1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sân bay Long Thành: Chậm 5 năm, vốn sẽ tăng... gấp đôi

(Dân trí) - Vấn đề giải phóng mặt bằng (5.000ha) để xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) được nhận định khá thuận lợi vì phần lớn là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm thi công và đưa vào dự án khai thác vẫn đang còn bỏ ngỏ vì trước mắt còn rất nhiều thách thức như hình thức đầu tư, nguồn vốn đầu tư, quyền lợi khai thác...

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời 15.500 dân

Ngày 28/3, tại hội thảo “Đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành”, GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, với 85% diện tích dự án là đất nông nghiệp sẽ là thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Chi phí đầu tư cho tái định cư không cao sẽ giúp sớm hoàn thành nơi ở mới cho người dân chuyển đến.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường
GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường

“Sau hơn 10 năm trong tâm trạng dự án treo, người dân cũng muốn ổn định cuộc sống. Chúng ta cần làm tốt công tác vận động người dân”, ông Võ nói.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Trọng Hòa cho rằng vấn đề quan trọng nhất của dự án xây dựng sân bay Long Thành chính là giải phóng mặt bằng, ổn định cuộc sống người dân và sẵn sàng nguồn đất sạch khi cần tiến hành dự án.

GS.TS Nguyễn Trọng Hòa
GS.TS Nguyễn Trọng Hòa

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hưng – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai – cho biết để giải phóng mặt bằng phần lõi sân bay (5.000ha) thì trước tiên phải giải phóng mặt bằng để xây dựng khu tái định cư (370ha).

Dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến 4.815 hộ với 15.500 nhân khẩu là dự ánh ảnh hưởng đến dân sinh lớn nhất của tỉnh Đồng Nai từ 1975 trở lại đây. Việc đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu việc làm cho người dân cũng là thách thức lớn với địa phương.

Cũng theo ông Hưng, yếu tố thuận lợi trong giải phóng mặt bằng đó là có 1.800ha cao su là đất thuê của Nhà nước hàng năm nên dễ thu hồi. Dự án tái định cư cũng lấy đất trồng cao su.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai thừa nhận thực tế rằng đền bù giải phóng mặt bằng sẽ gặp khó khăn về giá cả. Hiện nay, giá bồi thường là theo định giá thị trường, đất khu vực xung quanh tăng lên thì vùng lõi sân bay cũng ảnh hưởng.

“Nhưng định giá cao thì cũng rất khó vì giá thị trường rất tự do, còn định giá thấp thì thiệt thòi cho bà con. Do đó, tỉnh tính toán rất kỹ về giá bồi thường và giải quyết tái định cư”, ông Hưng nói.

Sân bay Long Thành khó về đích năm 2025

Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Quốc hội đặt mốc 2025 đưa vào khai thác giai đoạn 1 sân bay Long Thành. Bộ GTVT giao mốc thời gian cho các đơn vị liên quan thực hiện. Đây là mốc tiến độ làm cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền, triển khai dự án.

Ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải
Ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải

“Dự án giải phóng mặt bằng, Đồng Nai chủ trì và phối hợp với Bộ GTVT. Dự kiến có mặt bằng năm 2020 để thi công hạng mục đầu tiên. Nguồn vốn đền bù giải phóng mặt bằng 23.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua và sẵn sàng”, ông Đông nói.

Tuy nhiên, theo ông Đông, dự án sân bay Long Thành còn nhiều thách thức. Do đó, cần bám sát tiến độ, quyết liệt giải quyết nhiều vấn đề.

“Hiện nay, trần nợ công cao, mức huy động vốn ngân sách có những khó khăn thách thức cho nên nghiên cứu khả thi cần làm rõ vấn đề này. Nghiên cứu khả thi sẽ trả lời câu chuyện thu hút vốn, đặc biệt là cơ chế thu hút nguồn lực tư nhân và mô hình khai thác dự án”, ông Đông nói.

Trong khi đó, TS. Lương Hoài Nam thẳng thắn đề cập những khó khăn mà dự án sân bay Long Thành đang gặp phải. Theo ông, dự án vẫn đang “loay hoay” trong thời gian qua.

“Vấn đề là ở chỗ chưa rõ mô hình đầu tư. Một dự án đầu tư bắt đầu khi rõ ai xuống tiền, xuống tiền với tư cách nào? Bao nhiêu tiền? Xuống tiền khi nào và cho những hạng mục đầu tư nào? Khi rõ như thế và có đủ hành lang pháp lý thì dòng tiền rục rịch, dự án bắt đầu”, ông Nam nói.


TS. Lương Hoài Nam cho rằng dự án còn gặp không ít thách thức, nhất là vấn đề góp vốn, khai thác kinh doanh

TS. Lương Hoài Nam cho rằng dự án còn gặp không ít thách thức, nhất là vấn đề góp vốn, khai thác kinh doanh

Theo TS. Nam, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là xác định rõ mô hình đầu tư. Nếu không sẽ rất khó triển khai dự án. Ông cho rằng hiện nay cách triển khai dự án sân bay Long Thành “hơi ngược”, cần phải xem xét cái nào làm trước, cái nào làm sau. Cần phải làm rõ mô hình đầu tư, phương án góp vốn rồi mới trình Quốc hội. Theo ông, việc thu hút vốn không khó nhưng quan trọng là cách làm.

“Người bỏ tiền thì có tiếng nói trong dự án về mô hình, khai thác... mà chúng ta làm hết khi chưa có nhà đầu tư khác. Chúng ta đang tiếp cận theo hướng đầu tư công chứ không phải hợp tác công tư nên không biết bao giờ mới ra được. Tôi lo ngại khi xuất hiện nhà đầu tư nước ngoài thì họ đòi hỏi thay đổi thiết kế, phân kỳ đầu tư, kế hoạch kinh doanh... Chắc gì họ đã ủng hộ phương án mô hình Hoa Sen”, ông Nam thẳng thắn.

Đại diện chủ đầu tư, ông Đỗ Tất Bình – Phó Tổng giám đốc Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – cho biết đang phấn đấu hoàn thành nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành để kịp trình Quốc hội vào cuối năm. Sau khi được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tùy theo phương thức huy động vốn thì chủ đầu tư triển khai nhiệm vụ tiếp theo.

Theo ông Bình, đối với sân bay thì 5 năm sẽ trượt giá gấp đôi. Nếu lùi dự án lại 5 năm nữa thì e rằng tổng vốn đầu tư sẽ gấp đôi chứ không còn là 5,4 tỷ USD cho giai đoạn 1 như hiện nay.

Quốc Anh