“Đại gia uống chai rượu 2 triệu, công nhân ăn khoai sáng đi làm!”
(Dân trí) - “Báo chí nói nhiều về các đại gia ăn chơi, uống 1 chai rượu hết 1-2 triệu... Trong khi đó, có cô công nhân mỗi sáng ăn 1 củ khoai lang rồi uống nước vào cho nó nở để no bụng...”, cử tri quận 3 trăn trở.
Tại đây, cử tri quận 3 đã nhiệt tình đóng góp ý kiến hoàn thiện nhiều luật mà Quốc hội khóa XIII chuẩn bị thông qua trong kỳ họp thứ 4 sắp tới. Cử tri Võ Văn Thôn góp ý các Luật Hòa giải, Hộ tịch, Giáo dục quốc phòng; Cử tri Phạm Văn Hải góp ý cho Luật Dự trữ quốc gia; Cử tri Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Luật gia quận 3 góp ý về sửa đổi Luật Luật sư, Luật Hộ tịch…
Cử tri quận 3 đã chỉ ra nhiều điểm bất cập, khó khả thi khi áp dụng vào thực tiễn tại cơ sở, nhiều điểm vận dụng từ ngữ còn chưa chuẩn xác… trong các dự thảo luật trên.
Cử tri Trần Thị Thu Hà còn đề nghị: “Khi ban hành luật nên chuẩn bị sẵn nghị định, thông tư hướng dẫn đi kèm, khi luật có hiệu lực là có thể áp dụng ngay để tránh tình trạng lúng túng vì đã có luật nhưng chẳng biết vận dụng ra sao; phải có chế tài đi kèm luật, nếu không rất khó có hiệu quả!”.
Ngoài ra, vấn đề cử tri quận 3 quan tâm nhất là tình hình kinh tế đất nước. Cử tri Võ Thị Nguyệt Ánh chia sẻ: “Báo chí nói nhiều về các đại gia ăn chơi nhậu nhẹt, uống 1 chai rượu hết 1 – 2 triệu, ngủ với người mẫu hết 5 – 7 triệu/lần. Trong khi đó, tôi đọc báo thấy có cô công nhân mỗi sáng phải ăn 1 củ khoai lang rồi uống nước vào cho nó nở ra để no bụng. Tại sao người ta làm ăn chân chất, kiếm đồng tiền chân chính lại khó khăn đến vậy?”.
Trước đó, cử tri Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 1 cũng đã than thở về tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp điêu đứng vì hàng làm ra khó bán, tài chính nặng gánh vì lãi suất nợ quá hạn, giá thuê đất tại nhiều địa phương lại tăng cao (Đồng Nai tăng 8 lần, Bình Định tăng 3,5 lần…) khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng theo… Theo ông thì tất cả các yếu tố trên khiến doanh nghiệp khó duy trì sản xuất, khó đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân.
Về vấn đề này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đại diện Tổ Đại biểu Quốc hội ghi nhận và cho biết: “Chính phủ đã thấy tình hình nghiêm trọng của vấn đề, nhiều doanh nghiệp đã “chết”, đời sống công nhân khó khăn. Dù năm qua, chúng ta đã đạt được thành tựu trong kiềm chế lạm phát nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khác cần phải giải quyết”.
Chủ tịch nước khẳng định: “Trong kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ thảo luận nhiều vấn đề kinh tế xã hội, tập trung tháo gỡ nợ xấu, hàng tồn kho, phục hồi sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất… Chúng ta phải tập trung tháo gỡ vấn đề này, làm sao để kinh tế năm 2013 phải tốt hơn năm 2012, đảm bảo an sinh xã hội”.
Một vấn đề khác mà cử tri quan tâm là trật tự trị an xã hội hiện nay. Cử tri Võ Thị Nguyệt Ánh bức xúc: “An ninh xã hội hiện nay khiến người dân rất băn khoăn. Đọc báo hàng ngày tôi thấy cướp giật rất nhiều, cướp ban ngày lẫn ban đêm, cướp ngoài đường rồi vào cả trong nhà giết người cướp của, bạo lực học đường, kéo băng nhóm đánh nhau… Không phải 1, 2 vụ mà nhiều vụ như thế. Không lẽ chúng ta không có biện pháp xử lý triệt để?”.
Cử tri Nguyễn Văn Quý cũng phát biểu: “Nếu các đại biểu về vùng Bà Điểm, Hóc Môn sẽ thấy bọn buôn lậu lộng hành quá. Cứ ngày chủ nhật là trên tuyến đường Phan Văn Hớn dẫn từ Long An về thành phố náo loạn cả lên, bọn buôn lậu chạy thành từng đoàn 3, 4 xe máy hiên ngang giữa đường, khi chạy thì rú hết ga, lạng lách làm bà con rất sợ…”.
Cử tri Nguyễn Xuân Minh thì lo ngại tình trạng cán bộ rời xa quần chúng nhân dân. Ông nói: “Thực tế tôi thấy hiện nay có nhiều cán bộ địa phương xa rời nhân dân. Làm sai không sửa sai, không nhận sai mà khó người dân tố cáo cái sai của mình. Đề nghị Quốc hội thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của mình”.
Cử tri Nguyễn Gia Cường cũng trình bày, tố cáo tiêu cực của mình đã phản ánh từ lâu, Đoàn Đại biểu Quốc hội cũng đã có yêu cầu UBND quận 3 và Sở Tư pháp TP giải quyết gần 1 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thỏa đáng.
Về vấn đề này, Chủ tịch nước cho biết cử tri quận 1 cũng đã có nhiều ý kiến tương tự. Sắp tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, tạo cơ sở pháp lý để Đảng chỉ đạo công tác này thay cho Ban chỉ đạo của Nhà nước, góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ thông qua quy chế bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Quy chế này sẽ là cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm tra, giám sát trực tiếp cán bộ cấp cao, giữ chức vụ quan trọng của đất nước; góp phần nâng cao hiệu quả giám sát cán bộ và đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.
Tùng Nguyên