1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Nam:

Sông Thu Bồn sạt lở, hàng chục ngôi nhà chênh vênh bên miệng "hà bá"

(Dân trí) - Những năm qua, nhiều hộ dân tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Quảng Nam luôn sống trong sự lo lắng thấp thỏm về tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn đe dọa đến nhà cửa, đất vườn của họ.

Thấp thỏm nỗi lo mất nhà

Hằng năm cứ vào mưa bão, nhiều hộ dân ở xã Quế Trung sinh sống dọc ven sông Thu Bồn lại bất an, lo lắng nhà cửa, đất vườn và tài sản bị "hà bá" nuốt chửng vì sạt lở.

Theo người dân địa phương, họ sống ở khu vực này hàng chục năm qua cũng có hiện tượng sạt lở bờ sông xảy ra nhưng không đáng kể. Người dân thường trồng các hàng tre sát bờ để hạn chế tình trạng này.

Sông Thu Bồn sạt lở, hàng chục ngôi nhà chênh vênh bên miệng hà bá - 1

Bờ sông sạt lở, nhiều công trình phụ ven sông bị "xóa sổ" và đang có dấu hiệu ăn sâu vào nhà dân.

Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, bờ sông Thu Bồn bị sạt lở nặng làm hàng chục mét đất sản xuất, công trình phụ ven sông bị xóa sổ và đang có dấu hiệu ăn sâu vào nhà dân.

Sông Thu Bồn sạt lở, hàng chục ngôi nhà chênh vênh bên miệng hà bá - 2

Ông Nguyễn Văn Hòa chỉ về chuồng heo của ông bị sạt lở và trôi xuống sông gần hết.

Theo quan sát của PV Dân trí, dọc ven bờ sông Thu Bồn, đoạn chảy qua thôn Trung Phước 1, Trung Phước 2 và một số hộ thuộc thôn Trung Hạ có nhiều điểm sạt lở gần sát nhà dân, bờ sông ăn sâu vào các bụi tre, công trình phụ gần nhà.

Trước tình trạng này, một số hộ dân đã trồng tre và dùng bao cát, cây chắn ngang điểm sạt lở để giữ đất, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Sông Thu Bồn sạt lở, hàng chục ngôi nhà chênh vênh bên miệng hà bá - 3

Sạt lở bờ sông khiến ngôi nhà dưới của ông Hòa đã xuất hiện vết nứt to, rộng tách hẳn với bức tường nhà trên.

Ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1953, trú thôn Trung Hạ, xã Quế Trung) cho biết, mấy năm trước, nhà của ông cách bờ sông hàng chục mét, tuy nhiên qua mỗi mùa mưa bão, sông Thu Bồn lại "ăn đất" khiến vườn và một số công trình phụ như chuồng heo, nhà vệ sinh của ông bị sạt lở xuống sông gần hết.

Sông Thu Bồn sạt lở, hàng chục ngôi nhà chênh vênh bên miệng hà bá - 4

Ông Hòa rất lo lắng vì nếu tiếp tục bị sạt lở thì nguy cơ nhà ông sẽ bị sập đổ xuống sông.

Do mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại nên hiện tại phần nhà phía sau của ông Hòa đã xuất hiện vết nứt to, rộng tách hẳn với bức tường nhà trên và đang đối diện với nguy cơ sập đổ xuống sông nếu tiếp tục bị sạt lở vào mùa mưa bão này.

Sông Thu Bồn sạt lở, người dân thấp thỏm lo âu

"Gia đình tôi sinh sống ở đây đã lâu, nhưng thấy tình trạng sạt lở nặng bờ sông Thu Bồn chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây. Năm ngoái bờ sông đã bắt đầu sạt lở, đến năm nay vẫn tiếp tục sạt và kéo theo bờ tường nhà nứt. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ và có biện pháp ngăn chặn tình trạng này, để chúng tôi yên tâm sinh sống", ông Hòa bày tỏ.

Sông Thu Bồn sạt lở, hàng chục ngôi nhà chênh vênh bên miệng hà bá - 5

Trong đợt mưa lớn mới đây, công trình phụ và nhà bếp của nhà ông Huỳnh Công Tám bất ngờ xuất hiện rất nhiều vết nứt.

Cách đó không xa, ông Huỳnh Công Tám (SN 1970, trú thôn Trung Hạ, xã Quế Trung) vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại, trong đợt mưa lớn và gió mạnh mới đây, bờ sông phía sau nhà sạt lở khiến công trình phụ và nhà bếp của ông bất ngờ xuất hiện rất nhiều vết nứt, có vết nứt rộng từ 3-4 cm chạy dài trên tường và nhà đang có dấu hiệu nghiêng ra phía sông, nguy cơ bị đổ rất cao.

Sông Thu Bồn sạt lở, hàng chục ngôi nhà chênh vênh bên miệng hà bá - 6

Có vết nứt rộng từ 3-4 cm chạy dài trên tường.

"Với tình hình này, nếu không có biện pháp ngăn chặn thì chỉ vài đợt sạt lở nữa nhà tôi sẽ bị đổ. Tôi đã phải ghi biển cảnh báo để vợ con không được vào nhà bếp khi trời mưa vì rất lo sợ nhà có thể bị trôi xuống sông bất cứ lúc nào", ông Tám lo lắng nói.

Chênh vênh bên miệng "hà bá"

Cùng chung cảnh ngộ với một số hộ dân thôn Trung Hạ, nhiều năm qua các hộ gia đình sống ở khu vực bến đò Trung Phước (thuộc thôn Trung Phước 1) và 5 hộ dân thuộc thôn Trung Phước 2 cũng khổ sở vì nạn sạt lở.

Sông Thu Bồn sạt lở, hàng chục ngôi nhà chênh vênh bên miệng hà bá - 7

Nền nhà cũng bị nứt rất lớn và có dấu hiệu nghiêng ra phía bờ sông.

Tình trạng sạt lở đã "ngoạm" vào gần tận móng nhà, vách tường làm nhiều nhà chênh vênh bên bờ vực của "miệng hà bá".

Sông Thu Bồn sạt lở, hàng chục ngôi nhà chênh vênh bên miệng hà bá - 8

Ông Tám dùng cây chống đỡ cho nhà để tránh nguy cơ bị ngã đổ và trôi xuống sông.

Chỉ mấy ngọn tre do mình trồng đang vật vờ giữa dòng sông, bà Tăng Thị Tín (60 tuổi, trú thôn Trung Phước 2) cho biết, trước kia, đất vườn của gia đình bà ra đến tận hàng tre nhưng do tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra rất nhanh, giờ chỉ còn 3 m nữa là vào sát móng nhà khiến bà cũng như các hộ dân xung quanh hết sức lo lắng.

Sông Thu Bồn sạt lở, hàng chục ngôi nhà chênh vênh bên miệng hà bá - 9

Sạt lở đã "ngoạm" vào tận móng nhà ông Tám khiến ông vô cùng lo lắng.

Theo bà Tín, để đối phó với tình trạng mất đất, bà và những hộ dân xung quanh đây thường trồng tre và lấy bao cát tạo thành bờ kè để chống xói lở. Tuy nhiên, cũng không có hiệu quả gì, năm ngoái nước sông dâng cao đã cuốn trôi 2 bụi tre bà trồng để giữ đất xuống sông.

Sông Thu Bồn sạt lở, hàng chục ngôi nhà chênh vênh bên miệng hà bá - 10

Ông Tám đã phải ghi biển cảnh báo để cho vợ con không được vào nhà bếp khi trời mưa.

Bà Tín rất lo sợ sau vài trận lũ lớn nữa là căn nhà nhỏ của bà sẽ tiến sát bờ sông và có thể trôi theo dòng nước bất cứ lúc nào, nên cứ có mưa lũ xuất hiện là bà lại chạy đi tìm chỗ lánh nạn.

"Cứ đến mùa mưa bão là tôi phải chạy đi ở nhà người thân để ở vì sợ nhà cửa bị bất ngờ trôi xuống sông mà người không kịp chạy. Gia đình tôi và các hộ dân khác rất mong muốn được di dời đến nơi an toàn, để an tâm ổn định cuộc sống", bà Tín bày tỏ.

Sông Thu Bồn sạt lở, hàng chục ngôi nhà chênh vênh bên miệng hà bá - 11

Những bụi tre được người thôn Trung Phước 2 trồng để giữ đất đã bị "hà bá" nuốt chửng sau mỗi mùa mưa lũ.

Không chỉ có hộ bà Tín, ở khu vực này còn có mấy căn nhà cấp 4 tạm bợ của bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, ông Tăng Thoại, bà Tăng Thị Kim Yến, anh Tăng Văn Cư chỉ cách mép sông chừng 3-5 m. Những hộ dân này đều thuộc diện hộ nghèo, già yếu và hay ốm đau.

Sông Thu Bồn sạt lở, hàng chục ngôi nhà chênh vênh bên miệng hà bá - 12

Những bờ kè được dựng bằng tre cũng không chống đỡ được sự dữ tợn của dòng sông Thu Bồn.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Trường Thương - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho biết, trên địa bàn xã hiện có 2 điểm bị sạt lở bờ sông tại thôn Trung Phước 1 và Trung Phước 2, ảnh hưởng đến 50 hộ dân. Nhưng nặng nhất vẫn là 5 hộ thuộc thôn Trung Phước 2.

Để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn gây ảnh hưởng đến người và tài sản, chính quyền xã thường xuyên cảnh báo, tuyên truyền nhắc nhở người dân theo dõi tình hình, nếu nguy hiểm thì chính quyền địa phương sẽ có biện pháp sơ tán kịp thời.

Sông Thu Bồn sạt lở, hàng chục ngôi nhà chênh vênh bên miệng hà bá - 13

Đất theo mưa lớn tuột xuống lòng sông, tạo thành dốc thẳng đứng như bờ vực.

"Thời gian qua người dân đã trồng tre để giữ đất, nhưng về lâu dài các vị trí sạt lở phải kè bê tông cốt thép, tuy nhiên kinh phí quá lớn, chính quyền xã không thể nào đáp ứng được. Xã đã kiến nghị lên UBND huyện Nông Sơn để có biện pháp khắc phục nhằm hỗ trợ bà con ổn định đời sống", ông Thương cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, trước tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn, đoạn chảy qua địa bàn địa phương, UBND huyện Nông Sơn đã cử lực lượng đi kiểm tra, khảo sát để đánh giá mức độ sạt lở tại các vị trí này và đã lập hồ sơ thiết kế. Nhưng kinh phí khắc phục rất lớn, nguồn lực của huyện rất khó để thực hiện được.

"Chúng tôi đã có báo cáo thiệt hại về tình hình sạt lở và đã có tờ trình để xin nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh Quảng Nam hoặc Trung ương để xây dựng bờ kè cứng dọc khu dân cư này hoặc bố trí khu tái định mới cho bà con", ông Hòa thông tin.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm