1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sẽ bỏ chứng thực bản sao tại các phòng công chứng

Bắt đầu từ ngày 1/7 tới, các phòng công chứng Nhà nước sẽ không còn nhiệm vụ chứng thực bản sao như hiện nay mà chỉ thực hiện chức năng công chứng các hợp đồng giao dịch dân sự.

Toàn bộ công việc chứng thực bản sao trước đây sẽ được chuyển giao cho UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các cơ quan chức năng.

 

Phòng công chứng quá tải

 

Theo đánh giá của ông Trần Ngọc Nga, Trưởng phòng công chứng (PCC) số 1, thì có tới 80% số việc ở PCC là chứng thực bản sao, văn bằng, chứng chỉ. Đây là nguyên nhân gây nên tình trạng quá tải tại các PCC.

 

Vào mùa tuyển sinh - tính từ thời điểm hiện nay đến tháng 7 hàng năm - khi các học sinh sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ra trường cần hoàn thiện giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ xin học, xin việc làm... thì nhu cầu chứng thực tại  các PCC tăng vọt. Số lượng năm sau cao hơn năm trước.

 

Hiện giờ mới là tháng 4, còn xa mùa thi, nhưng lượng bản sao tại PCC số 1 đã tăng gấp rưỡi so với năm ngoái; trung bình mỗi ngày có khoảng 600-700 lượt khách.

 

Ngay như PCC số 5 ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nơi “vùng sâu vùng xa” vẫn được đánh giá là vắng khách nhất thành phố cũng phải bố trí toàn bộ công chứng viên, cán bộ của phòng phải đi làm sớm và về muộn hơn 30 phút. Nhiều hôm cả phòng phải ở lại đến 19h vẫn chưa hết việc.

 

Phòng lưu trữ tài liệu hồ sơ của PCC số 5, dù mới thành lập được 3 năm, đã chật cứng không còn chỗ chứa. Đây là tình trạng chung của các PCC. Phòng lưu trữ của PCC số 2 còn “tràn” ra cả hành lang.

 

Sự quá tải này, phần lớn là do sự thiếu hiểu biết và thông tin của người dân trong lĩnh vực công chứng, chứng thực. Chính phủ đã quy định: UBND cấp xã có quyền cấp bản sao các loại giấy tờ do chính đơn vị mình cấp bản gốc, như giấy khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn... UBND cấp huyện có chức năng chứng thực tất cả các văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ hành chính... Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp bản chính loại giấy tờ nào thì cũng có quyền cấp bản sao loại giấy tờ đó...

 

Song tâm lý chung của người dân lại cho rằng chứng thực của các PCC có giá trị pháp lý cao hơn. Ngoài ra, nhiều cơ quan hành chính lại “máy móc” chỉ chấp nhận các bản sao do PCC chứng thực.

 

Bớt việc chứ không thất nghiệp

 

Phòng công chứng số 1 - nơi tập trung đông nhu cầu công chứng nhất TP - bình quân mỗi ngày có trên dưới 100 hợp đồng giao dịch dân sự cần công chứng. Từ giấy ủy quyền, thế chấp, mua bán chuyển nhượng, chứng nhận chữ ký... đều được đưa đến đây.

 

Ông Trần Ngọc Nga cho rằng: “Với số lượng 5 công chứng viên như hiện nay thì PCC số 1 không sợ “thiếu việc làm”.

 

Việc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ chứng thực phân cấp như thế này, Hà Nội đã đề nghị từ lâu. Tại các TP lớn như Hà Nội, TPHCM... các PCC “sống dở chết dở” vì quá tải, công chứng viên thì mệt mỏi vì làm việc quá sức. “Tôi là người trong cuộc thật sự thấy không ổn. Cứ để mãi như thế này không được...”, ông Nga kết luận.

 

Trưởng PCC số 5 cũng “lạc quan”: Với nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch dân sự hiện nay thì khi bớt phần việc chứng thực, phòng vẫn “có việc làm đều đều” vì ngoài huyện Sóc Sơn và huyện Đông Anh của Hà Nội, hiện tại phòng còn phục vụ cả các khu vực lân cận (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh...).

 

Theo Nguyễn Đức Hiệu

Hà Nội mới