"Sáp nhập Hoàn Kiếm vào bất cứ quận nào đều không phù hợp"
(Dân trí) - "Ở Hà Nội, Hoàn Kiếm là quận trung tâm, mang nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và cả tâm linh. Vì thế, sáp nhập Hoàn Kiếm vào bất cứ quận nào, đều không phù hợp", theo KTS Trần Ngọc Chính.
Quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính thuộc diện phải sáp nhập trong 2 năm tới, nhưng theo ý kiến chuyên gia, việc tính toán sáp nhập quận phải rất thận trọng và tính tới các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nêu nhiều lý do để thể hiện quan điểm "không đồng tình sáp nhập quận Hoàn Kiếm".
Mất nhiều hơn được
Theo ông Chính, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính là chủ trương đúng đắn, nhằm tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giúp cơ cấu tổ chức hành chính ngày một tốt lên.
Nhưng sáp nhập đơn vị hành chính nào cũng cần đánh giá và tính toán trên nhiều góc độ. Riêng với quận Hoàn Kiếm, ông Chính không ủng hộ phương án sáp nhập.
"Ở Hà Nội, Hoàn Kiếm là quận trung tâm, mang nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và cả tâm linh. Vì thế, việc sáp nhập Hoàn Kiếm vào bất cứ quận nào khác, đều không phù hợp", theo lời ông Chính.
Chia sẻ cụ thể hơn, ông cho rằng Hoàn Kiếm không thể sáp nhập với Long Biên hay Gia Lâm vì còn cách nhau con sông Hồng, không thuận tiện về mặt địa lý.
Với các quận lõi lân cận như Ba Đình, Đống Đa hay Hai Bà Trưng, ông Chính lo ngại nếu sáp nhập quận Hoàn Kiếm vào sẽ gây xáo trộn rất lớn. Điển hình như việc sau sáp nhập đổi tên quận cũng sẽ làm mất đi bản sắc của những quận vốn dĩ mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội.
"Riêng tên Hoàn Kiếm mang đầy giá trị lịch sử mà không thể đánh mất. Nhắc đến Hà Nội không thể không nhắc đến Hoàn Kiếm, cũng như nhắc tới Việt Nam không thể không nhắc tới Hà Nội. Bởi vậy, Hà Nội không thể mất đi quận Hoàn Kiếm", Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị nêu quan điểm.
Về giá trị lịch sử, KTS Trần Ngọc Chính nhắc lại quận Hoàn Kiếm có hồ Hoàn Kiếm, địa danh có ý nghĩa lịch sử quan trọng của Hà Nội và cả nước. Bên cạnh đó còn có quần thể Tháp Bút, cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn, tượng đài Lý Thái Tổ… Đó đều là những biểu tượng văn hóa, lịch sử mang đầy ý nghĩa của Thủ đô.
Không những thế, quận Hoàn Kiếm còn có 36 phố phường với lịch sử nghìn năm văn hiến và nhiều công trình nổi tiếng như Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn…
"Như vậy đủ để thấy Hoàn Kiếm rất đặc biệt, có giá trị lịch sử lớn, bao gồm lịch sử hình thành và phát triển của thủ đô Hà Nội, cũng như giá trị kiến trúc đô thị với những phố cổ nổi tiếng", ông Chính nói.
Vị kiến trúc sư đặt vấn đề: "Nếu chỉ vì việc sáp nhập mà làm mất đi những giá trị lịch sử, văn hóa của quận Hoàn Kiếm, có nên làm không?".
Theo ông, Hà Nội còn rất nhiều việc cần làm, như quy hoạch tốt thủ đô, chuẩn bị thật tốt hạ tầng khi xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, quy hoạch có hiệu quả hai bên sông Hồng, xây dựng thêm nhiều công viên và trường học… Vì thế, tính toán sáp nhập một quận quan trọng như Hoàn Kiếm vào thời điểm này hay cả giai đoạn tới, là không hợp lý.
"Với các đơn vị hành chính khác, nhất là cấp phường, xã, Hà Nội nên triển khai, xem xét đơn vị nào đủ điều kiện thì sáp nhập, nhưng với quận Hoàn Kiếm, không nên tính tới chuyện sáp nhập nữa mà nên giữ lại và tập trung đầu tư để phát triển", KTS Trần Ngọc Chính nhắc lại quan điểm.
Ông cho rằng nếu sáp nhập quận Hoàn Kiếm, mất sẽ nhiều hơn được. Và đặc biệt, việc này có thể khiến tâm lý nhiều người dân hoang mang.
Quận Hoàn Kiếm có yếu tố đặc thù để không phải sáp nhập
Phân tích về tiêu chuẩn và điều kiện sáp nhập, KTS Trần Ngọc Chính nhấn mạnh điều quan trọng nhất là trong Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, có quy định rõ các huyện, xã thuộc diện không bắt buộc sáp nhập nếu có một trong các yếu tố đặc thù theo quy định.
Ví dụ, "đơn vị có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào; hoặc đơn vị hành chính có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hay có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội".
Áp theo quy định này, quận Hoàn Kiếm có các yếu tố để "không bắt buộc phải sáp nhập".
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), cũng cho biết quận Hoàn Kiếm hiện mới chỉ được đánh giá trên tiêu chí là quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Ngoài ra, các bộ ngành liên quan sẽ còn phải xem xét những yếu tố đặc thù khác về điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống dân tộc, lịch sử.
"Đây mới chỉ là báo cáo rà soát của Hà Nội về mặt chính sách, chưa phải là quyết định", ông Thành nói.
Ngoài Hoàn Kiếm, Hà Nội còn 7 quận khác không đảm bảo diện tích tự nhiên nhưng không trong diện sáp nhập.
Đó là các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Nam Từ Liêm. Các quận này không thuộc diện phải sáp nhập vì dù không đạt tiêu chí diện tích tự nhiên, nhưng lại có dân số cao đáp ứng tiêu chuẩn quy định.
Theo kết quả rà soát, quận Hoàn Kiếm có diện tích tự nhiên hơn 5,3km2, (quy định đối với quận là 35km2). Quy mô dân số của Hoàn Kiếm là gần 213.000 người, còn quy định là 150.000 người.
Với diện tích đạt dưới 20% so với quy định, dân số của quận Hoàn Kiếm phải đạt trên 200% mới không phải sáp nhập. Tuy nhiên, cả 2 tiêu chí này của Hoàn Kiếm đều chưa đáp ứng.