1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Sông Mã sạt lở nghiêm trọng, dân bức xúc, chính quyền "đau đầu"

(Dân trí) - Cả trăm mét bờ sông Mã bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đời sống sản xuất, nhà cửa của nhân dân. Người dân bức xúc cho rằng nguyên nhân do tình trạng khai thác cát rầm rộ nhiều năm nay nhưng chính quyền thì tỏ ra “bất lực”.

Tàu khai thác cát gần bãi bồi trên sông Mã.

Dân không biết kêu ai

Người dân ở các thôn Trịnh Điện, Thịnh Thôn (xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hòa) đang phải đối mặt với nạn khai thác cát tràn lan ở đây. Theo tìm hiểu, xã Định Hải có khoảng 26 ha đất bãi bồi phù sa dọc bờ sông Mã thuộc các thôn Trịnh Điện, Thịnh Thôn, Ái Thôn, Duyên Lộc. Riêng thôn Trịnh Điện có trên 8 ha đất bãi bồi.

Tuy nhiên vài năm trở lại đây, tình trạng khai thác cát tràn lan diễn ra rầm rộ khiến cho hàng trăm mét bờ sông Mã bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống sản xuất, nhà cửa của nhân dân. Bị nặng nhất vẫn là Trịnh Điện, có đoạn dài cả trăm mét, sâu 30-40 m.

Bà Nguyễn Thị Thúy (Trịnh Điện, xã Định Hải) cho biết: "Bãi cát thôn Trịnh Điện đã bị lún sâu vào chân đê khoảng 100m. Mỗi lần thuyền hút cát là đất vườn tụt xuống. Ngày nào chúng tôi cũng thấy cả chục thuyền tập trung cắm vòi hút cát”.

“Khoảng từ năm 2013, hàng chục tàu hút xuất hiện khai thác dải cát này. Sau mấy năm, nhà chỉ cách mép nước chừng 50m nữa thôi. Dọc sông qua xã Định Hải có tới 30 căn nhà, phía sau nhà chủ yếu là đất cát, tình trạng hút cát có thể khiến những mạch cát trong sát nhà dân chảy ra ngoài, gây ảnh hưởng đê và nhà cửa của chúng tôi. Về mắt thường thì có thể không nhìn thấy được nhưng chúng tôi là người sống gần sông nước nên chúng tôi hiểu rất rõ mối nguy hại từ tình trạng khai thác cát này” – bà Thúy cho biết thêm.

Sông Mã sạt lở nghiêm trọng, dân bức xúc, chính quyền đau đầu - 1

Ông Trịnh Văn Năm bức xúc cho biết nạn khai thác cát đang đe dọa đến nhà cửa, đất sản xuất của bà con.

Ông Trịnh Văn Năm cũng là người dân xã này bức xúc: "Bãi cát đã được cấp phép đã hết rồi, giờ họ hút vào đất nông nghiệp của dân sâu đến 30-40m, thậm chí có nơi đến 70m. Bà con đã kéo xuống xã cả chục lần nhưng không giải quyết được. Chính quyền xuống thì thuyền lại kéo nhau ra sông, chính quyền đi thì họ lại kéo tới”.

Ông Năm cũng khẳng định việc đánh dấu mỏ ở trên sông thì dùng bằng phao nhưng tàu thường khai thác sai vị trí lấn vào đất dân. “Khi dân phát hiện báo chính quyền tới thì họ lại kéo phao cắm cọc chỉ giới ra ngoài, khi chính quyền đi thì họ lại quay lại. Chúng tôi nhiều lần phản ánh sự việc với xã huyện, thậm chí kéo cả lên xã phản đối nhưng tình trạng khai thác cát gây sạt lở đất bãi bồi của người dân vẫn diễn ra khiến chúng tôi rất lo lắng” – ông Năm nói.

Sông Mã sạt lở nghiêm trọng, dân bức xúc, chính quyền đau đầu - 2

Tình trạng sông Mã qua địa bàn xã Định Hải sạt lở nghiêm trọng.

Cũng theo người dân thì ngoài tàu của một công ty được cấp phép còn có hàng loạt các tàu hút trái phép khác. Nhiều tàu thường hoạt động vào 3-4h sáng để dễ bề đối phó. Không những vậy, nơi mốc giới mà tỉnh cấp phép cho công ty Nam Lực đã được công ty này khai thác 7-8 năm nay, liệu trữ lượng cát có còn hay lấy danh nghĩa được cấp phép mà hút ra cả ngoài khu vực không được cấp phép?

Thực tế cho thấy, chưa rõ phạm vi và ranh giới mà UBND tỉnh Thanh Hóa cấp cho Công ty TNHH Nam Lực khai thác cát đến đâu nhưng tình trạng sạt lở bờ sông Mã đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng mà một trong những nguyên nhân có thể ghi nhận bằng mắt thường là do hàng chục tàu hút cát đang ngày đêm “rút ruột” bãi bồi ven sông Mã.

Có sạt lở nhưng chưa hết hạn khai thác!?

Ông Lê Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hải xác nhận, khu vực khai thác cát mà nhân dân phản ánh thuộc địa bàn thôn Trịnh Điện và Trịnh Thôn thuộc mỏ cát số 54, được tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho công ty TNHH Nam Lực (đóng trên địa bàn xã Định Hải) và hiện nhiều đoạn trên sông Mã có tình trạng sạt lở.

Sông Mã sạt lở nghiêm trọng, dân bức xúc, chính quyền đau đầu - 3

Những chiếc tàu hút cát sát bãi bồi.

“Về chức năng quản lý thì địa phương vẫn quản lý. Bà con cho là hút cát làm sạt lở sông nhưng sạt trong phạm vi họ được cấp phép. Họ được khai thác đến năm 2023 mới hết hạn. Các lần họp cử tri nhân dân phản ánh, đề xuất, xã đã làm tờ trình lên huyện, sau đó liên ngành đã về kiểm tra. Cách đây mấy ngày cũng có đoàn liên ngành về kiểm tra và vẫn kết luận công ty Nam Lực chưa ảnh hưởng đến vị trí ngoài cấp phép” – ông Khoa nói.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Đồng Hữu Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Định Hải cũng cho biết: “Tôi đã đề nghị huyện, tỉnh rất nhiều lần việc nếu hết trữ lượng cát thì thôi, dừng không cho khai thác nữa. Hút thì đứt chân, sẽ lở xuống, khiến dân bức xúc chửi bới, hai bên xô xát nhau rất phức tạp”.

Bình Minh