1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sợ có tội nếu không nói thật

“Nếu không nói mới là có tội!” – đó là quan điểm của ông Trần Văn Thành, giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên khi khẳng định việc xây dựng thủy điện tại rừng quốc gia Cát Tiên sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến môi sinh môi trường.

 

Sợ có tội nếu không nói thật - 1
Ông Trần Văn Thành (bìa trái) cùng các chuyên gia về bảo tồn bò tót tại rừng quốc gia Cát Tiên. Ảnh: CTV
 
Hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong khu vực rừng Cát Tiên của tập đoàn Đức Long – Gia Lai đang trong giai đoạn chờ được Chính phủ phê chuẩn. Tuy dự án đã bị Bộ Tài nguyên và môi trường trả về nhưng lại đang được bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, với tư cách là đơn vị tư vấn cho Chính phủ, tán thành.
 
Nếu dự án này được thông qua, coi như 370ha rừng Cát Tiên bị xoá sổ, các hậu quả khác về môi trường cũng không lường hết được. Chúng tôi đã phỏng vấn ông Trần Văn Thành để làm rõ vấn đề trên.

Trên phương tiện truyền thông, ý kiến của ông và cấp trên (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) có vẻ không “ăn ý”?

Tôi là người làm quản lý nhà nước được phân công quản lý rừng quốc gia Cát Tiên nên khi các vấn đề liên quan đến khu vực rừng do mình quản lý thì tôi phải có ý kiến. Dù bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hay các nhà báo có hỏi thì quan điểm của tôi trước sau như một vẫn là cần phải có những đánh giá tác động môi trường một cách khoa học một khi xây thuỷ điện trong vùng rừng quốc gia.
 
Thời gian qua, cũng có áp lực từ một số nơi nhưng tôi vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình. Nếu tôi không nói, không phải chỉ Nhà nước thiệt hại mà nhân dân mới phải gánh chịu hậu quả nặng nề của các dự án thuỷ điện này gây ra sau này.

Áp lực mà ông nói cụ thể là gì?

Tôi đang làm giải trình vì sao dám nói ngược với phát biểu của lãnh đạo và đã gửi ra bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ông có nghĩ mình sẽ mất chức giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên vì những phát biểu của mình không?

Nếu vì nói thật mà mất chức tôi cũng không sợ. Sự thật sẽ được kiểm chứng bởi những người công tâm không chỉ trong thời điểm hiện tại mà còn tới đời con, đời cháu của chúng ta nữa.

Nếu dự án vẫn được phép triển khai, ông nghĩ thế nào?

Sự xuất hiện của đập nước thuỷ điện 6A tuy chỉ rộng 375ha so với 72.000ha rừng nhưng sẽ gây tác động rất lớn lên hệ sinh thái. Ví dụ như thú phải thay đổi địa điểm kiếm ăn, sinh đẻ quen thuộc của mình gây mất cân bằng tự nhiên. Xung quanh rừng Cát Tiên đã có hơn chục dự án thuỷ điện, xa thì vài cây số, gần chỉ vài trăm mét và nhà đầu tư nào cũng khẳng định dự án của họ không gây ảnh hưởng xấu. Ai dám đảm bảo chủ đầu tư hay nhân viên vận hành thuỷ điện không cấu kết với lâm tặc? Xây dựng các nhà máy thuỷ điện sẽ khiến dân tìm đến khu vực ven thuỷ điện để sinh sống. Chỉ vài bước chân họ đã vào được đến rừng, nếu rừng bị phá thêm vì bộ phận dân cư này thì các chủ đầu tư có bị ra toà không?

Nếu chủ đầu tư được phép làm thuỷ điện trong rừng, tôi đề nghị có cam kết bằng văn bản và công khai trước công luận rằng họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một khi những hệ luỵ xấu xảy ra. Và trách nhiệm của chủ dự án cũng phải được nêu ra hết sức cụ thể, rõ ràng để sau này dễ xử lý theo pháp luật.

Theo ông, báo cáo kiểm tra mà bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì đã trình lên Chính phủ có khách quan không?

Khách quan hay không tôi không dám bàn nhưng chuyến đi khảo sát của đoàn kiểm tra để tạo ra báo cáo ấy không rõ vì lý do gì thiếu đại diện bộ Tài nguyên và môi trường. Và tại sao toàn bộ chi phí cho đoàn kiểm tra (của Nhà nước) trong thời gian khảo sát đều do chủ đầu tư bỏ ra? Điều này khiến người ta không khỏi nghi ngờ...

Là người quản lý trực tiếp rừng quốc gia, ông có muốn nói gì thêm về việc thiếu đánh giá tác động môi trường tổng thể của thủy điện?

Viện Sinh học nhiệt đới đang chuẩn bị tổ chức đánh giá sơ bộ các dự án thuỷ điện đã triển khai quanh rừng quốc gia Cát Tiên. Đây cũng là một cơ sở để xem lại các tác động của thuỷ điện đến rừng, qua đó có đánh giá khách quan hơn về dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A. Làm quản lý nhà nước hay làm kinh tế tư nhân cũng đều phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng các nhà khoa học và các đánh giá của họ. Báo chí đã từng nêu rằng chỉ vì chưa đánh giá đúng một số dự án trước khi triển khai mà Nhà nước bị thiệt hại nặng nề. Rừng cũng vậy. Nếu sau này thấy hại rồi phá bỏ thuỷ điện, trồng lại rừng e rằng đã quá muộn.
 

Dự án thuỷ điện Đồng Nai 6A có công suất thiết kế 135MW, bờ trái thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, bờ phải thuộc Dăk RLấp, tỉnh Dăk Nông có phạm vi chiếm đất lâm nghiệp gần 200ha. Dự án thuỷ điện Đồng Nai 6A có công suất thiết kế 106MW, có phạm vi chiếm đất lâm nghiệp khoảng 175ha. Trong đó, nhiều diện tích nằm trong Vườn quốc gia Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên.

 
Theo Mai Quốc Ấn
Sài Gòn Tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm