(Dân trí) - Lễ Vu Lan năm nay hầu các ngôi chùa lớn nhỏ đều chật kín phật tử, người dân tới thắp hương, cầu lễ báo hiếu mẹ cha. Nhiều người rưng rưng khi phải cài hoa trắng lên áo trong lễ báo hiếu...
Giới trẻ lên chùa báo hiếu mẹ cha
Chùa Trấn Quốc là điểm đến của nhiều bạn trẻ trong ngày lễ Vu Lan. Không gian rộng rãi, thoáng mát cùng không khí trang nghiêm của chính điện và các tòa tháp khiến những ai đến chùa trong ngày lễ đặc biệt này đều có cảm giác ấm lòng và chạnh nhớ về cha mẹ, nhất là với những ai không may mắn còn cha mẹ trên đời hay những người phải sống xa cha mẹ.
Bạn Nguyễn Thị Thu Huyền, sinh viên năm cuối trường Đại học Văn Hóa Hà Nội, chia sẻ: “Quê em ở Đà Nẵng. Một năm tranh thủ lắm cũng chỉ về được vào dịp Tết và dịp hè. Từ ngày đi học xa nhà, cứ đến mùa Vu Lan em lại nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Hôm nay, em lên chùa cầu sức khỏe và bình an cho bố mẹ và gia đình”.
Nhiều bạn trẻ, hầu hết là học sinh - sinh viên đến chùa để dâng lễ tri ân, báo hiếu nhân dịp lễ Vu Lan
Vừa thắp những nén nhang lên các tòa tháp trong khuôn viên chùa, bạn Lê Thị Mai trải lòng: “Năm em lên lớp 10, mẹ bị bệnh ung thư qua đời. Từ đó, cứ vào mùa Vu Lan em lại lên chùa cầu cho linh hồn của mẹ được yên nghỉ nơi chín suối”.
Nằm cạnh trường Đại học Ngoại Thương, chùa Láng trong ngày lễ Vu Lan chật kín các bạn sinh viên. Cài bông hồng đỏ thắm trên ngực áo, bạn Nguyễn Tuấn Anh, sinh viên Đại học Ngoại Giao tâm sự: “Lễ Vu Lan không đúng ngày nghỉ nên mình không về quê với gia đình được. Vì thế, tranh thủ nghỉ giữa giờ học mình lên chùa chắp tay thành kính cầu mong cha mẹ ở quê được an lành, bình yên”.
Những bông hồng tươi thắm được bạn trẻ này chuẩn bị đặt trên ban thờ gian Chính điện chùa Trấn Quốc.
Chùa Quán Sứ ngày thường vốn đã tấp nập, nay lại càng đông hơn trong ngày lễ Vu Lan. Hình ảnh những nam thanh nữ tú dắt tay cha mẹ già lên chùa cầu an trong ngày lễ khiến bất cứ ai cũng thấy ấm lòng.
Trong ngày lễ Vu Lan, tại khắp các cổng chùa, dịch vụ bán vàng hương, hoa cau, hoa hồng đều rất nhộn nhịp nhưng hầu như không có tình trạng “chặt chém”. Giá mỗi bông hoa hồng cũng chỉ dao động từ 2 - 5 ngàn đồng. Chị Nguyễn Thị Loan, bán vàng hương và hoa hồng trước cổng chùa Trấn Quốc chia sẻ: “Ngày hôm nay, tôi đi bán hương hoa cũng chỉ như là một cách tưởng nhớ đến cha mẹ đã không còn nữa. Nhìn các bạn trẻ cầm bông hồng tươi thắm vào chùa là tôi thấy ấm lòng cũng chẳng ai nỡ lấy đắt cả!”.
Rưng rưng lễ báo hiếu
Nhiều người rưng rưng khi phải cài hoa trắng lên áo trong lễ báo hiếu. Nhiều hình ảnh xúc động trong lễ Vu Lan tại các chùa tại TPHCM sáng 24/8.
Cài bông hoa trắng lên áo cho người bố đã lớn tuổi, cô con gái cho biết, năm nào cha con cô cũng có mặt ở đây. “Sức khỏe ông đã kém nhưng cứ Rằm tháng 7 thì nhất định ông phải lễ chùa để hướng lòng về đấng sanh thành”. Khi cô dìu bố lên bậc thang, dòng người đi chùa đông đúc đứng gọn để nhường đường.
Con gái dắt bố đến chùa ngày lễ Vu Lan
Những bạn trẻ hạnh phúc rạng ngời khi được cài bông hoa màu đỏ thắm, nghĩa là "vẫn còn cả hai đấng sinh thành".
Lâu lâu, đám đông lại lặng đi khi một một em bé phải sớm cài hoa màu trắng - màu hoa của người không còn cha mẹ trên đời.
Anh Hà Văn Hải (quê ở Nghệ An, ngụ ở Gò Vấp) cho biết đã hơn 10 năm anh phải cài bông hoa hồng nhạt (đã mất cha hoặc mẹ) vào lễ báo hiếu bởi căn bệnh ung thư đã đưa anh xa mẹ từ khi anh mới là cậu bé 14 tuổi. “Tôi đến chùa cầu siêu cho vong linh của mẹ và cầu nguyện cho ba sống thật lâu, thật khỏe cùng với con cháu”, anh Hải nói.
Năm nay là lần đầu tiên, chị Ngân (nhà ở Q.12) cũng dẫn cô con gái nhỏ mới 6 tuổi đến chùa. Chị đưa con đến đúng dịp lễ báo hiếu để con cảm nhận được hết sự thiêng liêng, kính cẩn của tất cả những người con đối với cha mẹ.
Từ sáng sớm, các ngôi chùa khác ở TP như chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình), chùa Việt Nam Quốc Tự (Q.10)… cũng đông nghẹt người đi chùa ngày lễ Vu Lan. Mọi người đều kính cẩn với các nghi lễ như đọc kinh Vu Lan, thả chim phóng sinh, cầu an cho người thân và cầu siêu cho người mất...
Giữ lồng cho con gái thả chim phóng sinh tại chùa Phổ Quang, một người mẹ tên Hoa cho biết cô xin nghỉ làm sáng hôm nay để đi chùa, trưa về sẽ làm lễ cúng rằm ở nhà. Cô nói: “Mỗi lần như vậy tôi lại nhớ cảnh lúc nhỏ mẹ cũng dắt tay mình cũng đến chùa thế này. Giờ mẹ đang bệnh, không đi được nữa".