1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Săn” kỷ vật thời chiến

(Dân trí) - Chỉ cần vài chục đến vài trăm ngàn đồng, khách du lịch lên thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo (Quảng Trị) đã có thể sở hữu những kỷ vật quý giá từ thời chiến tranh, như các loại thẻ bài, tiền xu, bi đông đựng nước, hộp quẹt Zíppô, huân huy chương...

Khan “hàng” huy chương chiến tranh! 

 

Được sự giới thiệu của một người bạn làm ở một khu di tích ở Hướng Hóa, một buổi sáng se lạnh, chúng tôi rời thị xã Đông Hà tìm về thị trấn Khe Sanh. Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông N, một “đầu nậu” thu mua và cung cấp kỷ vật chiến tranh cho khách du lịch có tiếng ở thị trấn Khe Sanh.

 

Mỗi ngày ông N gom hàng của cả trăm người chuyên rà phế liệu từ Tân Hợp, Tân Lập, Lao Bảo xuống. Kể về nghề buôn bán kỷ vật chiến tranh của mình, ông N ngắn gọn: “Cách đây gần năm, có tay thông dịch viên dẫn đoàn khách du lịch người Pháp, Mỹ gì đó vô hỏi có đồ cổ gì bán không. Tôi nói: Chỉ có đồ chiến tranh sót lại, mua thì lấy”. Thấy một mớ đủ thứ từ thẻ bài, tiền cent, huy chương giải phóng, huy chương chiến sĩ giải phóng đến bi đông đựng nước… mấy ông khách Tây balô xì xồ một lúc rồi mua sạch.

 

“Đặc biệt có hai món khách ngoại quốc ưa thích nhất vẫn là thẻ bài của lính Mỹ và các loại huy chương, càng cũ càng tốt”, ông N “bật mí”. Thấy có lời, vốn bỏ ra không bao nhiên nên ông N chuyển nghề từ đó, mở hẳn “đại lý” chuyên thu mua và cung cấp kỷ vật chiến tranh cho khách du lịch và các tay săn đồ cổ.

 

Khu phế liệu của ông N trông có vẻ tồi tàn, nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà to tướng ngay trung tâm thị trấn. Nguồn hàng của ông có đủ thứ, từ xác bom, vỏ đạn pháo đến xác xe tăng… “Khách du lịch có mua về làm kỷ niệm chứ mấy thứ này dân mình đâu có cần chi. Nói thật là bán chơi vui chứ mấy cái thứ kỷ vật đó được mấy hào, khách mua chủ yếu là khách Tây”, bà vợ tên L quả quyết.

 

“Săn” kỷ vật thời chiến - 1

Lẫn trong đống phế liệu này có những thứ được nhặt nhạnh, bán cho du khách với giá vài chục đô la.

 

Ông N vào nhà lấy ra một vỏ hộp trà Lipton, bên trong có hai bao nilon màu xanh, đựng xâu tiền bằng đồng, 13 đồng, có chữ fransaire; các chữ này đã mờ vì đất bám. Ông N quảng cáo: “Cái này từ kháng chiến chống Pháp đó, do thằng gần sân bay Tà Cơn mang lại cân cho tôi, tôi bán cho khách Việt thì 100.000đ, còn ngoại quốc thì từ 15-20 đô”.

 

Thấy khách chưa ưng, ông N lấy thêm một mớ thẻ bài của lính Mỹ, rao giá 200.000 đ/cái. Hỏi ông có huy chương không, ông bảo còn đúng một chiếc huy chương quyết thắng, hai bên sọc xanh - đỏ thuộc thời kỳ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đã hơi nhạt màu, giá 5 USD. “Những huy chương khác thì hết rồi. Phải chờ một tuần nữa mới có”, ông N cho biết.

 

Đua nhau “săn” kỷ vật chiến tranh

 

V, một ông chủ phế liệu khác ở Khe Sanh, cho biết cách đây khoảng vài năm, các loại thẻ bài, tiền xu, bi đông nước… thế này nhiều vô kể, chủ yếu bán vào lò nấu hết. Từ khi có nhiều khách du lịch hỏi mua thì mới có nhiều người đi tìm, mua bán. Có người còn khăn gói lên tận biên giới Việt - Lào để tìm. Nhưng cũng có đợt khách hàng không có nên không tiêu thụ được. “Hiện đang còn cả đống các loại kỷ vật nằm lẫn lộn với sắt vụn, chuẩn bị thanh lý cho các lò nấu phế liệu”, ông V cho biết.

 

H, năm nay hơn 40 tuổi, lúc nào cũng “găm” trong người cả đống kỷ vật các loại để phục vụ khách du lịch. H người thấp đậm, da ngăm đen, từng đi bộ đội bên Campuchia về, chào hàng 5 chiếc thẻ bài bằng nhôm của lính Mỹ, hai đồng One Dollar bằng bạc năm 1882 của Mỹ, một chiếc phù hiệu con diều hâu đậu trên quả địa cầu đã hoen gỉ… H cho biết: “Tôi thường vào trong các vườn cà phê để lượm. Nhất là sau mưa, có hôm nhặt được cả trăm cái”.

 

Một anh khác tên L vốn là một người chuyên rà tìm phế liệu, giờ cũng quay qua săn lùng kỷ vật. L khẳng định: “Giờ chỉ có khu vực quanh sân bay Tà Cơn, vùng ven xã Xi và vùng Tân Long là còn sót lại nhiều kỷ vật chiến tranh. Có lúc bán chạy hàng, người ta kéo nhau đi vào chỗ người dân tộc để mua thêm”.

 

L cho biết, nhiều người tìm được thường đem ra sân bay bán trực tiếp cho khách du lịch, nếu không thì bán… sắt vụn cho các bãi phế liệu. L ngậm ngùi: “Nghề ni ngó vậy chớ cực lắm. Có khi gùi gạo theo mấy ngày nằm trong rừng sâu nhưng mang hàng ra ngoài thì bán không được đành phải... cân đồng nát”.

 

Ông Hoàng Phước Lãm, Trưởng Ban Quản lý Di tích khu sân bay Tà Cơn cho biết: “Việc mua bán các kỷ vật chiến tranh này đã diễn ra một thời gian tương đối dài. Ngay khu di tích này cũng đã nhiều lần thu mua các kỷ vật chiến tranh, lần gần đây nhất chúng tôi cũng đã mua được gần 50 huân huy chương các loại của lính Mỹ và quân giải phóng để phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu”.

 

Lê Mai