1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sẽ có 3 cơ chế lương khác nhau

Nói về các bước cải cách tiền lương sắp tới, bà Nguyễn Thị Hằng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ nghiên cứu để tách chính sách lương của 3 khu vực với 3 cơ chế khác nhau gồm khu vực hành chính Nhà nước, khu vực sự nghiệp và khu vực sản xuất kinh doanh.

Bà nhận định như thế nào khi có ý kiến cho rằng, bước vào hội nhập nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam rất cần một “sân chơi chung” về tiền lương?

 

So với yêu cầu thực tiễn thì chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh hiện đang bộc lộ một số những bất cập.

 

Thứ nhất, tiền lương tối thiểu quá thấp, chưa đủ tái sản xuất lao động giản đơn, thấp hơn các nước trong khu vực từ 30 đến 40%. Thứ hai, tiền lương trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước chưa phản ánh đúng giá trị và giá cả trên thị trường lao động.

 

Thứ ba, việc trả lương trong các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn bình quân, chưa khuyến khích người có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Thứ tư, còn tồn tại nhiều cơ chế tiền lương giữa các loại hình doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập.

 

Đối với nước ta trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhận thức về tiền lương trong cơ chế thị trường ngày càng rõ và chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh đã từng bước được cải cách theo hướng thị trường. Việc tách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh với khu vực hành chính sự nghiệp là mốc quan trọng đầu tiên.

 

Tiếp đến là việc tách tiền lương tối thiểu chung và mở cơ chế áp dụng lương tối thiểu cho khu vực sản xuất kinh doanh phù hợp với các loại hình doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI. Tiền lương tối thiểu chung được xác định trên cơ sở nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động và một phần nuôi con, mức tiền công trên thị trường và khả năng chi trả của doanh nghiệp.

 

Doanh nghiệp được quyền tự chủ chịu trách nhiệm trong việc xếp lương, trả lương cho người lao động gắn với năng suất lao động, phù hợp với mặt bằng tiền công trên thị trường, khắc phục phân phối bình quân và chênh lệch quá lớn về tiền lương, thu nhập giữa các ngành, khu vực và vùng...

 

Nhưng thưa bà, liệu chúng ta có làm được khi quan niệm về tiền lương nói chung của xã hội vẫn còn nặng về tâm lý chia đều?

 

Chính vì thế quan điểm xuyên suốt trong quá trình cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh là tiền lương phải được coi là sự đầu tư vào vốn con người, vốn nhân lực, đầu tư cho phát triển.

 

Phải thay đổi cách tiếp cận chính sách tiền lương trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của quốc tế và yêu cầu thực tế phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh, một mặt phải tuân thủ những nguyên tắc thị trường, mặt khác phải kết hợp với nguyên tắc công bằng xã hội trong tiền lương, không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp về tiền lương.

 

Trong đó, vấn đề cốt lõi nhất là phải đảm bảo tiền lương trả đúng giá trị lao động, quan hệ cung - cầu lao động, song phải có sự quản lý, điều tiết vĩ mô của Nhà nước...

 

Để đảm bảo không phân biệt đối xử, Nhà nước sẽ tạo một “sân chơi” chung về lương tối thiểu cho các loại hình doanh nghiệp, xoá bỏ độc quyền bảo hộ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt sẽ làm rõ vai trò của Nhà nước và vai trò của thị trường trong quản lý, điều tiết chính sách tiền lương đối với khu vực sản xuất kinh doanh.

 

Trong đó, Nhà nước quản lý tiền lương bằng pháp luật, hướng dẫn tiêu chuẩn lao động, kiểm tra, thanh tra và điều tiết, xử lý những khiếm khuyết của thị trường mà không can thiệp trực tiếp và quá sâu vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Doanh nghiệp có quyền tự chủ trong việc trả lương gắn với năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh thông qua cơ chế thương lượng, thoả thuận giữa các bên trong quan hệ lao động.

 

Cụ thể các bước cải cách tới đây như thế nào, thưa bà?

 

Việc cần phải làm ngay đó là nghiên cứu để tách chính sách lương của 3 khu vực với 3 cơ chế khác nhau. Khu vực hành chính Nhà nước có nguồn tiền lương từ ngân sách Nhà nước. Chính sách tiền lương này phải đảm bảo mức sống cho cán bộ, công chức ở mức trung bình tiên tiến của xã hội.

 

Khu vực sự nghiệp có nguồn tiền lương một phần từ ngân sách nhà nước và một phần từ nguồn thu sự nghiệp hoặc tự trang trải, tiền lương phụ thuộc vào năng suất, chất lượng cung cấp dịch vụ. Còn khu vực sản xuất kinh doanh, tiền lương được tính từ kết quả sản xuất kinh doanh và theo cơ chế tiền lương thị trường.

 

Thứ hai, tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu theo hướng tiếp cận dần nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động, có đảm bảo cho số người ăn theo. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung sẽ trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, khả năng chi trả của doanh nghiệp, biến động của chỉ số giá sinh hoạt và tương quan mức sống giữa các khu vực nông thôn, thành thị và các tầng lớp dân cư. Tách tiền lương tối thiểu chung và quy định mức lương thấp nhất cho khu vực hành chính nhà nước, khu vực sự nghiệp và khu vực sản xuất kinh doanh.

 

Thứ ba, xây dựng lộ trình thống nhất mức lương tối thiểu và cơ chế tiền lương thống nhất cho các loại hình doanh nghiệp vào năm 2010, theo Luật Doanh nghiệp thống nhất, có hiệu lực từ 7-2006.

 

Thứ tư, xây dựng cơ chế đối thoại, thương lượng, thoả thuận về tiền lương, nhất là tiền lương tối thiểu ở doanh nghiệp và ngành.

 

Thứ năm, tăng cường quản lý Nhà nuớc về tiền lương, tiền công trong khu vực sản xuất kinh doanh theo hướng tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý. Xây dựng luật tiền lương tối thiểu, luật việc làm; sắp xếp doanh nghiệp nhà nước; thực hiện cơ chế ký hợp đồng cho thuê cán bộ quản lý và thuê giám đốc; thành lập uỷ ban các bên về quan hệ lao động, ngành và cấp quốc gia và thực hiện chương trình định kỳ giám sát, và điều chỉnh mức lương tối thiểu.

 

Theo Dũng Hiếu

Thời báo kinh tế VN