Sắp khánh thành 3 dự án giao thông trọng điểm quốc gia
(Dân trí) - Cầu Nhật Tân, đường nối Nội Bài - Nhật Tân, nhà ga T2 Nội Bài cùng nhà khách VIP Nội Bài… là 3 dự án giao thông trọng điểm quốc gia sẽ chính thức được khánh thành vào ngày 4/1/2015.
Tại cuộc họp báo sáng nay (26/12), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đây là những dự án trọng điểm quốc gia, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (trừ Nhà khách VIP A). Các dự án trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng.
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng chiều dài 8,93 km với quy mô 8 làn xe chạy, trong đó phần cầu chính theo phương án cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp dài khoảng 3,75km, đường 2 đầu cầu dài khoảng 5,2km, mặt cắt ngang rộng 33,2m. Tổng mức đầu tư của cầu Nhật Tân là 89,943 tỷ Yên Nhật, tương đương hơn 13.600 tỷ đồng.
Cầu Nhật Tân được thiết kế theo ý tưởng về hình dáng cây đào truyền thống - là biểu tượng của làng hoa Nhật Tân - Hà Nội. Nhật Tân cũng là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam và là 1 trong 3 cầu trên thế giới có 5 nhịp cầu dây văng liên tục.
Cầu Nhật Tân
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, trong buổi làm việc giữa Bộ GTVT và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vào cuối tháng 8, phía Nhật Bản đã đề xuất đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt - Nhật và đã được Bộ GTVT nhất trí, tuy nhiên phía Hà Nội không đồng ý đổi tên cầu mà muốn giữ nguyên tên cầu Nhật Tân. Đến nay, các Hà Nội và Bộ GTVT đã đi tới thống nhất về tên gọi của cầu vừa đảm bảo văn hóa, truyền thống và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 quốc gia.
“Cây cầu được quyết định để tên cầu là cầu Nhật Tân, nhưng dưới biển tên cầu đúc bằng đồng có in cờ 2 nước Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời in một dòng chữ nhỏ bằng tiếng Anh với nội dung là cầu Hữu nghị Việt - Nhật” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thông tin.
Nhà ga hành khách lớn nhất Việt Nam
Nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài là nhà ga hành khách lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Được khởi công ngày 4/12/2011, Dự án do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản và được thiết kế, thi công, giám sát bởi Nhật Bản và Đức. Sau gần 3 năm triển khai thi công, công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ.
Công suất phục vụ ngày cao điểm đáp ứng phục vụ 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh; giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh. Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015 đến 2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020 đến 2030).
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam kỳ vọng, từ những tiện ích hiện đại thì nhà ga sẽ được đánh giá ở hạng tốt nhất của thế giới.
“T2 được trang bị xử lý hành lý hiện đại mà nhiều sân bay thế giới chưa có, Với hệ thống phân loại tự động, giữa hành khách và hành lý có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, nếu hành lý có vấn đề thì hành khách sẽ bị “hỏi thăm”, hành lý được phân loại tự động theo chuyến bay, đảm bảo đúng cửa, đúng chuyến bay đến và đi. … Hệ thống này không chỉ tiện lợi mà còn đảm bảo an ninh hàng không” - lãnh đạo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cho biết.
Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài
Với diện tích sàn 139.216 m2, nhà ga T2 Nội Bài gồm 4 tầng (không kể tầng hầm phục vụ kỹ thuật). Trong đó, tầng 1 dành cho hành khách đến quốc tế; Tầng 2 dành cho hành khách đi (nối chuyến) và đến quốc tế; Tầng 3 dành cho hành khách đi quốc tế; Tầng 4 là phòng chờ hạng thương gia và khu dịch vụ thương mại.
Nhà ga T2 Nội Bài được thiết kế theo tuyến tính với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng; hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ hàng không tiên tiến, theo tiêu chuẩn quốc tế. Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam kỳ vọng, từ những tiện ích hiện đại thì nhà ga sẽ được đánh giá ở hạng tốt nhất của thế giới.
Cùng với nhà ga hành khách mới, khu hành khách VIP A tại nhà ga T2 Nội Bài phục vục việc đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đi thăm các nước, cũng như đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước đến thăm Việt Nam theo đúng nghi thức ngoại giao quốc tế.
Nhà khách được thiết kế như một “khu nhà vườn có hình cánh hoa”, lấy ý tưởng từ hình ảnh của các vườn cảnh và sự tĩnh lặng của mặt hồ giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Sân nghi lễ có diện tích hơn 2.000 m2 để thực hiện các nghi lễ đón tiếp trang trọng có đông người khi đón đoàn khách cấp nhà nước đến thăm. Phòng hội đàm khánh tiết sử dụng khi cần cho những cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Việt Nam và đoàn quan khách quốc tế đến thăm.
Dự án đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân
Dự án được đầu tư xây dựng để kết nối trung tâm thủ đô với sân bay Nội Bài, cũng là kết nối tuyến Nhật Tân - Nội Bài với tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài, làm giảm bớt lượng giao thông trên tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Đường nối từ sân bay Nội Bài đến Nhật Tân
Dự án đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển sân bay Nội Bài; hoàn thiện đường trục chính của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông Thủ đô, tạo hình ảnh Thủ đô văn minh, hiện đại; Trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực huyện Đông Anh và Sóc Sơn thành phố Hà Nội.
Với tổng mức đầu tư của dự án là 6.742 tỷ đồng và tổng chiều dài tuyến là 12,1 km, phần đường chính được thiết kế là theo tiêu chuẩn đường phố chính chủ yếu, vận tốc thiết kế 80km/h, các đường gom được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V, vận tốc thiết kế theo đường nội đô 40 km/h.
Bộ GTVT cho biết, phương án tổ chức giao thông trên tuyến đường đã có kế hoạch cụ thể. Trong đó, Cầu Nhật Tân có làn cho cả xe máy và ô tô, sau khi qua cầu xe máy sẽ đi vào đường gom chứ không đi vào đường nối chính. Đối với ô tô, cầu đường Nhật Tân - Nội Bài dành cho xe con, xe ca và xe khách, toàn bộ xe tải nặng sẽ lưu thông trên đường Vành đai 3 và đường Thăng Long - Nội Bài.
Châu Như Quỳnh