1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sông hồ lại “no” rác sau Tết ông Táo

(Dân trí) - Ngày 23 tháng chạp, ông Táo cưỡi cá chép về trời, sông hồ được dịp “no” rác. Chưa kể nhiều kẻ còn “canh me”, cá vừa được thả xuống chưa kịp quẫy đuôi mừng đã bị hớt lên.


Sông hồ lại “no” rác sau Tết ông Táo - 1

Cầu mong mọi điều tốt lành trong năm mới
 
Năm nào cũng thế, cứ vào ngày này (23 tháng chạp), người dân lại thả cá chép làm “phương tiện” cho ông Táo lên trời, tâu lại việc bếp núc, làm ăn của gia chủ trong năm qua…

 

Năm nay mặt hàng cá chép sống tăng khoảng 20 - 25% so với ngày thường, ở mức 40.000 - 50.000 đồng/kg (cá chép đen) hoặc 55.000 - 60.000 đồng/kg (cá chép vàng). Riêng cá chép vàng từ 2-3 lạng, được bán theo cặp, khoảng 40.000 - 50.000 đồng/cặp.

 

Mặc dù giá cao nhưng nhiều người dân vẫn chọn cá chép làm phương tiện để đưa ông Táo về trời. Những địa điểm mà người dân tại TPHCM thường đến thả cá là sông Sài Gòn (quận 2), các con kênh, khu hồ thuộc Công viên Hoàng Văn Thụ hay hồ cá của chùa Phước Hải (quận Bình Thạnh)…
 
Sông hồ lại “no” rác sau Tết ông Táo - 2

Thả cá từ trên cầu xuống

 

Ngoài việc thả cá chép, nhiều người còn mang tro hóa vàng và chân hương thả xuống hồ. Xong việc, tiện tay, họ vứt luôn túi ni lông đựng tro, cá,... với mục đích tiễn đưa năm cũ cho “trọn vẹn”.

 

Mặc dù phong tục mang ý nghĩa nhân văn nhưng nhiều người dân thiếu ý thức đã làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Riêng tại chùa Phước Hải, nhờ có sọt đựng rác nên tương đối sạch sẽ.
 
Sông hồ lại “no” rác sau Tết ông Táo - 3

Nhiều người như chị Dung, ở nhà không có chỗ đốt vàng mã nên mang lên chùa đốt cho ông Táo về trời

 

Chị Vũ Kim Dung đến thả cá và đốt vàng mã tại chùa Phước Hải cho biết: “Nhà không có chỗ đốt nên tôi lên chùa tiễn ông Táo luôn. Với lại ở đây cá chép được thả xuống hồ đảm bảo, chứ thả ở sông nếu chết thì mình càng thêm tội”.

 

Ngay tại khu vực bờ sông Sài Gòn (quận 2), hàng chục người đã “canh me” từ sớm. Họ dùng lưới và vợt lớn bắt cá mang đi bán lại. Anh Nam, một người bắt cá, tỏ ra giàu kinh nghiệm: “Nếu không bắt lên thì chúng cũng không sống nổi. Nước ở đây nhiễm mặn, cá sẽ bị nổ mắt  mà chết”.
 
Sông hồ lại “no” rác sau Tết ông Táo - 4

Cá chép sau khi phóng sinh bị bắt trở lại
 
Sông hồ lại “no” rác sau Tết ông Táo - 5

Túi ni lông đựng cá phóng sinh được người dân vất từ lan can cho đến thành cầu

Sông hồ lại “no” rác sau Tết ông Táo - 6
Và ở dưới thành cầu cũng không thiếu.
 

Sau khi tiễn ông Táo về trời, khắp các khu vực sông, hồ của TP.Vinh (Nghệ An) đều ngập trong rác. Sự thiếu ý thức của một số người dân trong dịp này khiến hình ảnh của đô thị trở nên nhếch nhác.

 

Người dân TP.Vinh có thói quen tiễn ông Táo lên chầu trời lúc mặt trời đã tắt nắng. Khoảng 18h, tại các khu vực hồ Goong, hồ cá Cửa Nam, cầu Cửa Tiền, cầu Bến Thuỷ… từng dòng người lũ lượt kéo về chuẩn bị thả cá chép làm “phương tiện” cho ông Công, ông Táo.
 
Sông hồ lại “no” rác sau Tết ông Táo - 7
Sau khi thả cá xuống sông...

Sông hồ lại “no” rác sau Tết ông Táo - 8

...không ít người đã vứt lại túi ni lông trên mặt cầu...

Sông hồ lại “no” rác sau Tết ông Táo - 9

...thậm chí "vui tay" còn giắt lên thành cầu. (Ảnh: Điền Bắc - Nguyễn Duy)

 

Cá chép được  đựng trong tất cả các vật dụng từ xô, chậu cho đến túi nilon để di chuyển ra địa điểm thả. Sau khi cá được thả xuống sông, hồ thì các túi nilon đã được đáp xuống đất hoặc được thả ngay xuống nước. Mặt hồ đang yên ả bỗng chốc đã dập dềnh hàng trăm túi nilon to nhỏ với đủ loại màu sắc. Nhiều người còn “vui tay” giắt luôn các túi đựng cá lên các cành cây, thành cầu gần đó. Trên cầu Cửa Tiền, đặc biệt là cầu Bến Thuỷ - nơi Quốc Lộ 1A cũng la liệt túi nilon trên cầu, giữa hành lang an toàn và ngay dưới chân cầu cũng ngổn ngang túi ni- lông. 

 

Tết ông Táo năm nay TP.Vinh khan hiếm cá chép hồ nên rất nhiều người dân sử dụng cá chép hồng (một loại cá cảnh) để thay thế. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, cá  chép hồng vốn được nuôi trong môi trường nhân tạo nên khó thích ứng với môi trường tự nhiên. Do vậy tỉ lệ sống sót sau khi được thả là rất thấp. Đó cũng là một trong những nguyên nhân đe doạ nguồn nước ở các sông hồ trong TP.Vinh.

 

Điền Bắc - Nguyễn Duy

 

 

 

Bài, ảnh: Hoài Lương