Sau vụ Tiên Lãng, đất đai lại để phí vì địa phương “ngại” cưỡng chế
(Dân trí) - Báo cáo gửi đến UB Thường vụ của Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang trước phiên đăng đàn trả lời chất vấn cho biết, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai là sau vụ Tiên Lãng, các địa phương rất e dè trong việc cưỡng chế thu hồi đất.
Theo thống kê, đến ngày 30/06/2013, có hơn 8.000 tổ chức vi phạm, sử dụng đất lãng phí với diện tích gần 130.000 ha. Các cơ quan quản lý đã xử lý, thu hồi được gần 39.000 ha của 820 tổ chức.
Số tiền sử dụng đất đã thu nộp ngân sách nhà nước là hơn 56 tỷ đồng của 38 tổ chức. Số tiền thuê đất đã thu nộp ngân sách nhà nước là gần 9,5 tỷ đồng của 55 tổ chức. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính xấp xỉ 4 tỷ đồng của 236 tổ chức…
Bộ TN-MT nêu gương một số địa phương đã triển khai tốt việc xử lý, thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất đối với các dự án vi phạm, dự án chậm triển khai. Đứng đầu là tỉnh Long An thu hồi chủ trương, xóa quy hoạch đối với 28 dự án, tổng diện tích 3.915 ha. Tỉnh Hậu Giang thu hồi được 56 dự án với tổng diện tích 971 ha. Tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi 26 dự án, tổng diện tích đất 46 ha. TP.HCM thu hồi được 7 dự án, tổng diện tích đất 49ha.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang phân trần nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tình trạng lãng phí đất đai như ảnh hưởng suy thoái kinh tế, nhà đầu tư khó tiếp nhận các nguồn vốn vay để triển khai dự án, ảnh hưởng của khí hậu thời tiết, người bị thu hồi đất không đồng thuận với mức bồi thường…
Ngoài ra, ở góc độ chủ quan, người đứng đầu ngành TN-MT đánh giá, trong việc xử lý trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu một số tổ chức vi phạm trong quản lý, sử dụng đất do thiếu quy định cụ thể vệ quy trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu đã chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc giao đất cho tổ chức khác sử dụng dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi đất vi phạm.
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng lãng phí đất đai, ông Quang nhắc đến đầu tiên là công tác quy hoạch chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển nên không theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hoá, đặc biệt, quy hoạch khu công nghiệp chưa tốt, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa tính đến yếu tố liên kết vùng và ngành.
Thứ 2 là tình trạng chậm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang diễn ra phổ biến ở địa phương do chính sách thường xuyên thay đổi; do các cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng.
“Sau khi có vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng thì các địa phương hạn chế, e dè khi áp dụng biện pháp hành chính như thực hiện cưỡng chế thu hồi đất” – báo cáo của Bộ trưởng nêu rõ.
Ngoài ra, thị trường bất động sản chìm lắng cũng được cho là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm đưa đất vào sử dụng. Bênh cạnh đó, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn chạy theo mục đích thu hút đầu tư để phát triển kinh tế địa phương nên chưa sàng lọc được nhà đầu tư kém năng lực, chưa kiểm soát được tình trạng một nhà đầu tư nhưng xin giao đất, thuê đất để thực hiện nhiều công trình, dự án ở nhiều địa phương khác nhau, dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, chủ đầu tư bao chiếm, găm giữ đất, bỏ hoang gây lãng phí;
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng nhận định, các cơ quan có trách nhiệm chưa chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên tiến độ triển khai thực hiện các dự án sau khi giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư. Nhiều vụ việc xử lý vi phạm còn bị chi phối bởi các quan hệ xã hội.
Nội dung này sẽ còn được truy vấn, phân tích, mổ xẻ nhiều trong phiên đăng đàn, trả lời chất vấn của Bộ trưởng TN-MT trước UB Thường vụ Quốc hội chiều 20/8.
P.Thảo