1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sân bay là tài sản quốc gia, vì sao Bộ Giao thông không đơn phương mở cửa?

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Tính đến chiều 7/10, Cục Hàng không Việt Nam đã nhận được 19 văn bản chính thức của các tỉnh thành được hỏi ý kiến. Trong đó, Hà Nội vẫn "lắc đầu", 2 tỉnh không ý kiến là Quảng Ninh và Quảng Nam.

Không gây sức ép cho Hà Nội việc mở đường bay

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Điều kiện mở lại các chuyến bay an toàn" do báo Giao thông tổ chức sáng nay (8/10), ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, trước khi lấy ý kiến mở lại các đường bay nội địa, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã gửi văn bản đến các tỉnh thành, lấy ý kiến về kế hoạch tái lập lại GTVT, trong đó có hàng không. Tuy nhiên, hiện không phải tất cả các tỉnh thành đã có ý kiến về đề xuất.

Về kế hoạch và dự kiến mở lại đường bay nội địa, Cục Hàng không dựa trên kế hoạch vận tải của Bộ GTVT, hướng dẫn ban hành vận chuyển tạm thời của Bộ GTVT, từ đó lấy ý kiến 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 22 cảng hàng không (CHK).

"Tính đến chiều 7/10, Cục Hàng không đã nhận được 19 văn bản chính thức của các tỉnh thành được hỏi ý kiến, còn lại 2 tỉnh không ý kiến là Quảng Ninh và Quảng Nam. Trong số 19 địa phương trả lời, có 3 tỉnh, thành phố chưa đồng tình. Trong đó, Hải Phòng khẳng định chưa mở đường bay nội địa và không nói rõ thời gian mở lại. Gia Lai bày tỏ, trong giai đoạn trước mắt do yêu cầu phòng chống dịch nên tạm thời chưa mở, có thể xem xét từ sau ngày 15/10" - ông Cường cho hay.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không thông tin, riêng Hà Nội nói giao nhiệm vụ cho UBND TP làm việc với Bộ GTVT về nội dung này và có văn bản nêu vấn đề đó. "Ngày 29/9, Hà Nội có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị chỉ đạo Bộ GTVT chưa mở lại đường bay nội địa. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, chúng tôi chỉ xin ý kiến Hà Nội và không gây sức ép về việc mở đường bay" - ông Cường nói.

Sân bay là tài sản quốc gia, vì sao Bộ Giao thông không đơn phương mở cửa? - 1

Cục Hàng không đề xuất khôi phục 10 đường bay từ ngày 10/10 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trở lại vấn đề bao giờ kích hoạt đường bay, ông Cường cho rằng việc xúc tiến nối lại hàng không nội địa là có căn cứ. Ngay từ đầu, Cục Hàng không đã gấp rút nghiên cứu mở lại đường bay để xây dựng kế hoạch mở lại tại 22 CHK đang quản lý, với phương châm ưu tiên phòng chống dịch, mở lại đường bay vừa an toàn chống dịch vừa tạo hiệu quả bền vững.

"Trước đây, để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, từ ngày 22/7, chúng ta đóng lại hoạt động hàng không nội địa. Chỉ duy nhất đường bay Hà Nội - Sài Gòn duy trì một số chuyến bay của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, Hà Nội không cho vận chuyển hành khách nên phải có chỉ đạo từ Bộ Y tế và Ban chỉ đạo Quốc gia để khách công vụ, ngoại giao không phải cách ly tập trung" - ông Cường thông tin và nói rõ về thẩm quyền Bộ GTVT ban hành kế hoạch, ý kiến của địa phương là quan trọng.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không cũng lý giải vì sao Bộ GTVT không đơn phương quyết định mở đường bay. Ông Cường cho biết, nếu không có sự ủng hộ của các địa phương, việc Bộ tự quyết định sẽ là phi lý, không hiệu quả, không đảm bảo yêu cầu chống dịch, không bền vững khi các địa phương chưa sẵn sàng.

Lập "hàng rào" quá chặt, mở nơi này nghẽn nơi kia là không ổn

Tại buổi tọa đàm, đề cập tới thời điểm này mở lại các chuyến bay hiện nay đã phù hợp hay chưa, PGS TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng - cho rằng GTVT như mạch máu, tắc nghẽn hay đứt chỗ này, chỗ khác sẽ tổn thương. Càng những chỗ quan trọng, như các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực giao thông đầu mối chính, thì tổn thương càng lớn.

Theo ông Phu, Thủ tướng đã đưa quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vì vậy kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh là vấn đề rất khó khăn. Đặc biệt với ngành hàng không thì càng khó hơn bởi tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam còn thấp, không đồng đều.

"Gánh nặng khi mở cửa đường bay nội địa sẽ dồn về các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Họ sợ bùng phát dịch, không có khu cách ly, sợ vỡ trận y tế. Như vậy, để kiểm soát dịch có hiệu quả, phải tính đến nguy cơ và tỷ lệ tiêm vaccine. Chúng ta cần xác định vùng nào có nguy cơ" - ông Phu nhấn mạnh và cho biết kiểm soát dịch nên tập trung vào việc cách ly, tiêm chủng, nguy cơ vùng, chứ không phải kiểm soát hành chính, cần có quy định để làm sao vừa khởi động lại hàng không mà vẫn kiểm soát được dịch bệnh.

Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cũng lưu ý, nếu đi từ vùng nguy cơ cao, thì phải có quy định về xét nghiệm, cách ly; những tỉnh có nguy cơ không cao thì đơn giản hơn. Tôi cũng lưu ý thêm, hiện trong một tỉnh, chỉ chỗ nào phong tỏa mới phong tỏa về đi lại, còn lại những vùng khác trong tỉnh đó vẫn bình thường.

"Hiện chúng ta mở cửa vẫn phải kiểm soát dịch bệnh vì tỷ lệ tiêm chủng vaccine của chúng ta không đồng đều, chưa cao; quy định kiểm soát cũng không thể đồng đều các vùng. Khi nào tỷ lệ toàn quốc tiêm chủng cao, lúc đó chúng ta có thể bỏ các hàng rào kỹ thuật phòng chống dịch. Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều địa phương tạo hàng rào quá chặt, không có sự linh hoạt. Nếu cứ mở chỗ này, nghẽn chỗ kia thì không ổn. Trong vấn đề liên quan tới nhiều địa phương như vậy, chúng ta cần có quy định hợp lý, linh hoạt và thống nhất." - ông Phu cho hay.