Sau vụ nổ khiến 11 người bị bỏng, các công nhân được ký hợp đồng lao động
(Dân trí) - Hoạt động hơn 1 năm nay nhưng gần 170 công nhân lao động tại Công ty CP Thế giới gỗ Việt Nam không được ký hợp đồng lao động. Chỉ đến khi vụ nổ máy ép gỗ ván xảy ra, các công nhân mới được chủ sử dụng ký hợp đồng lao động và được đóng bảo hiểm xã hội.
Chiều ngày 20/4, Công ty CP Thế giới gỗ Việt Nam (đóng tại Khu C, KCN Nam Cấm, Nghi Lộc, Nghệ An) đã tổ chức ký kết hợp đồng lao động cho các công nhân đang làm việc tại đây. Buổi ký kết có sự chứng kiến của đại diện Công đoàn KKT Đông Nam và Công đoàn tỉnh Nghệ An.
Công ty CP Thế giới gỗ Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2015, chuyên sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng khác. Công ty 100% vốn Ấn Độ này có gần 170 công nhân làm việc. Tất cả các công nhân không được ký hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm và hưởng các chế độ khác như thai sản, ốm đau, độc hại.
Ngày 14/3/2016, các công nhân đã đồng loạt nghỉ việc tập thể để đòi quyền lợi. Ngày 17/3, trong buổi đối thoại, lãnh đạo công ty này hứa hẹn sẽ xem xét giải quyết các yêu cầu chính đáng của người lao động nên công nhân trở lại làm việc.
Sáng ngày 18/4, khi các công nhân đang làm việc thì xảy ra vụ nổ máy ép gỗ tại xưởng sản xuất ván ép khiến 11 người bị thương. Các nạn nhân được đưa đến các bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bị bỏng, 2 người nặng hơn được chuyển ra Bệnh viện Bỏng quốc gia tiếp tục chữa trị.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu công ty ngừng mọi hoạt động sản xuất để tập trung lo cho các công nhân bị thương. Ngành chức năng tỉnh Nghệ An cũng ra quyết định thanh tra toàn diện đối với công ty này.
Sáng ngày 20/4, đại diện Công đoàn Nghệ An đã có buổi tư vấn về các điều khoản trong hợp đồng lao động để công ty ký với người lao động. Chiều ngày 20/4, các công nhân được mời đến công ty, góp ý, thỏa thuận về các điều khoản trong hợp đồng lao động do phía công ty soạn sẵn. Khi PV các cơ quan báo chí tại Nghệ An có mặt để ghi nhận sự việc thì được các bảo vệ công ty mời ra ngoài với lý do “lãnh đạo công ty và Công an huyện thống nhất không cho báo chí vào”.
Đến khoảng hơn 16h, một số công nhân cho biết hợp đồng lao động đã được ký kết giữa công nhân và lãnh đạo công ty. Theo đó, các bên đã bàn bạc, thảo luận đi đến thống nhất mức lương cơ bản sẽ được tăng từ 2.400.000 đồng/tháng lên 2.560.000 đồng/tháng. Từ ngày 1/5, các công nhân được đóng bảo hiểm, phía công ty đóng 2/3 tiền bảo hiểm, công nhân đóng số còn lại. Các công nhân sẽ được hưởng 300 nghìn đồng tiền chuyên cần nếu làm việc đủ 26 ngày/tháng. Hàng ngày, các công nhân được công ty hỗ trợ 1 bữa cơm trưa trị giá 20 nghìn đồng nếu làm việc đủ 8 tiếng.
Chị Hoàng Thị Hương (xã Nghi Xá, Nghi Lộc, Nghệ An) hồ hởi: “Tôi làm việc ở đây gần 1 năm rồi mà chưa được ký hợp đồng, không được đóng bảo hiểm và hưởng các chế độ khác theo quy định. Sau vụ nổ máy ép gỗ chúng tôi mới được ký hợp đồng, được đóng bảo hiểm. Lo thì vẫn lo nhưng làm việc đã yên tâm hơn trước”.
Chị Nguyễn Thị Ngân (xã Nghi Xá, công nhân dán keo của công ty) cũng phấn khởi khi được ký hợp đồng lao động với công ty. Tuy nhiên, chị Ngân cũng như một số công nhân khác tỏ ra khá băn khoăn về chế độ hỗ trợ độc hại đối với công nhân bộ phận dán keo. “Các điều khoản khác trong hợp đồng thì họ đồng ý như mức lương cơ bản, tiền chuyên cần, bảo hiểm nhưng khoản phụ cấp độc hại thì họ bảo để xem xét đã. Phía công ty cho hay sẽ cho kiểm tra để xác định xem keo dán gỗ có gây độc hại gì không sau đó mới tính tiếp”.
Một số công nhân vẫn còn băn khoăn về 1 số điều khoản trong hợp đồng nên chưa ký.
Đến chiều tối ngày 20/4 đã có khoảng 100 công nhân ký hợp đồng lao động với chủ doanh nghiệp, chiếm khoảng 70% người lao động toàn công ty. Số công nhân còn lại chưa ký hợp đồng là do còn thiếu một số giấy tờ cần thiết hoặc đang lưỡng lự trước một số điều khoản trong hợp đồng.
Ngày 21/4, công ty tiếp tục tổ chức ký hợp đồng lao động cho các công nhân còn lại.
Hoàng Lam