1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sinh sản thành công 10 cá thể cầy vằn quý hiếm

Thái Bá

(Dân trí) - Sau thời gian cho các cá thể bố mẹ ghép đôi, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam tại vườn quốc gia Cúc Phương đã cho sinh sản thành công 10 cá thể cầy vằn có tên trong sách đỏ thế giới.

Ngày 23/6, đại diện Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương cho biết, đơn vị phối hợp với Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife - SVW) đã nhân giống thành công 10 cá thể cầy vằn.

"Đây là thành công lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới trong việc sinh sản bảo tồn loài cầy vằn", ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc SVW nói.

Sinh sản thành công 10 cá thể cầy vằn quý hiếm - 1

Cá thể cầy vằn mẹ chăm sóc các cá thể con sau khi sinh sản thành công (Ảnh: SVW).

Với việc cho cầy vằn sinh sản thành công lần này, SVW và VQG Cúc Phương tin rằng, có thể tái thả các cá thể này về tự nhiên trong khoảng 3-4 năm tới.

Trước đó, để triển khai mục tiêu sinh sản, bảo tồn loài cầy vằn, VQG Cúc Phương đã phối hợp cùng SVW khởi công xây dựng khu sinh sản bảo tồn rộng 1,3 ha cho cầy vằn vào đầu năm 2023.

Mục tiêu của SVW là sinh sản thành công và duy trì sự ổn định của ít nhất 50 cá thể cầy vằn và bắt đầu tái phục hồi quần thể để tái thả về tự nhiên.

Để thực hiện đề án, SVW đã đầu tư xây dựng và hoàn thiện 350m tường rào, 12 chuồng sinh sản động vật, một nhà an toàn sinh học và cải tạo 200m2 nhà ở thành phòng họp, phòng làm việc, phòng kho và khu chế biến thức ăn cho động vật.

Cuối năm 2023, SVW đưa 4 cá thể cầy vằn cái và 8 cá thể đực vào khu sinh sản để tiến hành ghép đôi. Kết quả đạt được ngoài mong đợi khi có 10 cá thể cầy vằn con được sinh sản thành công và khỏe mạnh. 

Ông Nguyễn Văn Thái cho biết thêm, những cá thể cầy vằn bố mẹ sinh sản lần này đều được cứu hộ trước đó, do lực lượng chức năng tịch thu từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã.

"Hiện tất cả cá thể cầy vằn, bao gồm cả các con non, đều được giám sát liên tục 24 giờ hàng ngày qua hệ thống camera. Bên cạnh đó, việc hạn chế tối đa tác động của con người đến các cá thể cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của SVW", ông Thái chia sẻ.

Cũng theo Giám đốc SVW, thời gian tới, để đảm bảo hiệu quả trong việc triển khai chiến lược bảo tồn cầy vằn giai đoạn 2019-2029, SVW đang nỗ lực tìm kiếm thêm các nguồn lực và thúc đẩy hợp tác với các đơn vị trong nước như Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, Thảo cầm viên Sài Gòn và các cơ quan nhà nước, nhằm hợp tác và tạo điều kiện tối đa trong việc đa dạng hóa nguồn gen cho quần thể cầy vằn trong môi trường nuôi nhốt.

Lãnh đạo VQG Cúc Phương cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp cùng SVW nỗ lực để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong chiến lược bảo tồn cầy vằn giai đoạn 2019-2029. Hy vọng đây sẽ là kinh nghiệm quý giá cho hoạt động sinh sản bảo tồn và tái phục hồi các loài khác tại Việt Nam.

Cầy vằn (tên khoa học: Chrotogale owstoni), nằm trong nhóm Nguy cấp của Sách đỏ IUCN năm 2016, được xếp vào danh sách loài Nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và danh sách IB của Nghị định 84/2021/NĐ-CP.

Đây là loài thú ăn thịt nhỏ, phân bố nhỏ nhất trong nhóm ở châu Á; chỉ được tìm thấy ở Việt Nam, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và một phần rất nhỏ ở miền Nam Trung Quốc.