Sổ đỏ đứng tên cả gia đình: Ngăn chặn chứ không dẫn tới tranh chấp!
(Dân trí) - Giải thích thêm nhiều nội dung trong Thông tư 33 về việc ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, đây là quy định để xử lý hệ quả của quá trình trước đây việc quản lý đất đai chưa tính đến vấn đề cá thể hóa quyền sử dụng đất như bây giờ, dẫn đến những tranh chấp không thể giải quyết được.
Dư luận đang tranh luận nhiều xung quanh thông tin từ 5/12 tới sổ đỏ sẽ đề tên của các thành viên trong gia đình. Vấn đề là làm sao xác định nhà đất thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng trong các trường hợp để đưa tên vào sổ đỏ, thưa Bộ trưởng?
Trường hợp rất phổ biến trước đây, tôi ví dụ, đền bù giải phóng mặt bằng, nhà nước cấp đất lại cho gia đình ông A (trong gia đình có rất nhiều người, có thể có cả con cái vị thành niên, thậm chí họ hàng cùng có tên trong hộ khẩu) nhưng sổ đỏ là cấp cho hộ gia đình, do ông A là đại diện chủ hộ đứng tên. Việc đó đã gây khó khăn khi có tranh chấp, tòa án rất khó để giải quyết, phân xử khi chỉ có ông A được xác nhận quyền sử dụng với mảnh đất.
Rõ ràng nhu cầu thực tế của cuộc sống là những người có quyền về sử dụng đất tại thời điểm đền bù, giải phóng mà có tên trong hộ khẩu thì đều bình đẳng với nhau. Chúng ta phải bảo vệ quyền của tất cả mọi người trong hộ gia đình đó. Tôi nhấn mạnh, các thành viên được đứng tên trong sổ đỏ không phải là thành viên sau này của hộ gia đình mà là những người được xác định ở thời điểm được đền bù, cấp đất.
Chính do luật hồi đó lỏng lẻo, không cá thể hóa quyền sử dụng đất trong sổ đỏ nên gây những phức tạp, rắc rồi. Quy định mới này, vì vậy, không phải để điều chỉnh cho mọi trường hợp bây giờ mà để giải quyết những trường hợp như tồn tại trước đây.
Có ý kiến cho rằng, việc xác định người đứng tên trong sổ đỏ phải căn cứ vào việc ai là người tạo lập được tài sản chứ sao lại chia đầu người chung cho tất cả các thành viên trong gia đình, kể cả con chưa thành niên?
Vấn đề là thời điểm đó, đất đai chưa có giá trị. Khi cấp đất, các cơ quan xem xét trong hộ gia đình có bao nhiêu người và cũng căn cứ trên định mức nhân khẩu để cấp đất. Và theo khái niệm hộ gia đình, mọi người thường là đều vui vẻ để một người đứng ra đại diện đứng tên trên sổ đỏ là được rồi.
Nhưng dần dần, chính vì xác định chế độ cá thể hóa trong sử dụng đất đai nên hiện giờ, tài sản, ví dụ, hình thành khi một người chưa lấy vợ/chồng thì đó là tài sản riêng của vợ/chồng, còn hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì mới xác định là tài sản chung của vợ chồng. Đến giờ thì không có khái niệm tài sản chung của hộ gia đình nữa.
Thông tư này chẳng qua là để giải quyết hậu quả của một thời kỳ chúng ta đã cấp sổ đỏ cho hộ gia đình mà trong hộ gia đình đó có nhiều người được quyền sử dụng, giờ sẽ được cùng đứng tên. Còn sau ta sẽ từng bước cá thể hóa. Đây là việc cần thiết phải làm để giải quyết các tranh chấp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mọi người.
Nhiều cảnh báo lại được đưa ra là việc này có thể khiến các vụ việc khó khăn hơn trong quá trình cấp sổ đỏ tới đây?
Ban đầu có thể khó khăn nhưng nếu con cái trong gia đình mà nói chuyển toàn bộ quyền sử dụng cho ông bố, tôi không muốn đứng thì việc đó làm luật quy định hiện nay để tên một người cũng được nhưng phải có sự đồng tình của con cái, những người có quyền. Con cái nếu sinh ra sau khi sổ đỏ đã được cấp thì không hoàn toàn có quyền.
Tôi nhắc lại, thông tư này để xử lý của một quá trình trước đây chưa tính đến cá thể hóa như bây giờ và tồn tại thì quá trình tranh chấp xảy ra, không thể giải quyết được. Đây là yêu cầu của Tòa án, VKS để giải quyết các vụ việc.
Thủ tục quản lý, cấp sổ sẽ phức tạp hơn?
Thủ tục quản lý không hề phức tạp hơn. Nhà nước vất vả thêm nhưng những người có quyền hợp pháp được bảo vệ tốt hơn. Giả sử, ngày xưa, một gia đình bị thu hồi đất, được đền bù đất khác nhưng chỉ một người đứng tên sổ đỏ thì người đó mang ra để nói là sổ đỏ riêng của ông/bà ấy thì việc ghi tên đủ các thành viên có quyền là giúp ngăn chặn tranh chấp, giải quyết tranh chấp chứ không phải là dễ dẫn đến tranh chấp như một số người nói.
Thực tế, ngoài chế độ sở hữu chung của vợ chồng mà nhà nước đã công nhận với chế độ sổ đỏ 2 tên thì có nhiều trường hợp nhà đất thuộc sở hữu chung của rất nhiều người như vậy không, thưa ông?
Rất nhiều, bởi trước năm 1993 chúng ta đều thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng cho hộ gia đình và giao đất cho hộ gia đình. Lịch sử việc quản lý đất đai tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân mà giờ chúng ta phải trả lời, giải quyết.
Đây là thực tiễn đòi hỏi, người dân đòi hỏi, các tòa án, viện kiểm sát xử lý nhưng không nổi những tranh chấp như vậy mà vấn đề này là cả quá trình lịch sử rồi. Còn bây giờ, ta không còn cấp đất cho hộ gia đình nữa. Trước khi lập gia đình mà một người có miếng đất thì sau khi lập gia đình, đó vẫn là tài sản riêng của người đó. Chỉ có nhà đất hình thành sau khi lập gia đình mới phải ghi tên hai người trong sổ đỏ thôi.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo