1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sát thủ áo trắng

(Dân trí) - Chỉ vì ánh mắt nhìn “không tròn trịa”, một cái va quẹt trên hành lang hay vài lời chọc ghẹo… nhiều học sinh đã dùng vũ lực, hung khí để tấn công bạn của mình.

Sát thủ áo trắng - 1

Bạo lực học đường đang diễn biến phức tạp (Trong ảnh: Nữ sinh "hỗn chiến" tại đường Hoàng Sa, P.17, Q.Bình Thạnh)
 
Đao kiếm nơi sân trường

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ án mạng xảy ra mà sát thủ là những học trò hồn nhiên trong màu áo trắng.

Hồi 10h30 ngày 27/3, tại khu vực ngoài trường THCS Hoàng Quế (xã Hoàng Quế, huyện Đông Triều, Quảng Ninh) đã xảy ra xô xát giữa Ngô Văn Trọng (học sinh lớp 9 trường THCS Hoàng Quế) với 2 học sinh lớp 8 cùng trường là Ngô Văn Sang và Nguyễn Xuân Biển.

Sau đó, Trọng đã gọi anh họ là Nguyễn Văn Tuấn, là học sinh lớp 10 trường THPT dân lập Trần Nhân Tông, thị trấn Mạo Khê đến đánh Sang và Biển. Bị Tuấn đánh đau, Biển đã dùng dao nhọn giấu trong người đâm Tuấn 1 nhát vào sườn phải và 1 nhát vào tim. Tuấn chết trên đường đi cấp cứu.  

Tiếp đó, vào khoảng 15h15 phút, ngày 28/3, một vụ án mạng khác đã xảy ra tại trường THCS Công lập Tân Bình (số 873, Cách Mạng Tháng Tám, P.7, Q.Tân Bình, TPHCM) mà hung thủ và nạn nhân đều là học sinh của trường.

Sau khi học xong môn Vật Lý, học sinh khối 9 ra về, thì cũng là giờ ra chơi của học sinh khối chiều (trong đó có lớp 8). Nhưng trong lúc giải lao này, Lê Công Hoàng (13 tuổi), học sinh lớp 8 có mâu thuẫn và cự cãi với Phạm Quốc Minh (15 tuổi, học lớp 9). Ngay lập tức, Hoàng rút con dao thủ sẵn đâm vào Minh làm Minh chết ngay tại lớp học.

Thấy bạn cùng khối 9 bị đánh, Nguyễn Đăng Khương và Lê Huy Cường vào can ngăn thì cũng bị Hoàng “tặng” mỗi người vài nhát dao. Khương bị đâm ngay hông phải, Cường bị một vết thương ở tay và ở nách phải đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Thống Nhất.
 
Sát thủ áo trắng - 2
Sát thủ áo trắng - 3

Hai em Khương, Cường bị bạn cùng trường chém trọng thương.

Mới đây, một vụ ẩu đả giữa 2 học sinh nữ khối 10 của trường THPT Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh, TPHCM xảy ra. Sau giờ tan trường, 2 “nữ tướng” này xông vào ăn thua đủ. Chuyện lọt đến tai người lớn, họ đứng ra bảo vệ cho con em mình và thế là người lớn cũng tham gia vào “hỗn chiến”. Hậu quả, 1 người đã tử vong còn 4 người khác đã bị công an quận Bình Thạnh bắt giữ xử lý về hành vi “giết người”. 

Khó kiểm soát học sinh mang hung khí vào trường

Trở lại với vụ án mạng xảy ra tại trường THCS Công lập Tân Bình (TPHCM), trao đổi với PV, thầy Huỳnh Huyền - Hiệu trưởng trường PTCS Công lập Tân Bình cho biết: “Hoàng là học sinh mới chuyển từ tỉnh Bắc Giang về trường hồi đầu học kỳ 1. Hoàng học lực trung bình, tính tình khá trầm và ít giao lưu với bạn bè. Theo tôi, cả 4 em học sinh này đều là học sinh có học lực khá, trung bình và chưa từng bị vi phạm kỷ luật. Vụ việc xảy ra khá bất ngờ”. Thầy Huyền cũng thừa nhận rằng, đôi khi học sinh cũng hay ghẹo nhau vì giọng nói. Có thể, Hoàng nói giọng Bắc nên bị các bạn ghẹo gây cho em sự ức chế.

Thầy Đỗ Duy Bảo - phụ trách kỷ luật của trường cho biết: “Mỗi buổi học, nhà trường phân công 4 giám thị giám sát các em. Nhiều khi các em có xích mích nhỏ là bị nhắc nhỏ liền. Chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhỏ các em, nhưng việc các em giấu hung khí mang vào lớp thì khó phát hiện được”.  

PV đã trao đổi qua điện thoại với thầy Nguyễn Hoàng Nga - Phó Phòng GD-ĐT huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam về vấn đề bạo lực trong học đường. Thầy Nga cho rằng, học sinh ở những vùng quê, không có điều kiện tiếp xúc với internet, game, truyện tranh kiếm hiệp kích động. Các em nếu có mâu thuẫn thì cũng chỉ là dùng “hung khí” dép, hay viên phấn để ném vào nhau cho hả giận thôi. Tuy nhiên, khi ban cán sự lớp báo cáo với giáo viên, nhà trường sẽ lập biên bản cảnh cáo trước lớp, trước trường. Nếu mức độ nghiêm trọng thì sẽ mở hội đồng kỷ luật, thông báo đến gia đình…  

Cần có sự tư vấn tâm lý nơi học đường 

Thầy Nguyễn Hoàng Nga cho rằng, cần giáo dục đạo đức học sinh để các em có cơ sở hoàn thiện nhân cách con người. Nhà trường thường xuyên nhắc nhở cũng như răng đe nhằm ngăn chặn từ xa việc học sinh mang hung khí và gây gỗ trong, ngoài nhà trường. Những buổi chào cờ đầu tuần, những tiết giáo viên chủ nhiệm sinh hoạt lớp, thì vấn đề “dạy các em sự hoà nhã, thân thiện với bạn bè, chăm học” luôn được liên tục nhắc nhở.  

Thật vậy, sau những sự cố bạo lực học đường xảy ra, phía nhà trường thì cho rằng quá bất ngờ và khó kiểm soát. Còn phía gia đình thì vẫn có suy nghĩ, giao con cho nhà trường là giao trọn niềm tin. Tuy nhiên, rất cần sự phối hợp đồng bộ, theo dõi, giám sát các em một cách thường xuyên giữa gia đình và nhà trường.

“Việc để xảy ra những vụ án thương tâm mà hung thủ là các em học sinh thì trách nhiệm đó không phải của riêng ai. Nhà trường, gia đình và toàn xã hội phải cùng có trách nhiệm trong sự nghiệp giáo dục trí thức, nhân cách đạo đức của các em” - một cán bộ chuyên trách phụ trách mảng trường học của Thành đoàn TPHCM cho biết.

Việc học sinh Hoàng đâm chết bạn học, có thể động cơ cũng vì bị chọc ghẹo giọng nói. Em là học sinh mới chuyển trường, nhiều lúc uất ức vì bị “xử ép”. Nên tạo ra cho Hoàng một ức chế rồi đến lúc nó bột phát bằng hành động nông nổi như trên. Ai cũng nghĩ học sinh này, học sinh nọ ngoan, hiền, chăm học. Nhưng đó là bề nổi. Tâm lý của một học sinh đôi lúc rất khó kiểm soát.

Mặt khác, trẻ em bây giờ thực sự đang thiếu một sân chơi lành mạnh. Học sinh ở thành thị có điều kiện tiếp xúc với game, phim ảnh, truyện bạo lực. Trong khi đó, bố mẹ của các em thì suốt ngày lao đầu vào công việc. Còn giáo viên đứng lớp chỉ bồi bổ cho các em kiền thức sách vở chứ chưa trang bị được kỹ năng sống.

Tiến sĩ Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “Cần phải có một hệ thống chuyên viên tư vấn tâm lý học đường. Các chuyên viên này sẽ giúp các em vượt qua mọi khó khăn, khúc mắc về tâm lý. Và có thể sớm phát hiện và giải toả những ức chế tâm lý dẫn đến những hành động nông nổi của các em. Nhưng hiện nay việc đầu tư chuyên viên tư vấn tâm lý học đường vẫn chưa được xã hội ta đầu tư đúng mức”.  

Công Quang