Sông Thị Vải đang hồi sinh
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên khẳng định như vậy trong sự ngỡ ngàng của các phóng viên báo, đài. Bởi trước đó, chúng ta hầu như chưa có sự tác động nào đối với dòng sông bị ô nhiễm nặng nề ấy. Vì sao lại có sự “kỳ diệu” này?
Xung quanh số phận của sông Thị Vải, tại buổi giao lưu trực tuyến về chính sách, pháp luật đất đai, môi trường và khoáng sản do Bộ TN-MT tổ chức ngày 17/4, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã có cuộc trao đổi với báo giới.
Xin bộ trưởng cho biết, hệ thống xử lý nước thải của Vedan hiện nay như thế nào?
Vedan đã thực hiện nghiêm túc các quyết định của Bộ TN-MT. Sự phối hợp giữa Bộ TN-MT và Sở TN-MT cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai rất chặt chẽ. Chúng tôi đã thành lập một ban giám sát quá trình thực hiện của Vedan.
Cụ thể, 3 công trình thải ngầm với chiều dài 2.400m cắm sâu xuống 10m sông Thị Vải đã được bóc lên hoàn toàn, sự gian dối bây giờ là không có. Toàn bộ hệ thống theo dõi tự động quá trình thải của Vedan đã được lắp đặt. Bên cạnh đó, 21 hồ sinh học thải vào không đạt tiêu chuẩn cũng đang được nhập thiết bị để lắp.
Hiện nay, công suất hoạt động Vedan là 65-70%. Hiện nước thải của Vedan ra sông Thị Vải đạt tiêu chuẩn, còn màu là chưa đạt và việc này sẽ sớm được xử lý nốt trong thời gian tới.
Kế hoạch khắc phục ô nhiễm nước tại Sông Thị Vải đến đâu rồi thưa ông?
Sông Thị Vải đang từng bước được khôi phục. Chúng tôi đã lấy mẫu nước ở trên dòng sông Thị Vải để phân tích thì thấy, tuy chưa đạt đượcc so với nguyên thủy ban đầu nhưng so với thời kỳ "nóng bỏng" nhất đã giảm đi rất nhiều lần.
Trước đây, Bộ TN-MT nói là phải mất một thời gian dài, tốn rất nhiều tiền mới khôi phục được sông Thị Vải. Nhưng lần này, theo như Bộ trưởng nói thì chỉ trong một thời gian rất ngắn, khi chưa có biện pháp gì cải tảo, mới chỉ dừng lại ở việc kiểm soát hệ thống thải mà sông Thị Vải đã phục hồi nhanh đến vậy. Dư luận có quyền nghi ngờ chuyện này không?
Vừa rồi, có một điều rất thuận lợi là có 2, 3 con nước rất to ở đầu nguồn đẩy xuống. Nếu như không có nước đẩy thì việc giải quyết ô nhiễm của quãng sông “chết” dài 10km là rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi mới chỉ lấy mẫu nước ở phía trên để phân tích, còn bùn ở dưới thì chưa. Trong 10km sông đó thì 3 km ở dưới phần hạ lưu hiện đang sống lại, còn 7 km đòi hỏi phải có thời gian. Trước đây, tại Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 có khoảng 10 nhà máy nhuộm đồng thời thải cùng Vedan. Sau sự việc Vedan, 10 nhà máy này cũng phải thực hiện nghiêm về bảo vệ môi trường.
Liên quan tới việc bồi thường thiệt hại, hiện nông dân rất bức xúc vì công ty Vedan yêu cầu phải đáp ứng các điều kiện mà công ty đưa ra. Chẳng hạn như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy khám sức khoẻ… Thực tế, nhiều người dân không thể đáp ứng những điều kiện đó nên không được đền bù. Bộ trưởng có ý kiến gì về việc này?
Theo ý kiến của tôi, dân đi kiện phải có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý. Ví dụ, người dân phải chứng minh được là họ là người ở đó? đất đai đó là của họ? hoặc là nếu bị bệnh thì là bệnh gì?… Phía cơ quan nhà nước cũng phải tham gia để hỗ trợ, giúp đỡ người dân có được những cơ sở pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Bản thân doanh nghiệp đòi hỏi cũng phải có cơ sở.
Không chỉ sông Thị Vải, mà rất nhiều dòng sông hiện nay trên cả nước đang bị đe doạ do nước thải từ sinh hoạt, các khu công nghiệp. Bộ TN-MT đã có giải pháp mạnh nào chưa?
Nước thải có nhiều loại, trong đó nước thải sinh hoạt thì dễ xử lý, nhưng nước thải ở các khu công nghiệp có nhiều chất nguy hại, bệnh viện là rất khó xử lý. Ở các đô thị mới, việc xử lý nước thải không phải là vấn đề lớn vì đã có những yêu cầu nhằm bảo vệ môi trường. Nhưng tại các đô thị cũ thì rất phức tạp. Hiện mới chỉ có khoảng 50% nước thải trước khi ra hồ có hệ thống xử lý.
Mức độ xử lý có 3 cấp. Chúng tôi đang yêu cầu cố gắng xử lý ở cấp thứ hai tức là đạt yêu cầu về môi trường, vì việc xử lý nước thải khá tốn kém. Nếu ở cấp thứ ba, như ở các nước tiên tiến, phải mất 7-10 USD cho 1m3 xử lý. Như vậy thì Việt Nam không thể chịu được. Bước đầu, chúng tôi đang tập trung xử lý nước thải tại các khu công nghiệp.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Lan Hương