở thì bẩn, bất tiện nhưng do điều kiện kinh tế nên không còn cách nào khác. Nhiều người ở đây cũng chờ đợi chung cư này được xây dựng lại để yên tâm ăn ở, an cư thì mới lạc nghiệp. Tuy vậy, nhìn sang cư dân của chung cư C1, bị di chuyển đi từ năm 2008 mà đến giờ vẫn “chưa đâu vào đâu” thì cũng không khỏi hoang mang, không biết phải tính thế nào cho hợp lý.
Văn bản của Thành phố Hà Nội nói rõ: Các chủ sở hữu, sử dụng đang cư trú tại các tòa nhà trên phải chủ động tự tháo dỡ các phần cơi nới trái phép làm ảnh hưởng tới kết cấu công trình. Nhưng có lẽ việc này cực kì khó khăn vì tất cả các hộ dân ở đây đều tự ý cải tạo trong quá trình sử dụng.
Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các đơn vị liên quan phải lắp đặt biển báo, rào chắn, chống đỡ những kết cấu nguy hiểm và xây dựng phương án đề phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra. Ông tổ trưởng dân phố Nghiêm Xuân Tuy thì cho biết, về phương án cải tạo hay di dời người dân, cho đến cuối ngày 20/2/2016, chính quyền vẫn chưa có thông báo gì đến các hộ dân tại đây, thông tin về xếp loại cấp độ nguy hiểm ông chỉ biết từ các phương tiện thông tin đại chúng.
Tử Hưng - Hà Trang