Sẽ còn nhiều trận động đất mạnh ở thủy điện Sông Tranh 2
(Dân trí) - Đây là kết luận của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng tại buổi họp báo về công tác xử lý chống thấm và kết quả khảo sát động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2.
Ngày 28/9, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước (HĐNTNN) các công trình xây dựng phối hợp với Bộ Công thương, Bộ KH-CN, UBND tỉnh Quảng Nam, Viện Vật lý địa cầu và các cơ quan liên quan đã tổ chức cuộc họp báo cung cấp thông tin về kết quả xử lý thấm, kiểm tra đánh giá an toàn, ổn định đập và kết quả khảo sát động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2.
Theo GS.TSKH Nguyễn Văn Liên – Phó Chủ tịch HĐNTNN cho biết, sau khi xảy ra hiện tượng thấm nước qua đập thủy điện Sông Tranh 2, chủ đầu tư đã khảo sát, đánh giá và lập phương án xử lý thấm. Qua đó, đã xác định nguyên nhân chủ yếu do thấm nước qua các khe nhiệt. Phương án xử lý thấm đã được các chuyên gia của HĐNTNN góp ý trước khi chủ đầu tư phê duyệt để thực hiện.
Với 20 khe nhiệt còn lại lưu lượng thấm là nhỏ (0,015 l/s). Riêng đối với nền đập, lưu lượng thấm đo được trước khi xử lý là 4,2 l/s và sau xử lý là 3,19 l/s (giảm 24%).
Về sự an toàn của đập Sông Tranh 2, theo HĐNTNN cho biết chất lượng bê tông thường và bê tông đầm lăn của đập đã được thi công đạt yêu cầu thiết kế, đập đã tích nước theo 2 giai đoạn để kiểm tra trạng thái ứng suất, biến dạng và kiểm tra thấm qua đập.
Về kết quả đánh giá an toàn, ổn định đập tại thời điểm hiện nay, theo HĐNTNN, các chuyên gia đã xem xét đánh giá an toàn đập và thống nhất với các ý kiến kết luận của tư vấn độc lập AF-Colenco (Thụy Sĩ). Qua đó, các chuyên gia của HĐNTNN cho rằng đập thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn và ổn định theo thiết kế ở mực nước dâng bình thường 175m với động đất có gia tốc nền là 150cm/s2 và đập còn có thể chịu động đất có gia tốc nền là 220cm/s2.
Kết quả đánh giá cũng cho rằng, các vùng chấn động cực đại của các trận động đất lớn nhất đã xảy ra trong thời gian gần đây ở khu vực Bắc Trà My đều không vượt quá cấp 6 (theo thang MSK 64) và kéo dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam bao gồm cả khu vực thủy điện.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, các điều kiện thủy văn, địa chất kiến tạo có biến động phức tạp, xảy ra trong thời gian qua trên thế giới; hơn nữa đây là trường hợp phức tạp, xảy ra lần đầu tiên với tần suất cao, lại trong lúc mùa lũ đã tới, cho nên, để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, tính mạng, tài sản của người dân và an toàn công trình, nhất thiết không được chủ quan, lơ là. Vì vậy, chưa tích nước hồ chứa Thủy điện Sông Tranh 2 mà cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm túc tác động của lũ, động đất đến công trình.
Sau phần trình bày của đại diện HĐNTNN là hàng chục ý kiến của các PV báo đài xoay quanh vấn đề đánh giá tác động môi trường của thủy điện Sông Tranh 2 trước khi xây dựng. Ông Nguyễn Tài Sơn – TGĐ Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 – đơn vị tư vấn thiết kế cho rằng trước đây chúng ta chưa có kinh nghiệm trong vấn đề đánh giá tác động môi trường nên tham khảo của các đơn vị nước ngoài rồi áp dụng vào công trình này.
Một câu hỏi khá hóc búa của các PV dành cho HĐNTNN là ai sẽ chịu trách nhiệm nếu có sự cố xấu nhất là vỡ đập Sông Tranh 2? GS.TSKH Nguyễn Văn Liên cho rằng đến thời điểm hiện nay, khả năng xấu nhất khó xảy ra nên các đơn vị liên quan không tính đến phương án này.
Ông Liên cũng cho biết, ngày sau cuộc họp báo này, HĐNTNN sẽ cử ngay một lực lượng “khẩn cấp” cùng với các đơn vị liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2 để giám sát chặt chẽ trong mùa mưa lũ sắp đến.
Về những thiệt hại trong thời gian qua do động đất xảy ra đối với nhà TĐC và nhà của người dân và các công trình công cộng, đại diện EVN cho biết, đơn vị này chỉ “hỗ trợ” chứ không đền bù.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ông Lê Phước Thanh – cho biết, sau cuộc họp báo này, lãnh đạo địa phương sẽ có những phương án tuyên truyền cho người dân trên địa bàn hiểu về động đất trên cơ sở khoa học đã đựơc các nhà khoa học giải thích. Ngoài ra, địa phương tiến hành ra soát những thiệt hại do động đất, sau đó có hướng hỗ trợ để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Công Bính