Sáng nay, người Mông lưu lạc sang Pakistan về đến Việt Nam
(Dân trí) - Lãnh đạo UBND huyện Mèo Vạc - Hà Giang vừa thông báo, vào lúc 10h sáng nay (11/5), anh Vừ Già Pó về đến sân bay Quốc tế Nội Bài - Hà Nội trên chuyên cơ mang số hiệu TG560 của Hãng hàng không Thái Lan, sau hành trình lưu lạc 5.800 km ở Pakistan.
Có mặt tại sân bay Nội Bài sáng nay, PV Dân trí đã ghi nhận được sự có mặt của đại diện cơ quan chức năng và đại diện UBND huyện Mèo Vạc - Hà Giang cũng nhiều người thân, bạn bè người Mông sinh sống và làm việc tại khu vực Hà Nội đã có mặt để chào đón người đàn ông lưu lạc - Vừ Già Pó về quê hương sum họp với gia đình tại xã Khâu Vai - Mèo Vạc - Hà Giang.
Trước đó, sau nhiều nỗ lực, anh Vừ Già Pó đã chính thức được cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam hoàn thiện các thủ tục để anh được trở về quê hương Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Liên quan đến trình tự thủ tục đối với anh Vừ Già Pó, Bộ Nội vụ Pakistan đã quyết định giao công dân Vừ Già Pó, ở thôn Lũng Lầu, xã Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang) - người lưu lạc 5.800km cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan.
Trước đó, theo nguồn tin của PV Dân trí, dự kiến Vừ Già Pó sẽ lên máy bay về Việt Nam vào ngày 6/5. Tuy nhiên, do phát sinh một số trục trặc từ phía nước bạn nên việc đưa công dân này về nước tạm thời bị hoãn lại.
Theo đó, công dân người Mông này sẽ hồi hương muộn hơn so với dự kiến khoảng một tuần.
Hành trình của người đàn ông lưu lạc được ghi nhận lại như sau: năm 2012, Vừ Già Pó (1977), người dân tộc Mông ở thôn Lũng Lầu, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã cùng một số người bỏ trốn khỏi địa phương sang Trung Quốc làm thuê.
Hai năm sau, Pó bất ngờ xuất hiện tại Bang Azad Kashmir (Pakistan), cách nơi anh đã vượt biên hơn 5.800km. Khi đó, anh bị Lực lượng Quân báo Pakistan giữ khi đang chuẩn bị vào biên giới nước này.
Từ 10/2013, Pó bị tạm giữ ở cơ quan phòng chống tội phạm ở Muzaffarabad, sau đó chuyển sang đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam vùng Neelum. Khi bị tạm giữ, trên người anh không có bất cứ một thứ giấy tờ tùy thân. Anh cũng không hề biết một thứ ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Mông của mình.
Liên quan đến sự việc, bà Lý Thị Lan - Phó Giám đốc sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang cho biết: “Sau khi xác định có công dân người Mông Việt Nam bị tạm giữ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan đã thông báo, gửi ảnh về địa phương để xác minh và lên kế hoạch giải cứu công dân.
Tiếp nhận thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan, sở Ngoại vụ Hà Giang đã làm văn bản gửi kèm ảnh công dân Vừ Già Pó tới các huyện và xã trên địa bàn. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có thông tin xác định Pó là công dân người Mông xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc. Chúng tôi cũng đã kịp thời trả lời cho Cục lãnh sự và Đại sứ quán Việt Nam trên nước sở tại”.
Để khẳng định thêm, Đại Sứ quán Việt Nam đã liên hệ với đồn cảnh sát nơi Pó bị tạm giam kết nối điện thoại để anh nói chuyện với cán bộ địa phương. Qua cuộc nói chuyện bằng tiếng Mông, đã xác định chính xác Pó là công dân Việt Nam, người đã mất tích cách đây hai năm.
Theo bà Lan thì trường hợp của Pó bị lạc do vượt biên trái phép, không nằm trong diện công dân được quyền bảo hộ nên không được hỗ trợ vé máy bay đi lại. Tuy nhiên, tiền ăn, ở, chi phí đi lại trên nước bạn đã có Đại sứ quán Việt Nam chi trả. Mặc dù bị bắt tạm giam, nhưng về quyền công dân cũng như sức khỏe của Pó đều được đảm bảo.
Quốc Cường - Xuân Thái