1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Số tiền phải thi hành án lớn nhưng tài sản bảo đảm có giá trị rất nhỏ”

(Dân trí) - “Dù đã rất cố gắng nhưng kết quả thi hành còn rất thấp, nhất là những vụ việc thi hành liên quan đến án tham nhũng. Ngoài các tài sản đã bị kê biên trong quá trình tố tụng, hầu như người phải thi hành án không có tài sản nào khác để thi hành án. Số tiền phải thi hành án lớn nhưng tài sản bảo đảm để thi hành án có giá trị rất nhỏ”- Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nói.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chỉ đạo tại cuộc họp về thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng mới đây (Ảnh: T.K)
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chỉ đạo tại cuộc họp về thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng mới đây (Ảnh: T.K)

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tình hình thi hành án, thu hồi tài sản nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2016, nhất là trong những vụ án tham nhũng lớn ?

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng: Thời gian qua, công tác thi hành các vụ án thu hồi tài sản cho nhà nước đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, phối hợp của các Bộ, ngành trung ương; sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương; phối hợp giữa các cơ quan như VKSND, TAND, Công an...

Mặc dù đã rất cố gắng nhưng kết quả thi hành các vụ việc này còn rất thấp, nhất là những vụ việc thi hành liên quan đến án tham nhũng. Ngoài các tài sản đã bị kê biên trong quá trình tố tụng, hầu như người phải thi hành án không có tài sản nào khác để thi hành án; một số trường hợp, đương sự tẩu tán tài sản từ trước đó, một số vụ việc, số tiền phải thi hành án lớn nhưng tài sản bảo đảm để thi hành án có giá trị rất nhỏ.

Ví dụ như vụ Huỳnh Thị Huyền Như (TPHCM), nghĩa vụ phải thi hành án khoản 14.000 tỷ đồng nhưng bước đầu xác định tài sản đảm bảo thi hành án chỉ khoảng 500 tỷ đồng.

Thậm chí không có tài sản để thi hành án như trường hợp Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm (nguyên Chủ tịch và Tổng giám đốc Vinashin), hiện chưa phát hiện được tài sản để thi hành án mặc dù đã xác minh điều kiện thi hành án nhiều lần. Có trường hợp tài sản đã kê biên nhưng có tranh chấp hoặc liên quan đến sở hữu chung nên quá trình xử lý bị chậm hoặc gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp một số vụ việc còn chậm, hiệu quả chưa cao; chậm chuyển giao giấy tờ, tài liệu liên quan đến tài sản, dẫn đến chưa đủ cơ sở để xử lý tài sản thi hành án như vụ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Đắk Lắk, vụ Huỳnh Thị Huyền Như.

Để đẩy nhanh tiến độ thi hành án, thu hồi tài sản trong các vụ án này Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thi hành các vụ việc có điều kiện thi hành, các trường hợp đã kê biên tài sản, gắn trách nhiệm của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án đang tổ chức thi hành. Đồng thời tăng cường phối hợp liên ngành, nhất là với VKSND Tối cao, TAND Tối cao trong việc chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình giải quyết vụ việc; kiểm tra tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các vụ việc phức tạp, có giá trị phải thi hành lớn....

Cơ quan thi hành án dân sự đang đau đầu trước những vụ việc lớn nhưng tài sản rất ít như vụ Huỳnh Thị Huyền Như (Ảnh: Trung Kiên)
Cơ quan thi hành án dân sự đang "đau đầu" trước những vụ việc lớn nhưng tài sản rất ít như vụ Huỳnh Thị Huyền Như (Ảnh: Trung Kiên)

Theo tổng hợp của Bộ Tư pháp, đến nay có tới gần 52.000 tỷ đồng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng đang tồn đọng, chưa thi hành được. Vậy đâu là những nguyên nhân chính, chủ yếu dẫn tới việc thi hành án chưa đáp ứng được yêu cầu như ông đã nhận định trong buổi làm việc mới đây với Ngân hàng Nhà nước và đại diện các tổ chức tín dụng, ngân hàng?

Trong việc này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trước hết, phải thấy rằng thi hành các vụ việc có liên quan đến tín dụng ngân hàng cơ bản là nghĩa vụ về tài sản, do đó muốn thu được tài sản, đòi hỏi người phải thi hành án phải có tài sản và tài sản phải xử lý được hoặc Ngân hàng phải nhận để khấu trừ vào nghĩa vụ thi hành án. Tuy vậy, thực tế cho thấy, việc xử lý tài sản còn gặp nhiều khó khăn dẫn tới không thể bán được như: Cơ chế bán tài sản kéo dài, thủ tục phức tạp nên khó bán; một số tổ chức bán đấu giá tài sản năng lực yếu, nhưng cơ quan thi hành án không có sự lựa chọn nhiều do ở một số địa phương không có nhiều tổ chức bán đấu giá.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp tài sản bảo đảm không đủ điều kiện lưu hành; tài sản là đất đai, bất động sản không có lối vào; tài sản gắn liền trên đất, nhưng đất không thuộc quyền sử dụng của người phải thi hành án; tài sản có giá thấp hơn nhiều so với nghĩa vụ trả nợ; tài sản có tranh chấp; tài sản nằm trong các khu quy hoạch nên đối tượng tham gia mua đấu giá ít, chưa kể đến tính thanh khoản của thị trường bất động sản còn yếu. Người phải thi hành án thiếu hợp tác, trốn tránh, nhiều trường hợp chống đối quyết liệt khi giao tài sản cho người mua đấu giá thành...

Ở một số nơi, trình độ, năng lực tổ chức thi hành án liên quan đến các khoản thu cho tổ chức tín dụng, ngân hàng - các khoản thu khó, phức tạp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Sự quá tải trong công việc của Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự, quan điểm xử lý của cấp ủy, chính quyền địa phương thiếu nhất quán, các cơ quan không thống nhất về việc xử lý, cưỡng chế thi hành cũng gây khó khăn cho cơ quan thi hành án hoàn thành nhiệm vụ.

Trước việc hàng loạt tài sản không thể đấu giá, đấu giá nhiều lần không có người mua hoặc gặp phức tạp trong quá trình kê biên, thu hồi, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước sẽ tìm cách tháo gỡ rốt ráo như thế nào trong thời gian tới?

Thi hành vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng hầu hết là việc khó, cần nhiều giải pháp căn cơ từ xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện. Trước mắt Bộ Tư pháp sẽ phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước rà soát các quy định về pháp luật thi hành án dân sự và quy định pháp luật liên quan để nghiên cứu và đề xuất đơn giản hóa thủ tục thi hành án; phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thi hành án, cung cấp đầy đủ các thông tin và các tài liệu liên quan đến tài sản thế chấp để việc xử lý tài sản được kịp thời đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Chúng tôi cũng sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo ngân hàng, tổ chức tín dụng có cơ chế nhận tài sản không thể đấu giá, đấu giá nhiều lần không có người mua hoặc gặp phức tạp trong quá trình kê biên, thu hồi để trừ vào khoản tiền phải thi hành án như tôi đã nói ở trên.

Về phía các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần thực hiện đúng trình tự thủ tục thẩm định tài sản trước khi cho khách hàng vay. Khi nhận thế chấp quyền sử dụng đất mà trên đất có tài sản của người khác hoặc ngược lại cần cân nhắc yêu cầu người có tài sản đó có văn bản thỏa thuận để xử lý tài sản trong trường hợp người vay không trả được tiền.

Trong quá trình nhận thế chấp phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ tài sản thế chấp để tránh tình trạng tài sản bị thay đổi so với lúc nhận thế chấp.

Tại cuộc họp của Bộ Tư pháp mới đây, ông từng đề nghị thường xuyên công khai với báo chí về tình hình thu hồi tài sản của các đại án như Vinashin, Vinalines, Huỳnh Thị Huyền Như, Công ty cho thuê tài chính II, Bầu Kiên,... Việc này sẽ được thực hiện chứ?

Công khai tình hình, kết quả thi hành án nói chung trong đó có các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, phần dân sự trong bản án hình sự, thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng là việc làm cần thiết, qua đó giúp cho dư luận, người dân nắm được tình hình, kết quả thi hành án, từ đó có thể chia sẻ hỗ trợ Bộ Tư pháp, các cơ quan thi hành án dân sự trong việc chỉ đạo, giám sát việc thi hành án, đồng thời cũng cho các đương sự và những người có nghĩa vụ liên quan thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình để tích cực, chủ động hơn trong quá trình thi hành án.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2016 về hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án dân sự, trong đó quy định việc các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện công khai thông tin về việc chưa có điều kiện thi hành án trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự và Trang thông tin điện tử của các Cục Thi hành án dân sự.

Với quy định của Thông tư này, trường hợp có thông tin về điều kiện thi hành án của đương sự, chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan Thi hành án dân sự kịp thời xác minh, nếu có điều kiện sẽ tổ chức thi hành.

Dự kiến, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục công khai thông tin về tình hình thi hành án của các vụ án lớn khi có yêu cầu của cơ quan báo chí và báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác thi hành án dân sự năm 2016.

Xin cảm ơn ông!

Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, toàn quốc hiện có gần 15.200 việc tồn đọng chưa thi hành được với tổng số tiền trên 52.280 tỷ đồng.

Một số địa phương có số tiền phải thi hành liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng lớn như TPHCM (1.886 việc, trên 13.700 tỷ đồng), Hà Nội (2.097 việc, trên 8.100 tỷ đồng), Đồng Nai (659 việc, trên 1.550 tỷ đồng), Long An (807 việc, trên 1.800 tỷ đồng), Cần Thơ (737 việc, trên 1.160 tỷ đồng), Hải Phòng (321 việc, trên 2.400 tỷ đồng).

Thế Kha (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm