1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Sắp đấu giá hơn 23 tấn đất hiếm bị tịch thu, giá khởi điểm gần 1,5 tỷ đồng

Thế Kha

(Dân trí) - Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức đấu giá tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu là trên 23 tấn đất hiếm với giá khởi điểm gần 1,5 tỷ đồng.

Ngày 17/12, thông tin từ Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị này đang thực hiện thủ tục đấu giá tài sản theo phương án xử lý tài sản số 598/PA-CAT-PC03 ngày 16/2. Tài sản đấu giá là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7062/2022 của Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ.

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ đã được lựa chọn là đơn vị tổ chức đấu giá số tang vật vi phạm này.

Tài sản đấu giá gồm: 25.944kg Oxalat đất hiếm, độ ẩm 59.45%, quy khô là 0.4055kg/1kg, hàm lượng TR2O3 là 33% có khối lượng quy khô 10.520kg (10,52 tấn); 29.906kg Oxalat đất hiếm, độ ẩm là 56,84%, quy khô là 0.4316kg/1kg, hàm lượng TR2O3 là 31,76% có khối lượng quy khô là 12.907kg (12,907 tấn).

Theo công an, giá khởi điểm đấu giá hơn 23 tấn đất hiếm là trên 1,47 tỷ đồng.

Công an tỉnh Phú Thọ đã ra thông báo để các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá đất hiếm biết để tham gia theo quy định.

Sắp đấu giá hơn 23 tấn đất hiếm bị tịch thu, giá khởi điểm gần 1,5 tỷ đồng - 1

Công an kiểm tra tại mỏ đất hiếm Đông Pao tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (Ảnh: Huyện Tam Đường).

Đất hiếm (Rare-earth element - REE) là tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn, bao gồm Scandi (Sc), Ytri (Y) và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu).

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, quang điện, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế… do vậy đây được xem là một nguồn tài nguyên rất quý giá.

Các nhà khoa học cho rằng các nguyên tố đất hiếm ngày càng trở nên quan trọng và không thể thiếu trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ tiên tiến. Do vậy, các nguyên tố đất hiếm có thể là xem là "vũ khí kinh tế" của các quốc gia có trữ lượng lớn trong thế kỷ XXI.

dat hiem.jpeg

Các mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn ở Việt Nam (Đồ họa: Khương Hiền).