1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Săn bò cạp, cua núi, tắc kè bay

Mật ong rừng, bò cạp, cua núi, tắc kè bay... là những sản vật thiên nhiên ưu đãi cho vùng Bảy Núi (An Giang). Đây cũng là nguồn sống của nhiều người dân. Họ đổ xô săn lùng các “của độc” này để bán kiếm lời.

Mới 3 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Cương, một thợ săn cự phách vùng Bảy Núi, đã gọi tôi dậy. Trong căn nhà ở thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên - An Giang, chúng tôi ngồi trò chuyện chờ đợi bên bình trà nghi ngút khói giữa khí trời buổi sớm se lạnh. Anh Cương nhìn đồng hồ, bảo: “Mùa này phải chịu khó đi xa, sang tận những ngọn núi ở Tri Tôn - An Giang mới có mật ong rừng nên phải đi sớm”. Nửa giờ sau, chúng tôi lên đường.

 

Lấy mật, không hại ong

 

Chiếc xe máy mò mẫm trong đêm tối. Anh Cương rành đến từng con dốc, khúc cua, ổ gà. Điểm đến của chúng tôi là núi Tức Dụp ở Tri Tôn. Hơn một giờ rưỡi chạy trong màn sương buốt lạnh của núi rừng, chúng tôi đến một căn nhà dưới chân đồi và gửi xe ở đây.

 

Chúng tôi tiếp tục chinh phục ngọn núi cao chót vót. Vừa thoăn thoắt leo lên những phiến đá cheo leo, anh Cương vừa ngó nghiêng tứ phía quan sát. Chợt anh reo lên: “Đây rồi, bên triền núi đối diện”. Lúc này, những tia sáng ban mai dần dần hiện lên.

 

Theo tay chỉ của Cương, tôi cố nhìn lên những tán lá trên đầu. Trong ánh sáng nhập nhoạng buổi bình minh, mỗi lúc càng rõ hơn nhiều chú ong đổ đến tìm mật. Anh giải thích: “Tức Dụp là nơi có hoa nở sớm nhất vùng Bảy Núi nên ong tụ tập về đây làm tổ trước nhất”.

 

Anh Cương bảo tôi nép mình bên phiến đá chờ lũ ong lấy mật xong bay về tổ để bám theo. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, Cương cho biết phải luyện đôi mắt cho tinh lanh mới xác định kịp hướng ong bay. Chúng bay không nhanh lắm nhưng trong rừng núi, cây, đá lổn nhổn rất dễ mất dấu. Cương quét mắt dõi theo hướng 3-4 chú ong đang bay ngược lên triền núi trong tia nắng sớm, nơi có chùm dây leo rậm rạp và mấy tảng đá nhô ra.

 

Săn bò cạp, cua núi, tắc kè bay - 1
Anh Cương với “chiến lợi phẩm” là tổ ong từng săn được trên núi Tức Dụp

 

Thoắt mấy cú nhảy, anh đã sang triền đá bên kia. Rất khó khăn, tôi mới đến được chỗ Cương và hết sức thích thú khi phát hiện một tổ ong to tướng đầy mật. “Loài ong này rất hiền, ít đốt người và không có nọc độc. Chúng làm tổ trong hốc đá, mật nằm trong từng miếng sáp xếp theo tầng như bậc thang nên được gọi là ong tầng” - anh Cương vừa giải thích vừa đốt đuốc, hun khói cho đàn ong bay đi rồi gỡ lấy tổ.

 

Trong buổi sáng, chúng tôi đã săn được 4 tổ ong rừng với gần 3 lít mật nguyên chất. Cương rủ tôi đến núi Cô Tô ở xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, nơi cũng có hoa rừng nở sớm thu hút nhiều ong tụ tập làm tổ. Vừa đi anh vừa tâm sự: “Làm nghề gì cũng cần có đạo đức mới tồn tại được lâu dài, nhất là ở chốn núi rừng. Mấy chục năm đi săn mật ong rừng, tôi tự đặt cho mình quy định chỉ lấy mật chứ không được giết hại ong, dù chỉ là con nhỏ”.

 

Cương cho biết mỗi năm anh săn được hơn 150 tổ ong rừng, kiếm hơn 100 lít mật. Cương cũng là người duy nhất ở vùng Bảy Núi săn được hơn hàng chục tổ ong mật to cả sải tay, mỗi tổ cho gần 10 lít mật. Tuy nhiên, anh thổ lộ: “Nghèo quá mới theo nghề này, riết rồi thành nghề chính kiếm sống quanh năm. Tôi biết mình đã mắc nợ ong, nợ núi rừng nên không dám làm hại mà còn cố bảo vệ những tổ ong còn nhỏ hoặc ong non, không để người ta đốt phá vô tội vạ”.

 

Kiếm tiền dễ dàng từ bò cạp

 

Ngang qua các chợ biên giới ở An Giang, tôi ngỡ ngàng khi thấy bò cạp núi được bày bán la liệt. Anh Cương cho biết: “Bò cạp ở Bảy Núi  là loài có nọc cực độc nhưng từ lâu được xem như thực phẩm cao cấp vì có nhiều tác dụng như dược liệu quý hiếm. Bởi thế, quanh đây có nhiều đội quân hùng hậu chuyên săn đào bò cạp núi để bán”. Theo anh Cương, ở Bảy Núi có Võ Văn Bảo, ngụ tại huyện Tịnh Biên, tuy còn trẻ nhưng đã là một tay thợ săn bò cạp tiếng tăm và nhiều kinh nghiệm nhất vùng.

 

Tôi tìm gặp Bảo và được anh rủ đi săn đào bò cạp núi. Bảo cho biết khắp vùng Bảy Núi nơi nào cũng có bò cạp sinh sống. “Lính” của Bảo có đến 4 người rất trẻ, đều nắm rõ địa bàn nào có nhiều bò cạp nhất. “Nhiều nhất là ở núi Phú Cường, xã An Nông, huyện Tịnh Biên. Trước đây, mỗi ngày có hàng chục người đến đó săn đào bò cạp” - Bảo kể.

 

Đến núi Dài Năm Giếng ở Tịnh Biên, Bảo xách cái len đi lòng vòng và dừng trước một gò đất lỗ chỗ nhiều hang nhỏ độ bằng 2 ngón tay. Bảo diễn giải: “Hang bò cạp cũng dẹp giống như thân hình của chúng nên dễ phân biệt với hang của nhiều loài vật khác. Hang sâu nhất chỉ khoảng 60 cm, thường là nơi “đại gia đình” bò cạp sinh sống. Còn hang cạn khoảng 20-30 cm thì chỉ có một đôi bạn tình bò cạp ở”.

 

Săn bò cạp, cua núi, tắc kè bay - 2
Bò cạp ở Bảy Núi được bày bán la liệt

 

Nói đoạn, Bảo thoăn thoắt xắn chiếc len vào một cái hang. Bị kinh động, lũ bò cạp rút sâu vào cuối đáy hang án binh bất động. Bảo nhờ tôi tìm một nhánh cây khô để câu bò cạp ra ngoài. Một tay thọc nhánh cây vào hang, tay còn lại Bảo cầm sẵn len để ém miệng hang đề phòng bò cạp trốn chạy. Vừa thọc cây vào, một con bò cạp chúa to bằng ngón chân cái lao ra ngoài thoát thân nhưng liền bị Bảo dùng len đè giữ lại rồi lấy nhánh cây đưa cho nó kẹp.

 

Thấy nhánh cây, con bò cạp chúa hung hăng giương cặp càng to khỏe kẹp thật mạnh nên dễ dàng bị Bảo bắt bỏ vào bao. Cũng bằng nhánh cây dụ cho lũ bò cạp kẹp, Bảo dễ dàng lôi lần lượt “gia đình” chúng ra khỏi hang.

 

“Bây giờ mới săn bò cạp thật sự nè” - Bảo thông báo và gọi thêm hai “đệ tử” cùng đi.

 

Mỗi người vác một chiếc leng, xách theo bao nhỏ đi sâu vào núi Dài Năm Giếng. Đến mỗi hốc đá, Bảo đều đứng lại quan sát rồi mới quyết định đào hay không. “Bò cạp thường làm hang theo các cục đá nhỏ hoặc kẹt đá”, vừa giải thích, cả 3 thợ săn vừa liên tục đào, bắt bò cạp cho vào bao.

 

Hơn 2 giờ săn đào, nhóm của Bảo bắt được hơn 70 con bò cạp. “Bạn hàng thu từ 1.000-2.000 đồng/con, tính ra kiếm tiền từ bò cạp cũng dễ. Tuy nhiên, vì bị săn bắt ráo riết nên bò cạp ở Bảy Núi không còn nhiều. Vì thế, không ít người đã sang tận Campuchia để tìm bò cạp”- Bảo cho biết.

 

Lên núi câu cua 

 

Hôm về núi Cấm ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên thăm người bạn tên Thảo, tôi được anh rủ lên núi câu cua. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, Thảo cho biết: “Ở đây có loài cua núi đặc sản không nơi nào có. Cua núi sinh sôi nảy nở vào mùa mưa. Chưa ăn cua núi coi như chưa biết gì về núi Cấm”. Thảo vào nhà lấy một cần câu không dây cũng chẳng có lưỡi, lôi tôi lên núi. Vừa đi, Thảo vừa cột một chùm dây thun màu sắc sặc sỡ vào đầu cần câu, bảo: “Mồi câu cua đó”.

 

Săn bò cạp, cua núi, tắc kè bay - 3

Hai con cua núi được anh Thảo câu trên núi Cấm

 

Đến một khe suối trên núi Cấm, tôi đã thấy nhiều người ngồi rải rác câu cua. Thảo cho biết cua núi rất hung dữ. Với đôi càng bông sắc nhọn, vừa thấy chùm dây thun màu là chúng kẹp ngay đưa vào miệng. “Cua núi dễ câu, dễ bắt mà thịt lại ngon nên cứ tới mùa mưa là người dân lại đổ lên đây câu.

 

Gần đây, du khách đến núi Cấm cũng ráo riết tìm mua cua núi khiến giá bán cũng nâng lên và ngày càng có nhiều người đi câu. Có người câu chuyên nghiệp chỉ khoảng 2 giờ đã bắt được 4-5 kg, kiếm được vài trăm ngàn đồng” - Thảo kể.

 

“Dính rồi, dính rồi!” -một cậu bé reo lên rồi nhanh nhảu kéo cần câu còn dính con cua đực đang kẹp càng vào chùm dây thun. Nó có màu tím rất đẹp ở dưới yếm, mai màu đen pha tím, còn cặp càng màu lửa lấm tấm đốm trắng. Kế bên, một người đàn ông cũng kéo lên được một cặp cua rõ to.

 

Thảo cũng không chịu kém, vừa thả cần câu xuống suối liền kéo lên một con cua đực bự chảng. Bắt con cua cho vào chiếc thau nhôm mang theo, Thảo hồ hởi: “Cua núi rất sạch vì không đóng rong rêu. Món canh cua núi là số một xứ này. Ngoài ra, cua núi cũng rất khoái khẩu khi rang me, rang muối hay đơn giản nhất là luộc”.

 

Chẳng bao lâu, khi chiếc thau nhôm lổn ngổn đầy những chú cua to tướng, Thảo dừng câu, rủ tôi về. Nhiều người khác cũng lác đác ra về khi tay lỉnh kỉnh thùng, bao, túi... đầy cua núi.

 

Tắc kè bay dần biến mất

 

Tắc kè bay ở Bảy Núi to gấp rưỡi con thằn lằn nhà nhưng có đôi cánh ngắn trên lưng. Nhiều người cho rằng tắc kè bay có khả năng trị được nhiều bệnh, như: hen suyễn, ho... nên chúng bị săn lùng ráo riết và đang dần biến mất ở những cánh rừng núi vùng Bảy Núi.

 

Trên đường đi bộ lên núi Cấm và núi Trà Sư ở Bảy Núi, tôi được nhiều người chào mời mua tắc kè bay trị bệnh. Mỗi con sau khi được mổ bụng, phơi khô, cho vào bọc có giá bán 8.000-10.000 đồng.

 

Người dân trên núi Cấm cho biết tắc kè bay thường đậu trên những thân cây trên núi cách mặt đất chừng 15-20 m. Nhiều người dân địa phương đã chế ra các loại ná thun, súng chĩa để đi săn tắc kè bay về bán. Mỗi con bán giá 2.000 đồng, bao nhiêu cũng có người đến thu mua.

 

Theo Quốc Dũng

 Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm