Sớm đề cử "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới
(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới, hoàn thành trong quý II/2023.
Chiều 15/3, trong chuyến công tác tại Hải Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, dâng hương khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc và khu di tích quốc gia đền thờ Chu Văn An tại TP Chí Linh.
Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Hải Dương.
Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV.
Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân khác như Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang…
Những điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn (một trong những trung tâm của thiền phái Trúc Lâm được Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIII), đền Kiếp Bạc thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ Nguyễn Trãi…
Còn đền thờ Chu Văn An là nơi thờ phụng người thầy giáo lỗi lạc thời Trần, đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1998.
Tìm hiểu về quy hoạch khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Hải Dương phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và các bộ, cơ quan liên quan tích cực triển khai các công việc để hoàn thiện hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới, hoàn thành trong quý II/2023.
Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Hải Dương và các địa phương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch trong khu vực, kết nối Côn Sơn - Kiếp Bạc với các di tích khác trong tỉnh Hải Dương và di tích Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), hình thành chuỗi di sản, phát huy cao nhất giá trị về nhiều mặt của các di sản này.