Sống mãi một tên người
(Dân trí) - Đầu năm 2011, trên bản đồ thành phố Đà Nẵng có một con đường nằm ngay trung tâm quận Ngũ Hành Sơn vừa được đặt tên. Đường mang tên một tấm gương kiên trung, quyết hy sinh giữ vững khí tiết anh hùng cách mạng - đường Nguyễn Đình Trân.
Đường Nguyễn Đình Trân trên bản đồ TP. Đà Nẵng - ảnh chụp từ google map
Hồi ức tử ngục Chín Hầm
Theo dòng hồi ức của Đại tá Nguyễn Minh Vân (còn có bút danh Nguyễn Dân Trung- tác giả cuốn truyện thơ “Sống trong mồ”), trong những năm 1955 - 1957, Ngô Đình Cẩn điên cuồng mở các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, ngang nhiên lập ra một tổ chức mật vụ riêng để thực hiện cái gọi là “chính sách mới của cụ cố vấn đối với những người tù kháng chiến cũ”, bằng nhiều thủ đoạn xảo trá, chiêu dụ “chuyển hướng”.
Cẩn lập ra một trại giam đặc biệt tại Tòa Khâm sứ của Pháp ở Thừa Thiên Huế đặt tên gọi lấp lửng là “cơ quan Tòa Khâm” giam giữ những người “chuyển hướng”, lập một “đoàn công tác đặc biệt Miền Trung” gồm những kẻ đầu hàng “chuyển hướng” vào Sài Gòn và các thành phố lớn lùng bắt các cán bộ chuyển vùng hoạt động cách mạng. Mục tiêu của chúng là các cấp Ủy Đảng Quân khu V và lưới tình báo miền Bắc và đã bắt được nhiều cán bộ nòng cốt. Trong đó có đồng chí Nguyễn Đình Trân, lúc bấy giờ là Ủy viên Thường vụ Tỉnh Ủy Quảng Nam - Đà Nẵng.
Liệt sĩ Nguyễn Đình Trân - nguyên ủy viên Thường vụ Tỉnh Ủy Quảng Nam- Đà Nẵng
Địch xếp đồng chí Trân vào loại tù chống lại “chính sách mới của cụ cố vấn” khi đồng chí giả say báo động lúc bọn chúng truy lùng đồng chí Tư Lung, Ủy viên Thường vụ khu ủy V bấy giờ. Chúng ghép đồng chí Trân và Đại tá tình báo Nguyễn Minh Vân cùng 4 đồng chí tình báo khác vào cùng một nhóm “chưa thông chính sách”. Chúng áp dụng thủ đoạn giam lỏng, dùng đủ mọi chiêu bài lôi kéo nhóm nhưng đều thất bại. Hơn nữa, nhóm lợi dụng ngay sự “đãi ngộ” giam lỏng của địch nhanh chóng lập thành một tổ Đảng hoạt động chống “chuyển hướng”, thống nhất chủ trương, hành động và giúp đỡ anh em vừa bị bắt, đang bị địch tra tấn ngay trong sào huyệt của bọn mật vụ Tòa Khâm.
Đến đầu năm 1960, biết chắc không lung lay được ý chí của nhóm, địch chuyển sang biệt giam các đồng chí. Lần này, bằng mưu trí, nhóm tuy bị biệt giam cách ly hẳn với anh em bạn tù nhưng vẫn liên hệ hoạt động được với tổ chức bí mật trong nhà lao.
Đến cuối năm 1960, chúng bắt đồng chí Trân và 2 đồng chí khác trong tổ, xích tay, đưa đi nơi khác. Tưởng địch đưa người đi thủ tiêu nhưng phải gần 1 năm sau, cuối 1961, khi cũng bị đưa đi, Đại tá tình báo Nguyễn Minh Vân mới biết chúng đưa các đồng chí đến tử ngục Chín Hầm.
Khi đến tử ngục, ở trong “cái chuồng” 1,8m2, tối tăm mù mịt mà bọn địch dã tâm xây để “chôn sống” khiến các đồng chí chết dần, Đại tá Vân hay tin đồng chí Trân đã hy sinh.
Theo lời kể: “bị địch đưa đến hầm giữa mùa đông, vào những ngày mưa dầm không ngớt. Trân lại nằm ngay cái chuồng bị nước dột nhiều, luôn bị ướt và rét thấu xương. Trân bị viêm phổi nặng. Anh em muốn nâng giấc an ủi nhưng mỗi người bị nhốt trong một phòng nên đành chịu. Chỉ biết nằm nghe từng tràng ho rũ rượi, liên hồi nhức buốt tâm can. Trong hơi thở cuối cùng, Trân cố nói lời vĩnh biệt qua người bạn tù ở “chuồng” ngay cạnh “Các đồng chí hãy cố sống. Mong có đồng chí sẽ về được với Đảng trong ngày toàn thắng! Trân xin vĩnh biệt”. Khí tiết anh dũng của đồng chí Trân vẫn văng vẳng trong hồi ức người bạn tù trong lời sau cùng trước khi bị đưa đến tử ngục: “Chết vì Cách mạng, chết để bảo toàn khí tiết là vinh quang. Dù kẻ địch tàn ác và man rợ đến đâu, chúng ta cũng quyết không khuất phục đầu hàng”.
Sống mãi một tên người
Chúng tôi đến thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Đình Trân, gặp người con trai thứ của liệt sĩ, ông Nguyễn Đình Bình, hiện là cán bộ Ban Dân vận TP. Đà Nẵng. Nghe chúng tôi hỏi về người cha đã hy sinh cách đây hơn 40 năm, ông Bình mang ra một tập giấy viết tay 15 trang, ngay ngắn, nắn nót từng dòng, chính là những dòng hồi ức về tử ngục Chín Hầm của Đại tá tình báo Nguyễn Minh Vân.
Chúng tôi đã đọc, lặng người, cảm nhận được sự xúc động của ông Bình, con trai liệt sĩ Nguyễn Đình Trân khi nói: “Ba tôi hy sinh năm tôi 7 tuổi. Tôi chưa từng được gặp ba. Hình ảnh của ba ở trong lòng tôi là di ảnh ba tôi lúc còn trẻ mà má tôi còn lưu giữ. Ba tôi đã đấu tranh và hy sinh ra sao, là đây, tập hồi ức của Đại tá tình báo Nguyễn Minh Vân”.
Cha mất khi mới 7 tuổi, ông Bình chỉ biết nhìn mặt cha qua di ảnh
Đại tá đã nắn nót từng dòng hồi ức viết tặng con trai của người bạn tù đã hy sinh lời đề tặng “Thân tặng cháu Bình- để lưu niệm về tấm gương hy sinh đầy dũng khí của ba cháu”. Những dòng hồi ức “mong các cháu thêm niềm tự hào về người cha, người ông kính yêu, để vững bước không ngừng, phấn đấu trở thành những người con ưu tú của đất nước, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của quê hương Điện Bàn- Quảng Nam”. Những dòng hồi ức gửi về Đà Nẵng từ Hà Nội, ngày 30/4/2005.
Nhưng có lẽ không phải chờ đến khi đọc những dòng trân trọng, tâm tư ấy, vợ và các con liệt sĩ Nguyễn Đình Trân mới noi gương anh hùng. Suốt những năm kháng chiến, vợ liệt sĩ, bà Tấn (tên khai sinh là Trần Thị Lài) cũng là một chiến sĩ cách mạng, đã bám trụ vùng quê Gò Nổi trứ danh “Nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi”, dù bị địch bắt tù, hành hạ vẫn kiên định không khai, lặng lẽ nuôi quân nằm vùng chiến đấu. Bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất.
Cụ bà Trần Thị Lài, vợ liệt sĩ Nguyễn Đình Trân, hiện sống cùng con cháu tại Đà Nẵng
5 người con của liệt sĩ Nguyễn Đình Trân, ngoài một người mất lúc tuổi nhỏ, 4 người còn lại đều tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn thuở niên thiếu. Trong đó, người con trai cả Lê Đình Tân (SN 1940) là học sinh miền Nam khóa đầu tiên, ra Bắc học kỹ sư tên lửa và đã hy sinh do bom B52 năm 1970 tại Mặt trận phía Tây Quảng Bình.
Người con trai thứ hai, Nguyễn Đình Lâm (SN 1950), tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi. Đến 1968 là thanh niên xung phong và đã hy sinh năm 1969 do bị pháo kích trong một lần đi lấy lương thực từ dân về nuôi quân.
Vậy là nối gót cha, nhà có thêm hai liệt sĩ. Nói về những mất mát hy sinh của mẹ, của gia đình, ông Bình trải lòng: “Là người nhà mà… Nhưng nỗi đau này không của riêng ai. Đã có bao người, trong bao mái nhà đã đổ máu xương trong chiến tranh cho nền độc lập của nước nhà”.
Những hy sinh vì Tổ quốc lặng thầm trong một mái nhà
Lược sử liệt sĩ Nguyễn Đình Trân
Nguyễn Đình Trân (1919 - 1961) quê ở xã Điện Trung, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Năm 17 tuổi tham gia tổ chức Thanh niên Dân chủ, tiền thân của Đoàn Thanh niên Cứu quốc.
Tháng 02/1938 vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 18/8/1945 tham gia Ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền phủ Điện Bàn. Tháng 10/1945 đến cuối năm 1949, ông là Bí thư Huyện ủy Điện Bàn sau đó là Bí thư Huyện ủy Tiên Phước. Năm 1952, ông làm Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy và được cử vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng.
Thời kỳ Mỹ - Diệm, địch đẩy mạnh chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” với nhiều thủ đoạn xảo quyệt khiến hàng chục cán bộ ta bị bắt, trong đó có ông. Địch mua chuộc, tra tấn dã man nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.
Năm 1961 ông hy sinh tại ngục Chín Hầm. |
Khánh Hiền