“Sát thủ” cá chình trên sông Đakrông
(Dân trí) - Cách đây 13 năm, khi đoạn sông Hiếu chảy qua địa phận thị xã Đông Hà (Quảng Trị) thưa dần cá tôm, nghề chài lưới chỉ đủ lo bữa cơm độn khoai sắn, ông Nguyễn Văn Tư quyết định chuyển hướng mưu sinh sang nghề săn cá chình.
Sau hàng trăm lần câu được cá chình có trọng lượng 7-10kg, ông Tư đã được mệnh danh là “sát thủ” cá chình trên sông Đakrông.
Xoay xoay chén rượu pha tiết cá chình sóng sánh đỏ trên bàn tay to bè rắn chắc của dân mang nghiệp chài lưới, ông kể nghề chài lưới đã gắn bó với dòng họ nhà ông bao đời rồi; từ lúc ở truồng ông đã theo cha mẹ lặn ngụp trên nhiều khúc sông của con sông Hiếu, Thạch Hãn. Lớn lên, ông cũng lấy vợ, sinh con, đẻ cái trên chính những khúc sông ấy.
Đến năm 1995, khi những khúc sông ít dần tôm cá, nghề chài lưới không còn đủ nuôi gia đình ông. Lo cho tương lai của các con, ông bàn với vợ xuôi thuyền ngược lên mạn sông Đakrông kiếm kế sinh nhai. Thế là cả gia đình ông giong thuyền theo sông Hiếu, về sông Thạch Hãn, sau đó ngược lên sông Đakrông.
Địa điểm dừng chân của gia đình ông là bến sông Đakrông đoạn chảy qua thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông). Ngày ấy, sông Đakrông còn chảy giữa hoang sơ núi rừng, những người sống nhờ vào dòng sông không nhiều nên cá tôm nhiều vô kể. Nhưng thay vì lặn ngụp theo nghề cũ, ông đã chọn cho mình nghề câu cá chình.
Hỏi bí quyết để trở thành “sát thủ” cá chình, ông cười: Câu cá chình đơn giản lắm, chỉ cần một vàng câu dài khoảng 1-2km với chiếc thuyền nhỏ là có thể kiếm sống được ở sông Đakrông. Vàng câu thường được bện bằng ba sợi gấc loại to; cứ cách 1,5m lại buộc một dây câu có đính lưỡi câu lớn. Mồi câu cá chình tốt nhất là cá lươn (cá lươn thường được vợ ông về tận chợ thị xã Đông Hà mua với giá 50.000 đồng/kg), lúc hiếm thì có thể thay bằng ếch, nhái.
Sau khi đã chuẩn bị xong mồi câu, thông lại vàng câu, đến khoảng 7 giờ tối là bắt đầu thời điểm móc mồi, thả câu. Nơi thả câu tốt nhất là những khúc sông có nhiều đá nhấp nhô. Buông câu xong, ông chọn nơi neo thuyền, thảnh thơi ngồi đợi, đến chừng 10-11 giờ đêm mới bắt đầu lần theo vàng câu để gỡ cá chình.
Từ khi bắt đầu làm nghề này đến giờ, ông đã câu được vài trăm con cá chình có trọng lượng 7-10 kg. Cá chình trong tự nhiên thịt thường thơm ngon hơn cá chình nuôi lồng nên tư thương thường trả giá cao (250-300 nghìn đồng/kg) và đến tận nhà đặt mua. Đêm nào trúng 4-5 con cá chình có trọng lượng lớn là ông có tiền triệu.
Nói thì dễ vậy nhưng không phải cứ buông mồi là có cá cắn câu. Biết bao lần ông ngồi cả đêm chỉ để đem về được vài con cá lóc, cá mát, không đủ bù tiền mồi câu.
Thách thức với người câu cá chình là mùa “săn” cá lại đúng vào lúc dòng Đakrông hiền hòa thường hứng những trận mưa lớn, nước dâng cuồn cuộn, rất nguy hiểm.
Đang mải câu chuyện, ông chợt đưa tay nhìn đồng hồ. Đã đến giờ ông phải ngược sông lên mạn Tà Long, Húc Nghì câu cá…
Tôn Hiền