Bạc Liêu:
Sạt lở đe dọa gần 100 căn nhà: "Chỉ 15 phút, cả căn nhà của tôi sụt hết"
(Dân trí) - "Chỉ chừng 15 phút, cả căn nhà phía sau của tôi bị sụt hết xuống sông. Nhiều đồ dùng, tài sản cũng bị cuốn theo", người dân ở thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) xót xa trong vụ sạt lở bờ sông gây sụt nhà.
"Con ơi, nhà sập rồi!"
Gia đình anh Nguyễn Văn Lê (40 tuổi, ngụ xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) cùng nhiều hộ dân khác vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ sạt lở bờ ở sông Cà Mau - Bạc Liêu xảy ra ngày 7-8/6.
Anh Lê kể: "Trước đó, nhà có dấu hiệu bị nứt. Khoảng 12h trưa 7/6, tôi nghe tiếng động phía sau rồi bất ngờ thấy cả căn nhà bị sụt hết xuống sông".
Lúc này, gia đình anh Lê tất bật lấy một số đồ dùng gần đó ra phía trước. "Có cái máy giặt không kịp lấy, giờ nằm dưới sông chắc hư hết rồi", anh Lê buồn bã chỉ tay về khu vực nhà bị sạt lở.
Theo quan sát của phóng viên Dân trí, khu vực sạt lở của nhà anh Lê phía sông rộng hơn 26m2. Toàn bộ khu vực này không còn nhìn thấy gì khi nước sông dâng lên cao. Trong phòng ngủ và phần nhà trước xuất hiện nhiều vết nứt, có dấu hiệu nghiêng về phía sông.
"Làm căn nhà phía sau tốn kém, mất thời gian, vậy mà chỉ chừng 15 phút sạt lở thôi đã không còn gì nữa", anh Lê xót xa.
Kế nhà anh Lê, nhà bà Nguyễn Thị Út (70 tuổi) cũng bị ảnh hưởng nặng trong vụ sạt lở.
"Chừng 10h, tôi đang ngủ thì giật mình nghe tiếng bốp bốp, chưa kịp biết chuyện gì thì thấy căn nhà phía sau sập ầm ầm. Tôi gọi cậu con trai "con ơi nhà sập rồi", bà Út nhớ lại.
Căn nhà phía sau của bà Út bị sụt có diện tích khoảng 18m2. Nhiều đồ dùng, tài sản cũng bị cuốn xuống sông.
"Khổ lắm, nhà đã khó khăn mà bị sạt lở thế này không biết tới đây ra sao nữa", bà Út lo lắng.
Tập trung hỗ trợ dân, cảnh báo sớm sạt lở
Theo thống kê của chính quyền địa phương, vụ sạt lở ngày 7-8/6 đã làm nhà của 13 hộ dân bị sụt, thiệt hại khá nặng. Ngoài ra, còn 90 hộ dân có nhà dấu hiệu đang bị nứt.
Ông Ngô Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai, cho biết hiện nay trên tuyến này có nguy cơ sạt lở rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở của 458 hộ dân.
Ngày 10/6, ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cùng đại diện sở, ngành trực tiếp khảo sát khu vực bị sạt lở tại xã Tân Phong. Ông Duy chia sẻ với sự khó khăn, thiệt hại mà các hộ dân đang gặp phải.
Chỉ đạo sở, ngành và địa phương, Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu yêu cầu đánh giá cụ thể nguyên nhân gây ra sạt lở để có phương án xử lý phù hợp.
"Trước mắt, ưu tiên tập trung thống kê chính xác thiệt hại và rà soát các chính sách để hỗ trợ kịp thời cho người dân; tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, cảnh báo sớm sạt lở để người dân chủ động phòng, bảo vệ nhà cửa, tài sản", ông Duy nói.
Với những hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở, ông Phan Thanh Duy yêu cầu trường hợp nào không ở được nữa thì địa phương vận động người dân di dời đến nơi khác. Với trường hợp còn ở được tại chỗ thì địa phương phải có biện pháp gia cố để đảm bảo an toàn cho dân.
"Các sở, ngành, địa phương cần khảo sát tất cả những điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn để cảnh báo sớm, xử lý tránh sạt lở, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra", Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo rõ.
Sạt lở gây thiệt hại hơn 2 tỷ đồng của một công ty thủy sản
Khoảng 2h ngày 9/6, tại khu vực phía sau nhà xưởng của một công ty thủy sản ở xã Long Điền Tây (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) xảy ra sạt lở đất cặp tuyến sông Gành Hào - Hộ Phòng.
Khu vực sạt lở đất có khu tường xây dựng cao 2m, dài 59m, ngang 20m; tổng diện tích bị sạt lở 1.180m2; thiệt hại một căn nhà xưởng xây dựng tiền chế, một hồ xử lý nước thải làm bằng bê tông.
Ước tổng thiệt hại về tài sản của công ty số tiền trên 2 tỷ đồng.
UBND huyện Đông Hải đã đề nghị công ty khẩn trương di dời toàn bộ tài sản, máy móc, trang thiết bị tại khu vực có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở đến nơi an toàn vì có khả năng sạt lở thêm.