Sống bên... người chết

Những ngôi nhà cao tầng, những khu đô thị cao cấp ở Hà Nội mọc lên bên cạnh, thậm chí ngay chính trên vùng đất trước đây là những nghĩa địa, bãi tha ma. Trong khi chưa thể di dời các nghĩa trang thì người sống chỉ còn biết sống chung với... người chết!

Xóm nghĩa địa

Tổ 57, phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Cái nắng trái mùa hanh hao quét qua vàng vọt càng làm xóm nghĩa địa này xác xơ và dậy một mùi tanh tanh, rờn rợn.

Những ngôi mộ có tên lẫn không tên, không bia cạnh những ngôi mộ chưa có "người ở" được xí phần trước nằm lô xô, lồi thụt... Thậm chí có không ít mồ mả được dân cửu vạn "tập kết" về đây vội vàng trong đêm, được chôn cách mặt đất vài ba chục... cen-ti-mét.

Ông Đinh Văn Việt, người có "thâm niên" sống ven sườn nghĩa địa Chùa Hà cho biết: Ở đây, ngoài nghĩa địa Chùa Hà cả nghìn ngôi mộ đã được "quy hoạch" bằng một bức tường cao gần 2m bao quanh, còn lại khoảng 300 mồ mả khác đang "nhảy dù", ngày một "áp sát" lấy nhà của những hộ thuộc tổ 57 này.

Gần 10 năm trước, khi gia đình ông Việt chuyển đến phát quang, san mặt bằng để cất nhà, nghĩa địa này chỉ có khoảng trên dưới 100 ngôi mộ. Khi đó, quanh đây cũng chưa bói đâu ra hàng chục ngôi nhà cao tầng kia. Khoảng 3 năm trở lại đây, cùng với hàng chục nhà cao tầng san sát mọc lên, cả trăm ngôi mộ cũng được tập kết về.

Ông kể, có ngôi được bà con họ bốc về đây cho gần nhà, dễ bề nhang khói, chăm sóc. Những ngôi mộ này được lập bia, đào huyệt, chôn lấp chu đáo. Phần nhiều thuộc diện bốc về sau 1 năm, 3 năm chôn ở Văn Điển, Bất Bạt, nay người nhà đưa di hài các cụ về cho gần con cháu. Cũng có trường hợp là nắm tro sau khi đã hỏa táng.

Song, có hàng chục ngôi mồ được "bí mật" đưa về đây. Hầu hết thuộc diện "vô thừa nhận". Ấy là trong khi đắp nền nhà, người dân phát hiện, rồi thuê người lén lút đem ra đây chôn. Mà diện này, họ làm ẩu lắm. Hầu hết cứ 3, 4 tiểu (sành) họ lấp vào một hố. Đào xợt xợt, chỉ 20, 30 cm. Trẻ nhặt rác nhiều khi khơi khơi hoặc sau một trận mưa nặng hạt là lộ ra hũ sành. Người chết cũng không được yên!

Mới đây thôi, ngay dưới gốc cây đu đủ trong vườn nhà bà Phạm Thị Thuận, bà lỡ tạt nước mạnh tay làm lộ thiên ba chiếc hũ sành vô danh, khiến bà phát hoảng. Bà gọi chồng về thắp nén nhang khấn bái, rồi đắp cho những linh hồn cô quạnh ấy một nắm đất nhô lên cho người đời biết đó là mồ.

Sống bên... người chết - 1

Những ngội mộ không tên, những ngôi mộ chung nhau 3, 4 tiểu sành

Sống bên... người chết - 2

...đang áp sát, bao quanh căn nhà nhỏ của bà Thuận.

Bà Thuận nhiều lần tự hỏi, chẳng biết có phải vì chuyện này mà con gái bà bị "quở trách" hay không?! Nhưng sau dạo đó, con gái Đinh Thị Yến của bà thường xuyên bị "bóng đè", khiến Yến hoảng hốt mà chuyển đi. Cũng từ đó, căn bệnh đau đầu quấy quả bà nhiều hẳn hơn thời gian trước.

Cách đó không xa, căn nhà nhỏ ven con đường đất như "nứt ra" từ 2 nghĩa địa này là nhà bà Huệ, ba mặt được mồ mả bao kín. Bà Huệ nhớ lại, hồi đó, năm 1997, bà thuộc diện neo đơn, được chính quyền cho mảnh đất ở đây rồi mấy cháu sinh viên tình nguyện giúp dựng nhà. Khi đó, nghĩa địa trước mặt (nghĩa địa Chùa Hà) còn chưa có tường bao quanh. Sống chung với hàng ngàn ngôi mộ song không có gì đáng nói. Cứ quen dần.

Vậy nhưng, dăm năm trở lại đây, trong xóm mới này người ta thi nhau dựng nhà. Họ gặp mộ nhiều lắm. Di chuyển những ngôi mộ này thì chính quyền không cho. Nên ban đêm họ chui lủi "bỏ" những di hài đó về đây, vội vàng và cẩu thả.

Giờ đây, những khi có ngày nắng gắt là một mùi nặng nặng, váng váng cứ lởn vởn khắp xóm. Nhà lúc nào cũng khép cửa nhưng vẫn cứ muốn ói. Mùi đó nó nôn nao và nhức óc lắm. Có điều, diện mình ở nhờ, chính quyền thương mà cho tạm bợ ở đây nên cũng không dám ý kiến!

Bức tường ngăn cách cõi “âm - dương”

Khu đô thị Ciputra - một trong những khu đô thị lớn và đồng bộ của Hà Nội, nằm ngay cửa ngõ Thủ đô. Khu đô thị này nằm trên địa giới (trước đây) thuộc 4 xã: Đông Ngạc, Xuân La, Phú Thượng và Xuân Đỉnh. Tuy nhiên, hàng chục ngôi biệt thự của khu đô thị này lại hướng thẳng ra nghĩa trang Xuân Đỉnh với hàng ngàn ngôi mộ.

Sống bên... người chết - 3
 Bức tường trắng cao ngang tầng 2 của những ngôi biệt thự, với hy vọng "ngăn cách thế giới âm - dương".

Và ngày ngày, cư dân khu đô thị này (trong đó có nhiều người nước ngoài) không khỏi ớn lạnh khi chứng kiến những đám ma, những lễ nghi với khói nhang, kèn, trống.

Nhiều người sau khi xem nhà đã từ bỏ ý định mua chỉ vì "yếu vía". Dù cho, vài năm trước, Ban quản lí khu đô thị này đã cho xây dựng một bức tường cao trên 6m, ngấp nghé mái của các căn hộ 2 tầng để "chia cách" cõi âm - dương, đảm bảo cho khu dân cư gần nhất không bị nhìn trực tiếp vào nghĩa trang.

Tuy vậy, cái cảm giác khi mở cửa ra lan can hóng gió trời lại bị một bức tường cả ngàn m2 án ngữ, khiến nhiều người quá bí bức và mệt mỏi. Đó là chưa kể "ký ức" ngày chưa có bức tường: cứ mở cửa là hàng ngàn ngôi mộ đang dàn hàng chuẩn bị xộc thẳng vào nhà!

Ban lãnh đạo khu đô thị cho biết, ngoài xây tường, việc trồng thêm cây xanh, xây hệ thống thoát nước... cũng chỉ ở mức giảm thiểu ảnh hưởng của nghĩa trang Xuân Đỉnh với môi trường sống khu đô thị. Còn về lâu dài, vẫn mong có sự chỉ đạo của chính quyền để di dời nghĩa trang, nhằm xây dựng 1 khu đô thị hoàn chỉnh.

Xem ra, ngày ấy, hẵng còn xa!

Theo Chí Hiếu
Vietnamnet