Sắp ban hành nghị quyết ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm
(Dân trí) - Bộ Tư pháp đang tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Nội dung này chuẩn bị được thông qua.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long vừa có báo cáo một số nội dung cơ bản về các nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 15/8.
Trong báo cáo, ông Long khẳng định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), có nhiều quy định mới với mục tiêu tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật.
Chính phủ cũng thường xuyên yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; thực hiện minh bạch, khách quan trong xây dựng pháp luật; tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu, giải trình hợp lý các ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản.
Theo ông Long, Bộ Tư pháp đang tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Nội dung này đã hoàn tất việc chỉnh lý dự thảo và chuẩn bị thông qua.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp tham gia góp ý, xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật…
Cùng với những kết quả đạt được về công tác tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long thẳng thắn nêu tình trạng gia tăng các dự án vào chương trình không theo chương trình tổng thể hoặc đề nghị sát thời điểm tổ chức kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách; có dự án phải chuyển từ 2 kỳ thành 3 kỳ họp như Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); chất lượng một số dự án luật chưa cao.
Đồng thời, tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ giữa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến cách hiểu khác nhau, khó tổ chức thi hành.
"Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi", theo Bộ trưởng Tư pháp.
Để khắc phục những tồn tại trên, ông Long cho rằng cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định, chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao...
Để tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng về những chính sách quan trọng, định hướng lớn.
Trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu và từng cá nhân, chú trọng tổng kết pháp luật, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, thẩm định; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật…
Ngày 15/8, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan là 2 thành viên Chính phủ sẽ lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Chia lửa" cùng Bộ trưởng Lê Minh Hoan có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao.